Thủ tướng Anh David Cameron: 'Người có quan điểm chính trị hợp lý'

Thứ Năm, 30/07/2015, 14:04
Chiều 29/7, Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland David Cameron đã tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Anh đương nhiệm thăm Việt Nam.
Thủ tướng Cameron, tên đầy đủ David William Duncan Cameron, sinh ngày 9/10/1966 tại London trong một gia đình có truyền thống quyền quý và đế vương, là hậu duệ chính dòng của vua William IV. Phu nhân của Thủ tướng Cameron từng là Giám đốc sáng tạo của Hãng thời trang sang trọng hiệu “Smythson” chỉ dành cho minh tinh màn bạc hoặc chính trị gia và đại gia khắp thế giới.

Mặc dù sinh ra tại London, nhưng Thủ tướng Anh lại trải qua thời thơ ấu tại Peasemore, Berkshire... Năm 1984, Cameron bắt đầu 9 tháng “gap year” (khoảng thời gian nối liền giữa trường cấp III và đại học, dành cho các hoạt  động cộng đồng để bổ sung kinh nghiệm sống). Ông làm việc như một nhà nghiên cứu cho người cha đỡ đầu Tim Rathbone, và sau đó là tại Hạ viện.

Trong vòng ba tháng, ông đã được tham gia nhiều cuộc tranh luận tại Hạ viện. Thông qua cha mình, ông được cử tới làm việc tại Hong Kong. Sau khi trở về, Cameron đã tới thăm Liên Xô. Cameron bắt đầu bằng Cử nhân Nghệ thuật nghiên cứu Triết học, Chính trị và Kinh tế (PPE) tại Brasenose College, Oxford.

Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland David Cameron. Ảnh: Mirror.

Giáo viên hướng dẫn của ông, Giáo sư Vernon Bogdanor miêu tả ông là “một trong những sinh viên xuất sắc nhất” ông từng dạy, với quan điểm chính trị “vừa phải và hợp lý”. Được trao bằng Sinh viên ưu tú hạng nhất sau khi tốt nghiệp Đại học Oxford, Cameron bắt đầu tham gia hoạt động chính trị bằng việc nộp đơn xin việc tại Cơ quan nghiên cứu của đảng Bảo thủ.

Một thời gian sau đó, Cameron trở thành cố vấn đặc biệt cho các chính trị gia tên tuổi như Norman Lamont - người từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính Anh, Michael Howard. David Cameron từng đảm nhiệm vai trò Giám đốc Vụ Doanh nghiệp của Công ty truyền thông nổi tiếng.

Sau đợt ứng cử Nghị viên lần đầu tại Stafford năm 1997 không thành công nhưng David Cameron được bầu vào năm 2001 làm dân biểu Nghị viện Anh đại diện cho khu vực hạt Witney của Oxfordshire. Hai năm sau đó, ông được đề nghị giữ chức vụ cao nhất đại diện cho phe đối lập tại Nghị viện.

Trong chiến dịch tổng tuyển cử năm 2005, ông đảm nhiệm vai trò quản lý điều phối chính sách của đảng Bảo thủ. Được xem là một ứng cử viên ôn hòa, thu hút cử tri trẻ tuổi, năm 2005, chính trị gia David Cameron đã đắc cử trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Bảo thủ. Trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 6/5/2010, đảng Bảo thủ đã giành chiến thắng trước các đảng phái đối lập khác, tuy nhiên chưa chiếm đủ đa số ghế tại Hạ viện để có thể lập chính phủ mới theo quy định của Hiến pháp.

Tình thế này đã buộc đảng Bảo thủ phải liên kết với đảng Dân chủ Tự do của chính trị gia Nick Clegg để thành lập chính phủ liên minh. Kết quả là ngay sau khi Thủ tướng Gordon Brown tuyên bố từ chức, ông David Cameron đã được Nữ hoàng Anh chính thức bổ nhiệm giữ cương vị này khi mới 43 tuổi, trở thành Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Anh trong hơn 200 năm qua và cũng là lãnh đạo đầu tiên của đảng Bảo thủ giữ chức vụ này trong 16 năm qua.

Trong cuộc bầu cử ngày 7/5/2015, đảng Bảo thủ đã bất ngờ giành chiến thắng áp đảo, đủ đa số ghế cần thiết để có thể tự thành lập chính phủ mới, mà không cần phải liên minh với các đảng khác. Kết quả này cũng có nghĩa là Thủ tướng Cameron sẽ nắm quyền lãnh đạo Chính phủ Anh thêm một nhiệm kỳ 5 năm.

Trả lời phỏng vấn trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Cameron cho biết ông rất hân hạnh được là Thủ tướng Anh đầu tiên đến thăm Việt Nam và cho rằng, đây là cơ hội tuyệt vời để mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai nước, và đó cũng là mục tiêu chính của chuyến thăm này.

Thủ tướng Cameron cũng chỉ ra rằng, Anh và Việt Nam đã hợp tác trong các vấn đề quốc phòng, hàng không và hai nước cùng sát cánh đấu tranh chống tội phạm như chống nạn nô lệ hiện đại, nạn lạm dụng tình dục trẻ em, các hình thức tội phạm mạng và tội phạm tài chính. Từ đó, ông bày tỏ mong muốn được đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực này trong thời gian tới. Về quốc phòng, Thủ tướng Anh hi vọng chuyến thăm này hợp tác giữa hai bên sẽ được tăng cường.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Cameron cũng bày tỏ quan ngại trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông và những ảnh hưởng có thể có đối với hòa bình, an ninh trong khu vực cũng như sự thịnh vượng của toàn cầu. Ông nêu rõ, mặc dù nước Anh không thể hiện lập trường đối với bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào trong khu vực này, London hiểu rõ rằng bất kỳ hành động khiêu chiến nào cũng có thể đe dọa sự ổn định trong khu vực.

Nước Anh tiếp tục kêu gọi các bên giải quyết các bất đồng về hàng hải và các vấn đề khác theo tinh thần của luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS)...

Khổng Hà
.
.
.