Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015)

Những chiến công vang dội của thiếu tướng tình báo Ba Trần

Thứ Hai, 13/04/2015, 10:18
Nhân kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đang lập hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Anh hùng Lao động Trần Văn Danh (Ba Trần) - nguyên Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu Miền, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Miền.

Kỳ I: Người đi tiên phong

Được xem là một nhà chỉ huy tình báo chiến lược tài ba, ông từng làm Phó Đoàn Chính phủ LTCM MN trong trại Davis - sân bay Tân Sơn Nhất. 

Ông cũng là người chỉ huy những trận đánh vang dội giải phóng Phước Long, Bà Đen, Bà Rá, đặc biệt chỉ huy các lực lượng tinh nhuệ tình báo, biệt động, đặc công, trinh sát bảo vệ 16 cây cầu trọng yếu của Sài Gòn, cùng các công trình quân sự, dân sự quan trọng khác trong ngày giải phóng Sài Gòn. 

Ngay trong đêm 30/4/1975, thay mặt Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Phạm Hùng - Chính ủy Trung ương Cục miền Nam đã phong hàm Thiếu tướng đặc biệt cho ông.

Tướng Ba Trần lúc trẻ.

Thiếu tướng tình báo Ba Trần tên thật là Trần Văn Bá, sinh năm 1923, tại Hóc Môn. Năm 13 tuổi, làm giao liên cho cách mạng. Năm 16 tuổi, ông Bá theo học trường Bá Nghệ Sài Gòn đến khi Nhật đuổi Pháp, trường đóng cửa. 

Tháng 7/1945, ông tham gia tổ chức Thanh niên Cứu quốc tổ chức cướp chính quyền ở Hóc Môn, rồi kéo về vườn Ông Thượng (Tao Đàn) Sài Gòn tham gia mít tinh biểu dương lực lượng. Ngày 23/9/1945, Pháp quay trở lại, ông Bá gia nhập Đội trinh sát của Khu 7. 

Năm 1948, được kết nạp vào Đảng Cộng sản, do yêu cầu bí mật của tổ chức, ông đổi tên thành Trần Văn Danh (bí danh Ba Trần). Từ năm 1949-1954, Ba Trần là Phó Tham mưu, kiêm Trưởng ban Quân báo liên tỉnh Thủ - Biên, Phó Chính ủy, kiêm Bí thư Trung đoàn 556/Sư đoàn 330 - Đông Nam Bộ. Hiệp định Geneve ký kết, Phó Chính ủy Ba Trần tập kết ra Bắc học nghiệp vụ tình báo, an ninh để chuẩn bị về Nam chiến đấu.

Tháng 12/1960, Ba Trần là một trong những cán bộ quân sự đầu tiên nhận lệnh vượt Trường Sơn về Nam. Chính sách “tố cộng” “diệt cộng” vô cùng tàn bạo của Ngô Đình Diệm đã gây tổn thất cho khoảng 95% cán bộ tình báo và tổ chức tình báo của ta trong nội thành. 

Công việc cấp bách lúc này là củng cố và xây dựng lại lực lượng Tình báo chiến lược và mạng lưới cơ sở. Trung ương Cục miền Nam thành lập Ban Quân sự Miền do đồng chí Trần Văn Quang làm Trưởng ban còn Ba Trần làm Trưởng ban Tình báo chiến lược.

Ông xây dựng lại ngành Tình báo cách mạng, tuyển chọn cán bộ từ ban địch tình tan rã sau Hiệp định Geneve. Lợi dụng mâu thuẫn nội bộ chính quyền và quân đội Sài Gòn, ông chỉ đạo giải cứu các cán bộ tình báo đang bị giam cầm, tuyển chọn cán bộ tình báo mới, bố trí hoạt động trở lại, tổ chức “cài cắm” sâu vào các cơ quan đầu não của Mỹ, ngụy. 

Ông là người có công lớn trong việc tổ chức giải cứu đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban An ninh T4 thời kỳ 1972-1975.

Các chiến sĩ đặc công rừng Sác.

Cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 đã kết liễu chế độ gia đình trị của anh em nhà họ Ngô. Nhiều tù chính trị trong đó có đồng chí Mười Hương bị địch chuyển từ Huế vào Sài Gòn giam cầm. Tại Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, tổ chức đã bố trí bà Lê Thị Nhiễm - một cơ sở nội thành, sau này trở thành Anh hùng quân đội, đã nhận đồng chí Mười Hương là con, thường xuyên đến thăm nuôi. 

Đồng chí Mười Hương khai chỉ là một giáo viên dạy tư bị đặc vụ của Ngô Đình Cẩn bắt oan, do đó ông nằm trong danh sách 22 người được Hội đồng an ninh xét thả. Sau đó, ông được tổ chức bố trí đưa ra căn cứ Củ Chi gặp các đồng chí lãnh đạo Miền lúc bấy giờ như Nguyễn Văn Linh, Trần Văn Trà, Trần Văn Danh… Mọi người đều rất mừng vì sự trở về của Mười Hương. 

Các đồng chí Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt biết tin đồng chí Mười Hương vẫn còn sống đều vui mừng khôn xiết. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh rất muốn giữ đồng chí Mười Hương ở lại nhưng Bác Hồ nói: “Chú ấy vừa trải qua một cuộc đấu tranh vô cùng gay go, quyết liệt. Phải để chú ấy nghỉ ngơi một thời gian”. 

Sau đó, đồng chí Mười Hương nhận chỉ thị của Trung ương gọi ra miền Bắc. Năm 1968, đồng chí Mười Hương trở lại chiến trường Nam Bộ công tác tại An ninh Miền. Năm 1970, đồng chí Mười Hương làm Trưởng ban An ninh T4 với 3 nhiệm vụ chính: Diệt ác ôn, đánh xẹp khí thế chính trị của địch. Tiến hành công tác điệp báo, xây dựng mạng lưới cơ sở, nắm âm mưu địch, đảm bảo an ninh khu vực.

Tháng 6/1965, Ba Trần được cử giữ chức Phó Cục trưởng Cục Tham mưu Miền, phụ trách Phòng Quân báo. Là cơ quan tham mưu địch tình cấp chiến lược, chiến dịch các chiến trường trọng điểm bao gồm các quân khu 6,7,8,9,10 và quân khu Sài Gòn - Gia Định. 

Các cán bộ tình báo đã khai thác nhiều thông tin, tài liệu bí mật quan trọng của địch như kế hoạch Maccarr, kế hoạch Hackin, kế hoạch Macnamara, kế hoạch bình định, Việt Nam hóa chiến tranh, các âm mưu chuyển hướng chiến lược… 

Ban tình báo chiến lược đã thu thập, khai thác được nhiều thông tin tối mật của chính quyền Sài Gòn và CIA Mỹ kịp thời báo cáo, phục vụ cho việc chỉ đạo chiến trường của Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền, Trung ương Cục và Bộ Chính trị Trung ương Đảng.

Trong chiến lược “chiến tranh cục bộ” năm 1965, quân đội Mỹ và chư hầu đưa quân vào miền Nam đẩy cường độ xâm lược lên cao chưa từng có. Trận càn Jonhson City của Mỹ vào căn cứ địa phía Bắc Tây Ninh là cuộc hành quân trên bộ lớn nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, với 45.000 quân, 775 xe tăng thiết giáp, 160 máy bay các loại, 256 khẩu đại bác gồm 2 sư đoàn, 3 lữ đoàn, 1 trung đoàn tăng và 1 liên đoàn biệt động quân Sài Gòn. 

Từ công tác tình báo, quân báo nên Ba Trần nắm chắc các kế hoạch, âm mưu địch đã báo cáo cho lãnh đạo Trung ương Cục chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, dời tránh an toàn và bày thế trận đánh địch thất bại thảm hại làm lung lay mưu đồ xâm lược và tỏ rõ sức mạnh của lực lượng quân sự của ta ngay từ ngày đầu tiên Mỹ đặt chân vào đất Việt Nam.

Khi Mỹ mở rộng chiến tranh, Quân giải phóng miền Nam triển khai các hoạt động tiếp viện cho chiến trường nước bạn Campuchia vừa để bảo vệ “hậu cứ” sau lưng căn cứ địa Trung ương Cục miền Nam. 

Ba Trần đã chỉ đạo Đoàn 367 trực thuộc Cục Tham mưu Miền tổ chức thành công trận đánh tập kích vào sân bay Pochentong, phá hủy 105 máy bay các loại, gần 100 ôtô và toàn bộ thiết bị, khí tài quân sự của sân bay, hơn 95% máy bay và giặc lái của chính quyền thân Mỹ Lonnol đã bị tiêu diệt. 

Tháng 10/1973 Đoàn 367 được Chính phủ tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang.

Hoàng Châu
.
.
.