Nguy cơ chiến tranh lạnh giữa Nga và EU từ những scandal gián điệp

Thứ Tư, 19/11/2014, 10:06
Mâu thuẫn Nga-Liên minh châu Âu (EU) ngày càng gia tăng bởi không chỉ vấn đề Ukraine mà còn liên quan đến một loạt scandal gián điệp ở Ba Lan và Đức. Đặc biệt, quan hệ này ngày càng bị trầm trọng hóa khi Tổng thống Nga Vladimir Putin kết thúc sớm lịch trình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brisbane, Australia với lý do cần nghỉ ngơi để bắt đầu ngày làm việc mới.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ARD ở Vladivostock hôm 17/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc các nước thuộc EU đang xúc tiến một “cuộc chiến tranh lạnh mới” nhằm vào Nga. Đồng thời, ông Putin cũng khẳng định rằng, kế hoạch mở rộng về phía Đông của NATO đang nhận được sự ủng hộ của các nước châu Âu và nhiều quốc gia trong số này đã dùng cái gọi là “bê bối gián điệp” để chống lại Moskva.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova còn cáo buộc rằng, thay vì tìm kiếm những biện pháp nhằm giải quyết cuộc xung đột nội bộ ở Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lại đang tham gia vào nỗ lực tuyên truyền “những điều bịa đặt vô căn cứ”, cho rằng lực lượng vũ trang Nga đã vượt qua biên giới vào Ukraine để từ đó củng cố lập trường của phe ủng hộ sử dụng giải pháp quân sự tại Ukraine và gia tăng các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. Đáng chú ý là không chỉ chịu sự tác động của cả EU mà đến nay, Moskva còn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng quan hệ ngoại giao với từng nước thành viên của liên minh này.

Cụ thể, hôm 17/11, Nga đã cáo buộc chính quyền có hành động thiếu hữu nghị đối với một nhân viên thuộc cơ quan ngoại giao của Nga ở thành phố Bonn, Đức. Và để đáp trả lại hành động này, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã trục xuất một nhân viên Đại sứ quán Đức ở Moskva. Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã gây xôn xao dư luận khi bất ngờ lên án kịch liệt Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một bài phát biểu tại Viện Chính trị quốc tế Lowy ở Sydney, Australia. Thủ tướng Đức cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin có lối tư duy cũ, coi Ukraine nằm trong tầm ảnh hưởng của mình và chà đạp lên luật pháp quốc tế. Trước đó một ngày, quan hệ Nga-Ba Lan cũng trở nên sóng gió khi Moskva trục xuất một số quan chức ngoại giao Ba Lan để trả đũa hành động tương xứng của Warszawa…

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã rời Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Australia sớm hơn dự định. Ảnh: Reuters.

Theo các nhà phân tích, quan hệ Nga-EU trong thời gian qua đã gặp nhiều sóng gió, nhất là từ khi Ukraine xảy ra xung đột ở khu vực miền Đông. Đỉnh điểm của việc này là hôm 16/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brisbane, Australia sớm hơn so với dự kiến. Mặc dù điện Kremlin đã bác bỏ thông tin cho rằng ông Putin bỏ về trước khi hội nghị kết thúc do sự đón tiếp lạnh nhạt của chủ nhà và sức ép từ các lãnh đạo phương Tây, song chỉ cần điểm qua một vài sự kiện người ta cũng thấy rõ những gì đồn đại không phải là không có lý. Còn nhớ, hội nghị thượng đỉnh G8 nhóm họp tại Bỉ hồi tháng 6 đã không có sự tham gia của Nga, chuyện lần đầu tiên xảy ra trong 17 năm. Bầu không khí giá lạnh ngày càng được củng cố bằng những đòn trừng phạt mà Mỹ và EU dành cho Nga. Nhưng chính lập trường cực đoan hóa của EU càng khiến cho khu vực này và cả Nga gặp thêm nhiều khó khăn, thậm chí thiệt hại cả về kinh tế lẫn xã hội.

Tổng thống Phần Lan khi trả lời phỏng vấn tờ The Guardian bên lề một hội nghị tại Helsinki  cũng cảnh báo rằng, sự thất bại trong nỗ lực tìm tiếng nói chung giữa Moskva với EU và Mỹ làm gia tăng xung đột và tạo nên nguy cơ chiến tranh lạnh kiểu mới ở châu Âu. Chủ tịch Đảng Cánh tả trong Quốc hội Đức Gregor Gysi hôm 17/11 cũng khẳng định rằng, thiếu Nga và đối đầu với Nga sẽ không mang lại hòa bình ở châu Âu. Quan điểm của ông Gregor Gysi cho rằng, trừng phạt là bước đi sai lầm và phương Tây nên gỡ bỏ để nhận được thiện chí đối thoại từ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Được biết, sáng 18/11, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã lên đường thăm Ukraine và Nga. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Steinmeier tới Moskva kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea với kỳ vọng là kêu gọi các bên cùng nỗ lực để tình hình không vượt quá tầm kiểm soát và đối thoại được thực hiện hiệu quả hơn.

Gia Nam
.
.
.