Nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ Nga - EU

Thứ Bảy, 06/06/2015, 10:15
Vốn đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” bấy lâu nay, căng thẳng trong quan hệ Nga - Liên minh châu Âu (EU) lại bị đẩy lên một nấc thang mới khi Bộ Ngoại giao Nga ngày 31/5 chuyển đến một phái đoàn của EU đang hoạt động tại Moskva danh sách 89 công dân EU bị “cấm cửa” vào nước này, sau khi Moskva công bố danh sách này hôm 29/5. Ngay lập tức, EU đã lên tiếng phản đối hành động này của Nga, cho rằng đó là động thái “hoàn toàn độc đoán và vô lý”.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Nhiều câu hỏi từ một số nước châu Âu yêu cầu giải thích tại sao những cái tên lại xuất hiện trong danh sách cấm nhập cảnh vào Nga. Rất đơn giản, danh sách này được thực hiện như một phản ứng đối với chiến dịch trừng phạt chống lại Nga được phát động bởi một số nước EU do Đức dẫn đầu. EU đã vi phạm các quy tắc hòa bình trước khi Moskva liên quan đến điều đó”.

Đại sứ Nga tại EU Vladimir Chizhov khẳng định “những người trong danh sách không phải tình cờ mà bị cấm”. Ảnh: Russianmission.

Cũng theo Bộ Ngoại giao Nga, Moskva không có kế hoạch công bố danh tính cụ thể những người bị cấm nhập cảnh vào Nga. Giải thích cho lý do giữ kín bản danh sách, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Meshkov cho biết: “Chúng tôi cảm thấy rằng chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của những người trong danh sách bị cấm nhập cảnh vào Nga tốt hơn so với các đối tác phương Tây – vốn đứng trên mái nhà và hét tên từng người (bị trừng phạt)”.

Thứ trưởng Alexei nói thêm rằng, những ai muốn biết mình có bị cấm hay không có thể đến đại sứ quán để tìm hiểu. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại EU Vladimir Chizhov khẳng định “những người trong danh sách không phải tình cờ mà bị cấm” và danh sách “không bao gồm các nhà lãnh đạo hoặc quan chức cấp cao”.

Theo một số nguồn tin, danh sách trên bao gồm công dân, nghị sĩ, quan chức quốc phòng và an ninh các nước: Ba Lan (18 người bao gồm Robert Kupiecki và Người phát ngôn Thượng viện Bogdan Borusewicz), Thụy Điển (8 người), Anh (9 người bao gồm Giám đốc Cơ quan tình báo MI5), Đức (7 người), Phần Lan, Bỉ, Cộng hòa Czech, Đan Mạch (4 người), Latvia. Trong số này có những cái tên nổi trội như Uwe Corsepius, Tổng thư ký đương nhiệm của Hội đồng Liên minh châu Âu; Bruno Le Roux, lãnh đạo đảng Xã hội của Tổng thống Pháp Francois Hollande trong Quốc hội nước này; cựu Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg...

Phản ứng trước động thái này, trong một tuyên bố ngày 30/5, cơ quan đối ngoại của EU nêu rõ ngoại trừ việc công bố danh tính các cá nhân bị liệt vào danh sách đen này, Moskva không đưa ra “bất kỳ thông tin nào khác về cơ sở pháp lý, tiêu chuẩn và quy trình đưa ra quyết định này”.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini nhấn mạnh, EU coi lệnh cấm này của Nga là “không công bằng”. Cùng ngày, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz kêu gọi Nga đảm bảo tính minh bạch của quyết định này.

Ông Schulz cho biết sẽ trao đổi với Đại sứ Vladimir Chizhov vào sáng 1/6 về vấn đề này và nếu không nhận được câu trả lời “thỏa đáng”, ông sẽ xem xét việc ra những quyết định đáp trả.

Cũng trong ngày 30/5, Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom đã yêu cầu Nga giải thích về lệnh cấm nhập cảnh đối với những người này, trong đó có 8 công dân Thụy Điển. Ngoại trưởng Margot nêu rõ: “Nga có quyền đưa ra danh sách trên nhưng cần phải có một cách giải thích hợp lý về việc vì sao lại cấm nhập cảnh đối với những người này. Theo như chúng tôi hiểu thì đây là một động thái phản ứng lại với lệnh cấm tương tự từ phía EU”.

Một số nước có công dân bị liệt vào danh sách, như Anh và Đức, cũng chỉ trích danh sách trên của Nga và bày tỏ hy vọng Moskva sẽ cung cấp thêm những lý giải xung quanh động thái này. Trong khi đó, tân Ngoại trưởng Phần Lan Timo Soini thì đánh giá “không phải là một bất ngờ lớn” và “đây là phản ứng đã được dự kiến trước” đối với lệnh cấm tương tự mà trước đó EU đã áp dụng đối với công dân Nga.

Khổng Hà
.
.
.