Nạn nhân trong rốn lũ Lào rưng rưng kể lại giây phút kinh hoàng

Thứ Sáu, 27/07/2018, 17:08
4 ngày kể từ sau khi sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy thuộc huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Lào xảy ra, người dân địa phương vẫn chưa khỏi bàng hoàng khi nhắc lại khoảnh khắc ám ảnh nhất cuộc đời.

Không thể cứu nổi con gái mình

Anh La và chị Aun đã mất đi hai người con trong trận lũ bất ngờ. Ảnh: BBC

Trong số những người được giải cứu khỏi sự cố đau lòng ngày 23-7 có anh La và vợ anh, chị Aun. Tưởng như may mắn đã đến với gia đình, nhưng không, cơn lũ quét bất ngờ đã cuốn đi hai đứa con 1 tuổi và 4 tuổi của anh chị.

"Tôi đưa con và vợ lên thuyền. Tôi cố gắng giữ nhưng nước mạnh quá. Tôi không thể giữ được nữa, con thuyền lật úp, và con gái tôi rơi xuống", anh La kể lại khoảnh khắc để tuột mất con gái của mình trong đau xót. 

Khi cả hai vợ chồng đang cố gắng đi tìm đứa con 1 tuổi, thì con gái 4 tuổi của anh cũng bị nước cuốn trôi. "Mọi chuyện xảy ra ngay trước mắt tôi. Tôi thực sự sốc. Tôi không biết phải đổ lỗi cho ai. Tôi chỉ nhớ các con", anh La chia sẻ với BBC trong dòng nước mắt chua xót.

"Không ai cảnh báo chúng tôi"

Nước ập đến bất ngờ khiến người dân trở tay không kịp. Ảnh: KPA

Đó là chia sẻ của ông Poosa Duangapai, một nạn nhân của sự cố hiện đang được di dời đến một nhà tạm trú dựng trong một trường mầm non.

"Không ai cảnh báo chúng tôi cả. Chỉ có một người nhìn thấy nước ập đến rồi hét lên với chúng tôi", anh kể lại.

Còn với nạn nhân Tran Van Bien, 47 tuổi, sự cố vỡ đập dường như đã in hằn rất sâu trong tâm chí anh. "Từ 9h tối đến 2h sáng hôm sau (ngày 24-7), mực nước dâng lên rất nhanh. Chúng tôi chạy đến một ngôi nhà ở phía sau, rồi nước cứ dâng dần lên tầng hai, tầng ba.... Sau đó tất cả chúng tôi đều ở trên mái nhà", anh nói.

"Tôi thấy một số người trôi theo dòng nước, nhưng tôi không thể làm gì cả. Một số người dường như còn sống. Một số thì đã chết rồi", lời kể của anh Tran Van Bien ám ảnh bất cứ ai.

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith chia sẻ với báo chí hôm 25-7 rằng một cảnh báo đã được ban hành cho người dân trước khi lũ ập đến, nhưng thừa nhận rằng thời gian cảnh báo gấp dẫn đến việc di tản không thể thực hiện kịp thời trong một số trường hợp.

Bên cạnh đó, một số người dân cũng không muốn tin vào những lời cảnh báo, dẫn đến việc không mau chóng di dời, Thủ tướng Lào cho hay.

Cái chết tưởng như đã cận kề

Một cô bé đã dùng chính tấm nệm làm thành một chiếc thuyền tạm để di chuyển. Ảnh: Reuters

Nhiều nạn nhân sinh sống tại các làng ở khu vực thượng lưu đã cố gắng trở về nhà sau khi nước rút, trong số đó có bà Phit, 46 tuổi, với câu chuyện về cái chết tưởng như đã cận kề.

"Ngày lũ tràn về, chồng của tôi đang ốm nặng, các con tôi đã đưa ông ấy lên thị trấn khám. Chỉ còn một mình tôi ở nhà. Khi tôi đang ngủ, tôi bỗng nghe thấy tiếng hét rất lớn "Đập vỡ, 4 hoặc 5 người chết rồi!", bà kể lại.

Lúc ấy, một cách vô thức, bà vội vàng chạy ra khỏi nhà và cố gắng tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra, để rồi nhận ra trước mắt mình là cảnh tượng những người dân đang vội vã cuốn gói đồ đạc và tìm nơi cao ráo để chạy trốn.

"Thật không may, xe của tôi không nổ được. Nước ập đến quá nhanh và tôi không kịp lấy một đồ đạc nào. Tôi lội và sau đó bơi, cho đến khi một người cháu trai nhìn thấy và kéo tôi lên cùng trú trên mái nhà".

"Chúng tôi ở đó từ khoảng 11h đêm cho đến 3h sáng, khi một chiếc thuyền cứu hộ đến đưa chúng tôi đi. Mực nước đã dâng lên tới tầng 2 của tòa nhà", bà kể lại.

Những ngôi nhà không thể trụ vững trước dòng nước cuốn. Ảnh: Reuters

Còn với gia đình ông Vanh và bà Duang, thuộc bản Hinla, việc thông báo được cho là đưa ra quá gấp. Cặp vợ chồng kể lại họ chỉ được trưởng bản thông báo vào buổi chiều rằng dòng nước sẽ ập đến vào khoảng 8h tối và yêu cầu người dân chuẩn bị di tản. Thời gian quá gấp gáp khiến gia đình ông bà trở tay không kịp.

"Dòng nước quá mạnh đã làm hư hại một phần ngôi nhà, cuốn trôi chồng và con tôi. Chỉ còn tôi và con gái trụ lại được tại ngôi nhà", bà Duang tường thuật lại trong một đoạn video do bệnh viện tỉnh Attapeu đăng tải.

Một vật lạ đã cứa vào mặt con gái bà Duang khiến mặt cô bé chảy đầy máu. Vượt qua vết thương, con gái đã cố gắng kéo bà lên tầng hai, nhưng do dòng nước quá lớn, bà đã không thể leo lên.

Vào thời điểm ấy, bà đề nghị buông tay con gái để đảm bảo an toàn cho con của mình, nhưng cô gái vẫn nắm chặt tay mẹ và nói: "Nếu chết, con sẽ chết cùng mẹ".

Cuối cùng, hai mẹ con bà Duang cũng leo lên được tầng hai nhưng nước lũ vẫn đuổi theo chân họ. Hai người tiếp tục trèo lên mái nhà để trốn. Dòng nước dữ ồ ạt chảy đến đã cuốn trội hai mẹ con bà Duang, nhưng thật may mắn, họ đã thoát chết trong gang tấc nhờ bám vào cành cây và chờ giải cứu.

"Tôi không nghĩ chúng tôi sẽ sống sót", bà Duang kể lại. Như một phép thần kỳ, chồng và người con còn lại của bà cũng đã thoát chết, mặc dù mất hết của cải, nhưng cả gia đình đã có thể đoàn tụ sau trận lũ kinh hoàng.

Sự trở về lặng lẽ

Một người dân cố gắng thu lại những gì còn sót lại sau cơn lũ. Ảnh: Reuters

4 ngày kể từ sau khi sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy thuộc huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Lào xảy ra, mực nước tại nhiều khu vực đã rút, nhiều người dân đã quay trở về nhà, để rồi chứng kiến những hậu quả khủng khiếp mà cơn lũ đã để lại...

Tại những ngôi làng nơi nước tràn về, những gì còn lại là những ngôi nhà nhuộm màu bùn đất, xác động vật vùi lấp dưới lớp bùn, và những vật dụng gia đình bị nước cuốn ngổn ngang trên đường phố.

Một bác sĩ Việt Nam tham gia cứu hộ chia sẻ: "Mọi người đang ở trong tình trạng rất tồi tệ. Thực sự tôi không biết họ sẽ vượt qua sự tàn phá này như thế nào. Họ mất tất cả mọi thứ".

Hãng thông tấn Lào xác nhận, tính đến ngày 27-7, đã có 27 người chết, 131 người mất tích do lũ lụt bị gây ra bởi sự cố vỡ đập, 3000 người vẫn đang chờ đợi được giải cứu.

Lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục được triển khai để tìm kiếm người mất tích và khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra. Ảnh: BBC

"7 ngôi làng bị thiệt hại, trong đó 2 ngôi làng thiệt hại nặng nề. Tại đây đã từng có 200 nóc nhà, và giờ chỉ còn khoảng 10 ngôi nhà còn đứng vững", một nhân viên y tế chia sẻ với Reuters.

Theo các nhân viên y tế, tình trạng sau lũ vẫn còn đang rất tệ. Nhiều người dân vẫn đang sống trong cảnh thiếu thức ăn, đồ uống và thiếu thuốc. Các đội cứu trợ từ nhiều nước như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc đã trực tiếp đến chung tay hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả sự cố cùng chính phủ và nhân dân Lào.

Đập phụ "Saddle dam D" của dự án thủy điện tỷ đô Xe-Pian Xe-Namnoy ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Lào bị vỡ vào khoảng 20h tối 23-7, trút lượng nước lớn xuống khu vực hạ lưu, gây lũ quét và ngập úng tại nhiều ngôi làng thuộc huyện Sanamxay.

Được rót vốn đầu tư 1,02 tỷ USD, đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy do Công ty năng lượng Xe-Pian Xe-Namnoy (PNPC) xây dựng và quản lý. Đây là dự án hợp tác giữa các công ty đa quốc gia gồm Ratchaburi Electricity Generating Holding của Thái Lan, SK Engineering & Construction và Korea Western Power của Hàn Quốc, và Lao Holding State Enterprise của Lào. Đây cũng là dự án xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) đầu tiên được các tập đoàn Hàn Quốc tiến hành tại Lào. Quá trình nghiên cứu tính khả thi được hoàn thành vào tháng 11-2008. Công trình khởi công từ tháng 2-2013 và dự kiến đưa vào vận hành thương mại trong năm nay.
An Nhiên (Tổng hợp)
.
.
.