Những chính sách xây dựng Singapore mang dấu ấn Lý Quang Diệu

Thứ Tư, 25/03/2015, 08:00
Trong hơn 3 thập kỷ trên cương vị Thủ tướng, ông Lý Quang Diệu đã khẳng định được vai trò của một nhà lãnh đạo xuất chúng khi biến Singapore từ một “vùng đất đầm lầy” thành một “thành phố trong mơ”.

Về đối ngoại, Singapore có một tầm nhìn xa về chiến lược khi chủ trương bắt tay rộng mở với mọi quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Về đối nội, Singapore thực thi một đường lối “quốc trị” của riêng mình với những luật lệ nghiêm khắc (phạt từ những điều nhỏ nhặt như xả rác công viên, kéo nước nhà vệ sinh,...). Thu nhập bình quân đầu người của Singapore chỉ khoảng 400USD/năm, khi ông Lý Quang Diệu mới lên nắm quyền, thế nhưng đến nay con số này đã là hơn 60.000USD/năm.

Chiến lược phát triển đất nước

Trọng dụng nhân tài là chính sách quan trọng nhất mà “kiến trúc sư” Lý Quang Diệu đã kiên trì theo đuổi để xây dựng Singapore trở thành quốc gia phồn thịnh bậc nhất, điểm đến an toàn và hấp dẫn các nhà đầu tư nhất, là nơi “đáng sống” nhất khu vực.

Trong cuốn hồi ký “Từ Thế giới thứ ba lên Thế giới thứ nhất – Câu chuyện Singapore: 1965 – 2000” xuất bản năm 2000, ông Lý Quang Diệu khẳng định: “Nhân tài là tài sản quý báu nhất của quốc gia” và “càng có nhiều nhân tài là những vị bộ trưởng, các nhà quản trị và những người có chuyên môn cao thì các chính sách càng có nhiều ảnh hưởng, kết quả đạt được càng tốt hơn”.

Từ nhận thức sâu sắc này, ông đã đề ra và thực hiện nhiều chính sách tạo nguồn, nuôi dưỡng và thu hút nhân tài trong, ngoài nước. Để có được lực lượng nhân tài dồi dào, Singapore sớm có chính sách xây dựng nguồn nhân lực, tạo cơ hội phát triển cho tất cả mọi người. Giáo dục phổ thông được miễn phí không chỉ có học phí mà cả sách giáo khoa, giao thông... Không tổ chức các kỳ thi đại học mà xét tuyển căn cứ kết quả học tập ở các cấp học phổ thông, nhưng Singapore đặc biệt yêu cầu cao ở thi tốt nghiệp đại học.

Cuối những năm 1970, để đối mặt với khó khăn thiếu hụt nhân tài khi các quốc gia phương Tây thay đổi chính sách nhập cư, chấp nhận người di dân châu Á, ông Lý Quang Diệu đã cho thành lập hai ủy ban: Một có nhiệm vụ giúp những người có năng lực làm đúng nghề và ủy ban còn lại kết hợp họ lại thành một xã hội. Bên cạnh đó, ông thành lập hai cơ quan thu hút nhân tài từ Ấn Độ và các nước trong khu vực.

Thủ tướng Lý Quang Diệu là người có công đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng, biến Singapore thành một trong những nước “trong sạch” nhất thế giới. Trong thời gian cầm quyền, ông đã ban hành những luật lệ cần thiết dành cho Văn phòng Điều tra tham nhũng nhiều quyền hạn hơn để bắt giữ, lục soát, triệu tập nhân chứng, điều tra các tài khoản ngân hàng và các khoản hoàn trả thuế lợi tức của những cá nhân bị tình nghi cùng với gia đình của họ. Với sự ủng hộ của ông Lý Quang Diệu, Văn phòng được giao thẩm quyền tiến hành các cuộc điều tra đối với bất kỳ viên chức hoặc bộ trưởng nào.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Ảnh: Asiapacific.

Bên cạnh đó, ông Lý Quang Diệu cũng quyết tâm tăng lương cho các vị trí chủ chốt lãnh đạo nhằm giúp họ cống hiến nhiều hơn cho đất nước, loại bỏ các nguy cơ liên quan đến tham nhũng. Tất cả những điều đó đã mang lại một kết quả được thế giới thừa nhận, giống như ông từng tự hào tuyên bố: “Nếu bạn xưng mình là người Singapore, bất cứ nơi nào bạn đi đến, bạn mang theo sổ hộ chiếu Singapore, người ta tức khắc biết bạn tượng trưng cho tính liêm chính, năng lực và sự đáng tin cậy. Ở các nước vùng Vịnh giàu có, khi họ tìm một chuyên viên tài chính, bạn biết không, họ đã tìm người Singapore!”.

Bên cạnh đó, vị “thuyền trưởng” họ Lý lúc sinh thời luôn nhấn mạnh, mặc dù một nước nhỏ như Singapore luôn phải tìm cách “kết thêm bạn” càng nhiều càng tốt, song điều cốt yếu vẫn phải là giữ được chủ quyền và độc lập. Ông cũng đề cao tinh thần tự lực tự cường vươn lên của đất nước với câu nói nổi tiếng: “Thế giới không ai nợ nần chúng ta. Chúng ta không thể cầm bát đi ăn mày để sống". Chính vì vậy, ông luôn nhắc nhở người dân rằng “ngày nào người Singapore còn năng động, thích nghi và cạnh tranh tốt, ngày đó chúng ta còn có thể tiến lên”.

Giới phân tích từng ví von, 50 năm qua, trên “hải lộ” do “thuyền trưởng” họ Lý vạch ra, bất chấp phong ba bão táp, “chiếc ghe” Singapore đã trở thành một “con tàu” lớn.

Chính sách an ninh

Năm 1963, Singapore tham gia vào Liên bang Malaysia, nhưng chỉ 2 năm sau, đến năm 1965 lại tách ra thành nước độc lập. Khi đó, Singapore chưa có Hải quân và Không quân. Lục quân của họ mới chỉ gồm một trung đoàn pháo binh bao gồm các lính tự nguyện, một trung đoàn xe bọc thép, còn bộ binh thường trực không đủ ba tiểu đoàn. Một lực lượng nhỏ bé như vậy không đủ sức bảo vệ đất nước trước bất kỳ một đối phương nào. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã nhanh chóng nhận ra rằng cách thức tốt nhất giúp Singapore đứng vững trên eo biển quốc tế chiến lược là thông qua 3 nhóm giải pháp an ninh.

Thứ nhất, Singapore cần tìm kiếm sự ủng hộ của các nước lớn. Để lấp lỗ hổng sau sự ra đi của lực lượng Anh vào mùa xuân năm 1971, tháng 4/1971, Singapore đã ký Hiệp định quốc phòng 5 lực lượng với Anh, Malaysia, Australia và New Zealand. Mặc dù hiệp định này không gồm những cam kết quốc phòng cụ thể, nhưng nó đã tạo ra cơ chế yêu cầu một lực lượng lớn ủng hộ Singapore trong tình huống xảy ra khủng hoảng. Thứ hai, Singapore cần đầu tư xây dựng quân đội hiện đại, tinh nhuệ. Để làm được việc này, ông Lý Quang Diệu đã lấy hệ thống quân sự Israel làm mô hình để Singapore phát triển theo.

Năm 1967, một dự luật được thông qua nhằm bắt buộc tất cả nam giới đủ 18 tuổi phục vụ trong quân đội quốc gia, sau đó là phục vụ trong lực lượng dự bị. Điều luật này không chỉ tạo ra nguồn lực cho quân đội, mà còn xây dựng ý thức về bản sắc quốc gia. Bên cạnh đó, Singapore cũng ưu tiên phát triển quân đội theo hướng hiện đại, tinh nhuệ.

Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), từ năm 2008-2012, với dân số chỉ khoảng 5,3 triệu người, nhưng Singapore là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới, với ngân sách quốc phòng luôn chiếm 20% ngân sách quốc gia. Giải pháp an ninh thứ ba là Singapore cần tăng cường hợp tác khu vực.

Năm 1966, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu quyết định khôi phục thương mại với Indonesia. Ông cũng thực hiện các chuyến thăm tới Kuala Lumpur và Jakarta nhằm xây dựng niềm tin lẫn nhau. Tinh thần hợp tác khu vực đã dẫn tới sự hình thành Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1967, gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines là các thành viên sáng lập, tiến tới thiết lập Đông Nam Á thành “khu vực hòa bình, tự do và trung lập” năm 1972. Một trật tự khu vực như vậy là điều kiện để Singapore có thể tập trung vào các vấn đề quan trọng khác trong nước.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.