Những đội đặc nhiệm không thể thiếu trong cuộc chiến chống IS

Thứ Năm, 03/09/2015, 11:02
Cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ngày càng cam go, khắc nghiệt nhất là khi chúng mở rộng hoạt động và sự bành trướng sang nhiều quốc gia ở Trung Đông – Bắc Phi. Ngoài những vũ khí thông thường, liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu còn thành lập những đội đặc nhiệm quốc tế cùng sự trang bị đầy đủ các thiết bị tối tân với mục đích chính là truy tìm và tiêu diệt bằng được các thủ lĩnh của tổ chức này.
Đội đặc nhiệm đen

Từ đầu tháng 2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trình lên Quốc hội nước này một loạt dự thảo về các giải pháp mà quân đội sẽ sử dụng để chống lại IS, bao gồm cả việc tiến hành giao tranh trên bộ. Tuy nhiên, việc công khai đưa quân đội Mỹ đến tham chiến vẫn là điều mà người đứng đầu Nhà Trắng không muốn làm.

Vì thế, trong vòng nửa năm qua, cùng với sự ủng hộ và giúp đỡ của Thủ tướng Anh David Cameron, Mỹ đã thành lập những đội đặc nhiệm nhỏ với từng nhóm nhiệm vụ cụ thể. Theo tin từ tờ Telegraph, trước khi có sự xuất hiện của những đội đặc nhiệm này, người dân ở Syria đã từng bắt gặp nhóm từ 8-10 cựu binh người Anh tình nguyện gia nhập lực lượng chiến binh người Kurd chống lại IS. Những người này tự gọi mình là Lực lượng Tình nguyện Quốc tế và sẵn sàng tới Syria để ngăn bước tiến của IS.

Những người này tự mua đồng phục và trả các chi phí khác để gia nhập đội quân chống IS. Họ còn phải rèn luyện khả năng chiến đấu trong điều kiện sa mạc giống như môi trường chiến đấu sắp phải đương đầu. Hỗ trợ họ luôn có một nhóm gồm hơn 100 thành viên của Cục Tình báo trung ương Mỹ - đội quân được Lầu Năm Góc cử đến để truy lùng và tìm cách tiêu diệt các thủ lĩnh của IS.

Nhưng đây vẫn chỉ là đội quân chống IS nghiệp dư. Tờ Guardian của Anh cho biết, bên cạnh lực lượng này còn có một lực lượng “đặc nhiệm đen” (TFB) gồm 80 lính SAS (đặc nhiệm không quân Anh, gồm cả tình báo MI5, MI6) và khoảng 200 lính đặc nhiệm Mỹ thuộc 2 biệt đội Delta Force, Seal 6. Mục tiêu của TFB là bắt sống hoặc giết chết ban lãnh đạo của IS trong một chiến dịch “'chặt đầu rắn”.

Lực lượng đặc nhiệm Mỹ trong đội TFB chống IS. Ảnh: inquisitr.

Mọi hoạt động của TFB đặt dưới quyền giám sát và chỉ huy của CIA. Khi sang Iraq, TFB còn tái lập Apostle (lực lượng đặc nhiệm do Mỹ thành lập sau chiến tranh Iraq rồi bị giải tán), huấn luyện Peshmerga (lực lượng vũ trang của người Kurd bản địa) cách chiến đấu với IS. Cho đến nay, nhờ TFB, nhiều tỉnh ở Iraq đã thành lập lữ đoàn đặc nhiệm cấu thành bởi các bộ lạc ở tỉnh Anbar, nhằm hỗ trợ lực lượng an ninh trong cuộc chiến chống IS.

Chủ tịch Ủy ban an ninh thuộc Hội đồng tỉnh Anbar, ông Ahmad Hamid cho biết, lữ đoàn chống IS có quân số vào khoảng 3.000 người thuộc nhiều bộ lạc khác nhau ở Anbar và được huấn luyện bởi các chuyên gia quân sự của Mỹ và Iraq trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 tháng. Địa điểm huấn luyện là hai căn cứ nằm ở phía Đông và phía Tây thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar.

Còn tại tỉnh Diala thuộc miền Bắc Iraq, tướng Jamil Shamary – chỉ huy cảnh sát tỉnh Diala cho biết, quân đội Iraq sẽ vũ trang cho 40 bộ lạc trong tỉnh để chiến đấu chống lại IS. Mục đích của việc vũ trang này là để chuẩn bị cho việc “bắt đầu một chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giải phóng tất cả các vùng đất ở Diala” khỏi sự chiếm đóng của IS…

Tờ Daily Mirror cho hay, cùng đi với TFB còn có các chú chó đặc nhiệm do Australia huấn luyện. Những chú chó này có nhiệm vụ phát hiện những khối thuốc nổ của IS và giúp liên quân chặn đứng chiến thuật khủng bố bằng cách cài bẫy bom hoặc sử dụng chiến binh đánh bom liều chết.

Và những cách truy lùng đặc biệt

Dưới con mắt các nhà quân sự Mỹ, Anh, IS rất mạnh và thậm chí còn nguy hiểm hơn Al-Qaeda nhiều lần. Vì vậy, trong những chiến dịch truy lùng thủ lĩnh và các thành viên của IS, liên quân do Mỹ đứng đầu không bao giờ quên sử dụng các thiết bị công nghệ cao.

Chẳng hạn như trước khi tiến hành không kích các mục tiêu của IS tại Syria và Iraq, Mỹ và đồng minh đã triển khai một loạt các phương tiện và biện pháp để do thám, thu thập thông tin tình báo. Đó là các vệ tinh trong không trung, các máy bay do thám tầm cao và hàng loạt các máy bay trinh sát - gồm cả loại có người lái và không người lái có vai trò như những "con mắt" của quân đội Mỹ và đồng minh nhằm theo dõi sự di chuyển của IS trong nhiều giờ, nhiều ngày.

Các máy bay tiên kích và ném bom mới nhất của Mỹ và đồng minh cũng được trang bị các camera và cảm biến tinh vi, giúp xác định và truy quét mục tiêu. Và trong khi video và các hình ảnh được gửi về, các vệ tinh và máy bay đặc biệt khác thuộc lực lượng "tình báo tín hiệu"có vai trò như những "đôi tai" nghe ngóng thông tin tình báo, nghe trộm liên lạc điện thoại, radio. Công cụ then chốt của hình thức này là máy bay RC-135 có khả năng chặn cuộc gọi từ độ cao tới 10.000m.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin chỉ điểm cũng rất quan trọng. Tại Syria, do mạng lưới gián điệp được cho là mỏng, Mỹ đã dựa vào các đồng minh Arab và ứng dụng Google Earth của Google để kết nối thông tin giữa nước này với lực lượng người Kurd.

Theo tờ The New York Times, các chiến binh người Kurd tham gia chiến đấu chống IS tại Syria đã sử dụng các máy tính bảng Samsung có cài đặt ứng dụng Google Earth (ứng dụng giúp quan sát hình ảnh toàn thế giới bằng dữ liệu thu được từ ảnh chụp vệ tinh) để xác định vị trí mục tiêu IS trên thực địa và cung cấp cho phía liên quân không kích do Mỹ cầm đầu. Chẳng hạn khi dân quân người Kurd thấy rõ thành viên IS đang di chuyển tại một địa chỉ GPS nào đó, họ có thể gửi thông tin này tới phòng chỉ huy hoạt động quân sự tại Mỹ và chỉ vài phút sau, máy bay chiến đấu của Mỹ đã được đến không kích xuống mục tiêu.

Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ nói: “Khai thác thông tin từ nhiều nền tảng công nghệ khác nhau nhằm tăng độ chính xác cho các cuộc không kích, giảm thiểu rủi ro với dân thường. Việc này đã tạo hiệu quả trong cuộc chiến chống IS, dẫn tới thất bại của chúng ở Kobane, ở Tel Abyad và buộc phải rút khỏi rất nhiều khu vực từng chiếm đóng”.

Ngọc Khuê
.
.
.