Mỹ thừa nhận bế tắc trước IS

Thứ Năm, 11/06/2015, 12:32
Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây đã thừa nhận rằng, cho tới nay, Mỹ vẫn chưa có một chiến lược đầy đủ và hiệu quả để chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đặc biệt là tại Iraq.

Theo đó, mặc dù chưa công bố, song chính phủ Mỹ đang có những điều chỉnh trong chiến lược chống lại nhóm cực đoan này, mà trước tiên là tăng cường huấn luyện cho các lực lượng Iraq, và không loại trừ khả năng gia tăng sự hiện diện quân sự tại khu vực, một khả năng mà tới nay Mỹ vẫn bác bỏ. 

Phát biểu tại buổi họp báo kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại Đức, Tổng thống Obama cho hay: “Chúng tôi muốn có thêm nhiều binh sĩ Iraq được đào tạo, trung thành, được trang bị tốt và tập trung. Thủ tướng Iraq al-Abadi cũng muốn điều này và chúng tôi đang xem xét một loạt kế hoạch để đạt được mục tiêu về một lực lượng an ninh Iraq được đào tạo, trang bị, có một chiến lược tập trung và được lãnh đạo tốt”.

Các tay súng người Hồi giáo dòng Shiite bên ngoài thành phố Baiji, chuẩn bị tái chiếm thành phố hôm 3/6. Ảnh: Reuters.

Để thực hiện sứ mệnh huấn luyện này, theo tiết lộ của tờ New York Times, chính phủ Mỹ sẽ bố trí một căn cứ quân sự tại Iraq và sẽ điều động hàng trăm binh sĩ tới khu vực để thực hiện sứ mệnh huấn luyện. Căn cứ này sẽ được đặt ở tỉnh Al Anbar, phía Tây Iraq, khu vực mà IS đã củng cố được vị trí của mình trong những tháng vừa qua. Mỹ có thể triển khai tới 400 cố vấn quân sự tới Iraq.

Theo cố vấn quân sự Martin Dempsey (Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ), Mỹ sẽ chỉ mở thêm các cơ sở huấn luyện cho lực lượng an ninh và quân đội Iraq, nhưng sẽ không thay đổi chiến lược tổng thể của Washington. Ông Martin cho biết, áp dụng lại kinh nghiệm hồi năm 2006 trong cuộc chiến chống mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda, lần này Washington cũng muốn có thêm nhiều binh sĩ người Hồi giáo dòng Sunni hơn nữa tham gia các chương trình huấn luyện của mình và các nước đồng minh.

Giới chuyên gia nhận định, đây là một lựa chọn rủi ro khi bản thân người Iraq cũng chưa giải quyết được những mâu thuẫn dai dẳng giữa người Hồi giáo Sunni và Shiite. Đây cũng là một trong những lý do khiến các vấn đề chính trị và an ninh tại Iraq thường xuyên bất ổn.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama lại lạc quan rằng, những thất bại vừa qua là những bài học đắt giá và một sự hợp tác đầy đủ của Iraq sẽ giúp mang lại chiến thắng trong cuộc chiến chống IS. Bên cạnh chiến lược huấn luyện cho các lực lượng an ninh và quân đội Iraq, mới đây, trong bài viết trên tờ Wall Street Journals, ông Kevin Carroll - cựu sĩ quan lục quân Mỹ ở Iraq và Afghanistan và cựu sĩ quan CIA ở vùng chiến sự Trung Đông  - đã hiến kế cho chính phủ Mỹ về cách phòng thủ Baghdad trước làn sóng đen của phiến quân IS.

Theo đó, Tổng thống Obama nên cân nhắc tiến hành 4 bước sau: Sử dụng sức mạnh của lực lượng không quân chiến lược; Mở các chiến dịch đặc biệt không khoan nhượng; Bắt giữ và thẩm vấn các thủ lĩnh IS và Gửi lực lượng chiến đấu trên bộ tới mặt trận Syria-Iraq.

Theo giới phân tích, mặc dù có thể cộng đồng quốc tế hưởng ứng việc Mỹ đưa lục quân tới Syria và Iraq để trực tiếp chiến đấu, nhưng khả năng này rất thấp. Về phía Tổng thống Obama, rõ ràng ông hiểu rất rõ việc Mỹ đã sa lầy quá nhiều vào các cuộc chiến ở hải ngoại, đặc biệt là trong bối cảnh vẫn còn đó dư âm của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Bên cạnh đó, không còn bao lâu nữa ông chủ Nhà Trắng sẽ kết thúc nhiệm kỳ, và chắc chắn ông mong rằng mọi người sẽ nghĩ tới như một vị tổng thống yêu hòa bình. Về ông Martin, vì là người từng công tác nhiều năm ở khu vực Trung Đông, rồi là ở Iraq trong giai đoạn nóng bỏng 2003, nên chắc chắn ý thức rõ về tình trạng giáo phái thù địch nặng nề ở những nơi này. Đặc biệt là ở Iraq, khi mà ban lãnh đạo Iraq chưa thực sự đoàn kết nội bộ, chưa thực sự đại diện cho đông đảo các lực lượng để từ đó quy tụ họ lại tiến đánh kẻ thù chung.

Trong bối cảnh đó, thêm vào việc các cường quốc khác đang vướng bận với những ý định riêng, thì ai là người có khả năng giúp Mỹ trong cuộc chiến này tại Syria và Iraq? Chỉ có một đáp án duy nhất: Iran. Tại sao? Vì, chính quyền Iraq hiện nay thuộc về người Hồi giáo dòng Shiite, cùng dòng Hồi giáo đã số ở Iran. Tiếp đó, Syria là đồng minh truyền thống hiếm hoi của Iran. Lý do cuối cùng và cũng là lý do quan trọng nhất: nước Cộng hòa Hồi giáo này có tiềm lực mạnh vào hàng nhất nhì Trung Đông, lại được tôi luyện bản lĩnh trong quá trình đối phó dài lâu với siêu cường Mỹ cũng như cả nước Iraq kiêu hùng thời đỉnh cao.

Dù vẫn đang nằm trong vòng vây của một số nước phương Tây thù địch cùng các quốc gia Trung Đông thân Mỹ và đông người Hồ giáo dòng Sunni, song Iran vẫn tự tin chỉ trích cách tiếp cận của Mỹ đối với IS là không hiệu quả. Không chỉ có thế, trong cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu Elmar Brok tại Thủ đô Tehran hôm 7/6, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã chỉ trích việc một số quốc gia trong khu vực đang tiếp tục hậu thuẫn tài chính cho IS.

Sự chần chừ của Mỹ phần nào là nhân tố có ích cho sự lộng hành của IS. Tại Iraq, trong ngày 9/6, tổ chức khủng bố cực đoan này đã liên tục gây ra nhiều vụ nổ ở Thủ đô Baghdad, cướp đi sinh mạng của ít nhất 20 người. Cùng ngày, nhóm này đã nhận trách nhiệm vụ tấn công văn phòng chính quyền địa phương ở Amiriyat al-Falluja, phía Tây Iraq làm mất mạng ít nhất 8 người và 17 người bị thương. Trong khi đó, tại Libya, IS khẳng định đã chiếm được hoàn toàn thành phố Sirte từ tay phiến quân Fajr Libya, trong đó có một nhà máy điện.

Lộ diện tay đao phủ khát máu nhất của IS

Hacham Chaib (phải) và thủ lĩnh IS ở tỉnh Anbar (Iraq) Abu Wabib. Ảnh: Daily Mail

Mới đây, tờ Daily Mail của Anh đã công bố những hình ảnh lạnh gáy về một chiến binh thánh chiến gốc Bỉ của IS, được cho là lãnh đạo đơn vị cảnh sát tôn giáo rất đáng sợ. Đó là Hicham Chaib, 31 tuổi, tên gọi khác là Abu Haniefa, trước đây làm vệ sĩ cho Fouad Belkacem, thủ lĩnh nhóm Hồi giáo cực đoan Sharia4Belgium của Bỉ. Chaib từng là đồng thủ lĩnh của Sharia4Belgium trong thời gian Belkacem đi tù 2 năm do kích động hận thù tôn giáo ở thành phố Antwerp (Bỉ) vào tháng 6/2012. Y gia nhập IS vào tháng 3/2013, trở thành người phương Tây đầu tiên tham gia tổ chức cực đoan này, và đã vươn lên để trở thành một trong những đao phủ cao cấp nhất của nhóm.

Đặng Hà

Kim Linh
.
.
.