Mexico - nơi nguy hiểm cho báo giới

Thứ Hai, 17/08/2015, 09:22
Hôm 13/6, Juan Heriberto Santos, phóng viên của nhật báo địa phương El Buen Tono đã trở thành nhà báo thứ 3 ở bang Veracruz bị sát hại trong vòng nửa tháng quá. 5 đối tượng có vũ trang được cho là đã bắn nhiều phát đạn và đá vào đầu Juan Heriberto Santos trước khi rời khỏi hiện trường.

Tình trạng sát hại, bắt cóc và đe dọa các phóng viên ở Mexico đang ở mức đáng báo động, nhất là khi các băng nhóm buôn bán ma túy ra tay với mức độ tàn sát dã man, không còn tình người.

Theo thông tin từ chính quyền bang Veracruz, 5 đối tượng có vũ trang đã xả súng vào quán rượu ở thành phố Orizaba, nơi nhà báo Juan Heriberto Santos đang ngồi uống cùng vài người bạn. Vụ xả súng này cũng làm 5 người khác thiệt mạng trong đó có trùm ma túy địa phương Jose Marquez Balderas còn có biệt danh "El Chichi” và 2 cảnh sát bị thương.

Theo một đồng nghiệp của Juan Heriberto Santos, những đối tượng trên đã bắn nhiều phát đạn và đá vào đầu anh trước khi rời khỏi quán rượu. Một trong những đối tượng này đã dùng chai rượu đánh hai nhà báo khác cũng là đồng nghiệp của Juan Heriberto Santos, khiến cho một trong số họ bị thương. 

Trước đó cũng đã xảy ra vụ sát hại dã man phóng viên ảnh Ruben Espinosa (31 tuổi) cùng 4 phụ nữ khác tại một căn hộ thuộc khu trung lưu ở thủ đô Mexico City. Những dấu vết trên thi thể cho thấy, hung thủ đã tra tấn, cưỡng bức các nạn nhân rồi bắn vào đầu họ.

Các nhà báo Mexico cầm ảnh của phóng viên Ruben Espinoza, tham gia biểu tình đòi công lý cho các nhà báo bị sát hại.Ảnh: NBCNews. 

Tổ chức tự do báo chí Article 19 cho biết, Ruben Espinosa bị sát hại chỉ 2 tháng sau khi anh buộc phải rời khỏi bang Veracruz vì nhận được quá nhiều sự đe dọa tính mạng từ các băng nhóm buôn bán ma túy. Nguyên do là vì từ khi làm việc cho trang web tin tức El Golfo Info, anh đã thực hiện nhiều loạt bài phóng sự về tình trạng tham nhũng, câu kết với tội phạm của các quan chức địa phương và những bài viết phanh phui mánh làm ăn, chiêu rửa tiền của các băng nhóm buôn bán ma túy. Các chuyên đề mà Ruben Espinosa hợp tác với tờ Proceso - tạp chí tin tức điều tra của Mexico đã gây tiếng vang lớn và cảnh tỉnh chính quyền trung ương về “hệ thống tham nhũng, lạm quyền và bị các băng nhóm ma túy thâu tóm” ở bang Veracruz…

Trên thực tế, trong vòng 5 năm trở lại đây, khi Mexico bắt đầu thực hiện các chiến dịch truy lùng, tấn công mạnh vào các băng đảng ma túy thì bạo lực bắt đầu bùng phát. Những cuộc tấn công nhằm vào các thành viên của giới truyền thông đại chúng xảy ra liên tục và ngày càng gia tăng tại Reynosa và một số thành phố khác nằm dọc theo biên giới từ Nuevo Laredo đến Matamoros. 

Chúng luôn tìm cách trả thù những nhà báo; bắn xối xả vào những phòng biên tập tin tức của giới truyền thông; bắt cóc và giết chết nhiều nhà báo. Thậm chí bọn chúng công khai đe dọa thường xuyên các cơ quan báo đài ở vùng biên giới Mexico. Khi không lớn tiếng đe dọa thì bọn chúng dùng tiền bạc, vật chất hay cả gái điếm để mua chuộc các phóng viên… 

Nữ nhà báo Mexico Karla Lorena Lopez Ferrof trong lần dự hội nghị quốc tế về bảo vệ an toàn cho nhà báo đã phải thốt lên rằng: “Tại Mexico, những người làm báo thường xuyên phải chịu sức ép và tự đe dọa từ các tổ chức tội phạm. Thậm chí, có những tổ chức còn đưa một “đội quân cầm súng máy” đến cửa tòa soạn để uy hiếp phóng viên lẫn tổng biên tập xung quanh một bài viết nào đó ảnh hưởng đến hoạt động của chúng. Đối với những người cung cấp tin cho báo chí, chúng cũng không bao giờ để yên. Đã có rất nhiều đồng nghiệp của tôi bị bắt cóc, thậm chí bị sát hại chỉ vì những thông tin họ đưa ra làm ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức này”.

Thống kê của Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ) có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ) cho thấy, từ  năm 1992, đã có hơn 1.100 nhà báo thiệt mạng chỉ vì họ đã mang sự thật ra ánh sáng hay thể hiện quan điểm của mình. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay, hơn 200 nhà báo trên thế giới đang bị giam cầm, 33 người khác bị sát hại. 

Trước đó, vào năm 2014, CPJ cũng nhận được báo cáo cho thấy, 70 phóng viên bị giết. Các số liệu từ CPJ và tổ chức Nhà báo không biên giới (RSF) cũng cho thấy, 87%, tương đương 980 trong số các nhà báo đã thiệt mạng từ năm 1992 là những nhà báo địa phương, cùng với đó là những quốc gia mà các nhà báo gặp nhiều nguy hiểm nhất khi tác nghiệp, bao gồm Iraq (166 người thiệt mạng từ năm 1992), Syria (80 người), Somalia (56 người), Pakistan (56 người) và Mexico (32 người). Riêng ở Mexico, từ năm 2000 đến nay, 81 nhà báo đã bị giết. 

Trong một báo cáo trước đó mang tên "Các nước nguy hiểm nhất cho nhà báo Mỹ”, giới chức Mỹ cũng đã chỉ ra rằng Mexico là quốc gia nguy hiểm cho các nhà báo. Tại bang Veracruz, 15 năm qua, ít nhất 20 nhà báo đã bị những băng nhóm tội phạm giết hại.

Trước tình trạng sát hại nhà báo ngày càng gia tăng, từ năm 2012, chính quyền Mexico đã phối hợp với Bộ Nội vụ nước này tạo lập một chương trình bảo vệ nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền bị đe dọa tính mạng. Nhưng tình trạng bạo lực vẫn cứ tiếp diễn, tội ác không bị trừng phạt và mối nghi ngờ chính quyền câu kết với thế giới tội phạm đã khiến cho một số nhà báo miễn cưỡng khi được yêu cầu đề xuất những biện pháp bảo vệ. 

Trong khi đó, tổ chức Bảo vệ tự do báo chí hồi tháng 2 vừa qua cũng đã công bố những những hướng dẫn mới về việc bảo vệ các cộng tác viên và nhà báo tự do sau hàng loạt vụ bắt cóc giết người tại một số vùng xung đột mang tên “Lời kêu gọi xây dựng các nguyên tắc và quy định an toàn toàn cầu”. 

Tài liệu này đề ra 7 tiêu chuẩn cơ bản dành cho các nhà báo tới tác nghiệp ở những vùng xung đột nguy hiểm; kêu gọi tập huấn cứu thương và hoạt động trong vùng nguy hiểm, mua bảo hiểm y tế, trang bị các thiết bị bảo hộ như áo giáp và mũ chống đạn. 

Tổ chức Bảo vệ tự do báo chí còn nhấn mạnh, các hãng thông tấn và báo chí phải có “nghĩa vụ đạo đức” là hỗ trợ tối đa các nhà báo làm việc trong những vùng nguy hiểm.

Khánh Chi
.
.
.