New York - Biểu tượng của nước Mỹ và Mục tiêu thường trực của khủng bố

Thứ Tư, 13/12/2017, 10:28

Ngày 11-12, một người đàn ông kích hoạt một thiết bị nổ gắn trên người gây ra vụ tấn công ở một đường hầm tàu điện ngầm, cách Quảng trường Thời đại chỉ năm dãy nhà.

Cảnh sát bảo vệ hiện trường vụ tấn công ngày 11-12. Ảnh Reuters

Thống đốc bang Andrew Cuomo thông báo với người dân New York rằng các cuộc tấn công như vậy là không thể tránh khỏi tại New York, thành phố từ lâu đã là mục tiêu tấn công cho những kẻ khủng bố có tư tưởng chống Mỹ.

“Đây là New York mà”, ông Andrew Cuomo nói. “Có một thực tế rằng chúng ta luôn là mục tiêu tấn công của nhiều kẻ muốn đưa ra thông điệp chống lại nền dân chủ, chống lại tự do. Chúng ta có tượng Nữ thần Tự do ở ngay cảng thành phố, và điều đó khiến chúng ta trở thành mục tiêu tấn công quốc tế. Chúng ta hiểu điều này”.

Vụ nổ xảy ra vào khoảng 7 giờ 20 phút ở lối đi nối các ga tàu điện ngầm đông đúc ngay gần Quảng trường Thời đại và trạm trung chuyển Port Authority. Ông James O'Neill, cảnh sát trưởng thành phố New York cho biết kẻ tiến hành vụ tấn công được xác định là Akayed Ullah, 27 tuổi. Một số tờ báo lớn của Mỹ trích nguồn cảnh sát giấu tên cho biết, tên này gốc Bangladesh, sinh sống tại Mỹ được 7 năm và từng trú lại Brooklyn. Tên Ullah bị thương nặng trong vụ nổ, trong khi ba người khác bị thương nhẹ.

Hệ thống tàu điện ngầm gắn liền với hoạt động thường ngày của người dân New York. Ảnh Reuters

Từ những năm 1960, New York, một trong những trung tâm kinh tế và niềm tự hào của nước Mỹ, luôn nằm trong tầm ngắm của khủng bố.

Vụ đánh bom bất thành hôm 11-12 diễn ra ngay gần Quảng trường Thời đại, một biểu tượng không chỉ của New York mà còn của cả nước Mỹ,  là sự việc mới nhất trong hàng loạt những vụ tấn công khủng bố của các phần tử Hồi giáo cực đoan nhằm vào thành phố này.

Trong số những vụ tấn công nhằm vào New York, phải kế đến vụ việc xảy ra vào năm 1993, khi al-Qaeda sử dụng xe tải gắn bom nhằm vào Trung tâm Thương mại Thế giới, giết chết 6 người và khiến hàng trăm người khác bị thương.

Chưa nguôi ngoai dã tâm muốn làm sụp đổ biểu tượng của nước Mỹ, các tổ chức khủng bố tiếp tục tiến hành những cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào New York. Nổi tiếng nhất phải kể đến vụ tấn công vào ngày 11-9-2001, al-Qaeda bắt cóc máy bay chở khách để đâm và phá hủy tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới, giết chết khoảng 2.700 người và hơn 300 người khác không tìm thấy thi thể, coi như đã thiệt mạng. 

Nhà chức trách cảnh báo người dân hãy "làm quen" với sự hiện diện dày đặc của cảnh sát trên đường phố. Ảnh Reuters

Hồi tháng 10-2017, 16 năm sau sự kiện 11-9, New York lại thành hiện trường của khủng bố đẫm máu khi một tay khủng bố lao xe tải vào người đi bộ và người đi xe đạp ở Manhattan, giết chết 8 người. IS đã đứng ra nhận trách nhiệm vụ cho vụ tấn công.

Trong những năm qua, cảnh sát New York đã ghi nhận nhiều vụ tấn công nhằm vào thành phố này, tuy nhiên, nhiều trong số đó đã thất bại hoặc không đạt được đúng như kỳ vọng và kế hoạch của kẻ khủng bố, điển hình là vụ tấn công hôm 11-12.

New York là nơi sinh sống của khoảng 8,5 triệu người (vùng đô thị lên đến gần 20 triệu người), trong đó một phần ba người dân từ nơi khác đến sinh sống. Hình ảnh những tòa nhà chọc trời, tượng Nữ thần Tự do và Quảng trường Thời đại, từ lâu đã có mặt từ màn ảnh nhỏ tới màn ảnh rộng trên toàn cầu, cũng như trong các sản phẩm văn hóa Mỹ có sức ảnh hưởng sâu rộng.

Một cuộc tấn công nhằm vào New York, dù thành công hay thất bại, cũng sẽ tạo được tiếng vang. Tuy nhiên, cảnh sát thành phố đã thành công trong việc ngăn chặn một số kế hoạch khủng bố lớn tại New York. Như vào năm 2010, cảnh sát đã phát hiện và vô hiệu hóa một quả bom xe ngay gần Quảng trường Thời đại, đồng thời, Faisal Shahzad, kẻ đứng đằng sau âm mưu táo tợn này, đã bị bắt và cuối cùng bị kết tội.

Ảnh Reuters

Dù vậy, New York vẫn là một mục tiêu trong tầm ngắm thường xuyên và quan trọng của khủng bố. Đặc biệt, hệ thống tàu điện ngầm của thành phố, được hàng triệu người New York từ mọi tầng lớp xã hội sử dụng mỗi ngày, cho thấy các biện pháp an ninh và chống khủng bố được thực hiện trên khắp thế giới kể từ ngày 9-11 vẫn còn đầy những sơ hở để khủng bố lợi dụng.

Đảm bảo an toàn đối với phương tiện giao thông công cộng là một nhiệm vụ không dễ dàng. Bất cứ kẻ khủng bố dù là đơn độc cũng có thể gây ra tổn thất hàng triệu USD một cách dễ dàng nếu nhằm vào khu vực này.

Chủ nghĩa khủng bố không suy cho cùng không chỉ đơn thuần là gây ra tổn thất về mạng sống và tài sản mà còn tạo tâm lý hoảng sợ cho xã hội và buộc người dân thay đổi cách mà người ta vẫn sống.

Như vậy, một số vụ tấn công khủng bố nhằm vào các điểm nóng giao thông, dù gây thương vong lớn hay không, vẫn được cho là khá thành công. Có thể kể đến những vụ tấn công hệ thống giao thông ở Madrid, London, Mumbai hay Moscow, làm hàng trăm người thiệt mạng. Vụ 11-12 trong ga tàu điện ngầm ở New York chỉ là ví dụ mới nhất cho loại hình tấn công này.

Ông Bill de Blasio, thị trưởng thành phố New York, gọi đây là một nỗ lực khủng bố “gây bất an đáng kể” vì “cuộc sống của chúng tôi (những người dân New York) gắn liền với tàu điện ngầm.” Ông cũng thông báo cho người dân New York chuẩn bị tinh thần cho việc cảnh sát sẽ được điều động trên khắp các con phố của New York để tăng cường an ninh.

Các nỗ lực tấn công nhằm vào Mỹ và các nước khác vẫn tiếp tục dù cuộc chiến chống khủng bố đã gặt hái nhiều thành công với chiến thắng trước al-Qaeda, và mới đây nhất là IS. Tổ chức khủng bố này giờ đây chỉ còn hoạt động cầm chừng ở Afghanistan sau khi chịu tổn thất nặng nề trong chiến trường ở các khu vực khác. IS, chỉ vài năm trước đây nổi lên và chiếm được phần lớn Syria và Iraq, đã bị đánh bại và đang phải lẩn trốn và tìm đến những nơi khác để hoạt động.

IS có thể đã mất rất nhiều lãnh thổ từng kiểm soát, nhưng nó vẫn còn khả năng truyền cảm hứng cho các chiến binh thực hiện các cuộc tấn công khủng bố trên toàn thế giới, thông qua Internet và các phương tiện truyền thông khác.

Ảnh Reuters

Việc các cuộc tấn công bằng xe trở nên phổ biến chứng minh rằng hình thức này quá đơn giản để thực hiện. Và vụ đánh bom hồi đầu tuần lại cho thấy rằng chỉ cần một cá nhân đơn độc hoạt động trong bóng tối với quyết tâm phá hoại lớn cũng là rất khó để ngăn chặn, trừ khi các lực lượng chức năng gặp may.

Ở New York, thành phố giờ như đã dần quen với giết chóc và sự hiện diện dày đặc của cảnh sát, tinh thần vững vàng chính là một trong những chìa khóa vượt qua nỗi sợ hãi. “Chúng ta hãy trở lại làm việc”, Thống đốc Cuomo kêu gọi. “Chúng ta sẽ không để chúng làm ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của chúng ta”.

Duy Tiến
.
.
.