Mặt trăng, sao Hỏa và cuộc đua khốc liệt nửa thế kỷ của Nga-Mỹ

Thứ Ba, 16/07/2019, 08:38
Cách đây đúng 50 năm, tàu vũ trụ Apollo 11 của Mỹ rời Trái đất thực hiện cuộc đổ bộ Mặt trăng đầu tiên của con người. Chyến đi này đến nay vẫn được xem là một trong những sứ mệnh vĩ đại nhất lịch sử, mở ra giai đoạn mới cho cuộc đua chinh phục không gian của nhân loại.


Đức là nước đầu tiên nghĩ về tên lửa đẩy vũ trụ trong thập niên 1940, song Mỹ và Liên Xô lại là những bên hiện thực hoá ý tưởng đó để thay đổi lịch sử. Năm 1957, Liên Xô khiến cả thế giới "choáng váng" khi phóng thành công một vệ tinh nhân tạo vào không gian trên tên lửa đẩy R7. Không chịu thua kém, một năm sau Mỹ cũng đưa thành công vệ tinh Explorer 1 lên quỹ đạo.

Chuyến bay của Gagarin khiến thế giới ngỡ ngàng trước khả năng của Liên Xô. Ảnh: EPA

Năm 1961, nhân loại chứng kiến một sự kiện lịch sử: phi hành gia Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay lên không gian, hoàn thành chuyến bay một vòng quanh quỹ đạo Trái đất và tận mắt nhìn thấy toàn bộ "Ngôi nhà Xanh" của loài người từ vũ trụ. Liên Xô tiếp tục dẫn trước Mỹ trong cuộc đua chinh phục không gian gay cấn.

Hơn một tháng sau chuyến bay của Gagarin, Mỹ cũng đưa phi hành gia Alan Shepard lên không gian trên tàu Freedom 7 Mercury, nhưng vì nóng vội nên chuyến bay diễn ra không như ý khi Shepard chưa thể hoàn thành một vòng bay quanh Trái đất đã phải quay về. Tới năm 1962, Mỹ thành công trong việc đưa phi công bay hết một vòng quỹ đạo Trái đất bằng tàu Friendship 7.

Phi hành gia Mỹ bước ra từ phi thuyền Friendship 7. Ảnh: NASA

Trong giai đoạn này, có những thời điểm thế giới cho rằng Mỹ đã chấp nhận là người về nhì. Tuy nhiên, ít ai biết, ngay sau khi Liên Xô trở thành nước đầu tiên đưa được con người lên không gian, Mỹ đã nghĩ đến một kế hoạch táo bạo hơn mà đến nay vẫn được xem là dấu mốc đáng kể nhất của chặng đường chinh phục vũ trụ: trở thành quốc gia đầu tiên đưa thành công con người lên Mặt trăng.

Chi phí tương đương 150 tỷ USD để có "Bước tiến vĩ đại của nhân loại"

Những năm đầu thập niên 60 thế kỉ trước, do sức ép thua kém trong cuộc đua chinh phục không gian với Liên Xô và sự hối thúc từ Tổng thống Mỹ Kennedy (1917-1963), người khi đó từng tuyên bố: "Nước Mỹ phải đặt chân bằng được lên Mặt trăng. Trước khi thập kỷ này kết thúc, ta sẽ đưa người lên Mặt trăng rồi trở về Trái đất an toàn", NASA tức tốc lập một chương trình khổng lồ có tên Apollo vào năm 1961 phục vụ ý tưởng này.

Tàu Apollo 11 được phóng lên bởi tên lửa đẩy Saturn V từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy từ Đảo Merritt, Florida. Ảnh: NASA

Hơn 6 năm sau cái chết của Kennedy, Mỹ cuối cùng cũng thực hiện được tuyên bố của vị Tổng thống thứ 35, khi vào ngày 16-7-1969, tên lửa Saturn V của Mỹ rời khỏi Trái đất, đưa tàu vũ trụ Apollo 11 cùng 3 phi hành gia Neil Armstrong, Michael Collins và Buzz Aldrin lên không gian cho sứ mệnh chinh phục Mặt trăng dưới sự theo dõi trực tiếp của hơn 600 triệu người toàn thế giới qua truyền hình và radio.

Sau khi hoàn thành chặng bay gần 400.000km trong 76h liên tục, tàu Apollo 11 đi vào quỹ đạo Mặt trăng ngày 19-7-1969 trong sự nín thở hồi hộp của Trái đất. Ngày hôm sau, 20-7-1969, tàu Apollo 11 đến đúng vị trí tính toán, trước khi tàu đổ bộ Eagle cùng Neil Armstrong và Buzz Aldrin tách khỏi modul chỉ huy, lao thẳng về phía Mặt trăng. Sau vài giờ, Eagle hạ cánh thành công xuống bề mặt Mặt trăng.

Tàu đổ bộ Eagle tách khỏi khoang điều khiển, di chuyển về hướng bề mặt của Mặt trăng. Ảnh: NASA

Trong giây phút quyết định, Neil Armstrong được lệnh bước xuống bề mặt Mặt trăng, trở thành người đầu tiên đặt chân lên hành tinh khác. Đúng 22h56 tối 20-7-1969 (sáng 21-7-1969 theo giờ Hà Nội), Neil Armstrong truyền âm thanh từ khoảng cách khoảng 385.000 km tới Trái đất: "Đây là một bước đi nhỏ bé của một con người, nhưng là bước tiến vĩ đại của nhân loại".

Vài phút sau bước chân lịch sử của Armstrong, Aldrin cũng bước xuống bề mặt Mặt trăng, họ cùng nhau chụp ảnh địa hình, cắm một lá cờ Mỹ, chạy một vài thử nghiệm khoa học đơn giản, rồi nói chuyện với Tổng thống Richard M. Nixon từ trung tâm chỉ huy ở Houston, bang Texas.

Sau khoảng 2 giờ, hai phi hành gia lên tàu Eagle, ngủ lại một đêm và cất cánh trở lại modul chỉ huy của tàu Apollo vào ngày 21-7-1969. Ngoài lá cờ Mỹ, trong số những thứ được để lại trên Mặt trăng còn có một tấm bảng khắc dòng chữ: "Những người Trái đất đầu tiên đã đặt chân tới đây – tháng 7 năm 1969 SCN – Chúng tôi đến trong hòa bình cho toàn thể nhân loại".

Bức hình đi vào lịch sử của Armstrong trên Mặt trăng, bên cạnh tàu Eagle và cờ Mỹ. Ảnh: NASA

Theo BBC, sứ mệnh Apollo 11 đã chính thức đưa Mỹ lên ngôi đầu trong cuộc đua chinh phục không gian. Sứ mệnh này cũng được đánh giá là mang tính bước ngoặt, cho thấy khả năng không có giới hạn của con người trong chặng đường phát triển khoa học - công nghệ.

Tuy vậy, để Neil Amstrong xuất hiện trong những bức ảnh lịch sử cạnh lá cờ Mỹ trên Mặt trăng giúp Washington ngẩng cao đầu trước Liên Xô, người Mỹ đã phải trả cái giá khá đắt đỏ. BBC dẫn báo cáo NASA trình lên Quốc hội Mỹ vào năm 1973 tiết lộ, tổng chi phí cho chương trình Apollo là 25,4 tỷ USD (tương đương 150 tỷ USD ngày nay).

Về nhân lực, vào lúc đỉnh điểm, NASA ước tính có 400.000 người trên khắp đất nước làm việc trong chương trình Apollo. Họ là phi hành gia, chuyên viên điều khiển bay, đơn vị cung cấp thực phẩm, kỹ sư, nhà khoa học, y tá, bác sĩ, nhà toán học và cả các lập trình viên. 

Khoang chỉ huy của tàu Apollo 1 cháy đen sau sự cố ngày 21-2-1967, khiến 3 phi hành gia thiệt mạng. Ảnh: NASA

Trong số họ, có những người không thể theo dõi được ngày vinh quang của Armstrong khi nhiều người đã thiệt mạng vì những lí do khác nhau, trong đó bao gồm 3 phi hành gia trong sự cố với tàu Apollo 1.

Sau chuyến đi của Apollo 11 còn có 5 sứ mệnh đổ bộ thành công lên Mặt trăng và một lần ghé thăm ngắn của tàu Apollo 13. Những người cuối cùng đặt chân lên Mặt trăng, các phi hành gia Eugene Cernan và Harrison Schmitt của sứ mệnh Apollo 17, rời Mặt trăng vào ngày 14-12-1972.

Thế giới trong cuộc đua không gian 2.0

Có thể nói, thế giới đã trải qua cuộc Chiến tranh Lạnh (1946 - 1989) cùng những thời điểm căng thẳng tột đỉnh giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô. Thời gian này, người ta thường nghe về việc hai bên đã chế tạo ra những loại vũ khí huỷ diệt mạnh cỡ nào, song bên cạnh đó, chính sự ganh đua cũng tạo ra những tiến bộ ngoạn mục, vượt qua tầm tưởng tượng của nhân loại, xét dưới góc độ khoa học.

Riêng cuộc đua chinh phục không gian, 4 thập kỉ Chiến tranh Lạnh mang đến những thay đổi mang tính bước ngoặt. Quãng thời gian này ghi dấu mốc lần đầu tiên phương tiện do con người chế tạo đi vào không gian, rồi đến một người bằng da bằng thịt, và tiếp đó là việc con người đặt chân lên hành tinh ngoài Trái đất.

Nguyên mẫu tàu Mars của Liên Xô. Ảnh: Getty

Trong thập niên 70 và 80 của thế kỉ 20, thế giới cũng tiếp tục chứng kiến nhiều thay đổi trong chặng đường chinh phục vũ trụ bao la, với loạt dự án mới của cả Liên Xô và Mỹ trong nỗ lực đưa con người tới những hành tinh xa hơn, nhất là hành tinh anh em của Trái đất: sao Hỏa.

Vào năm 1971, cả Mỹ và Liên Xô đều đưa thành công tàu vũ trụ tới sát sao Hỏa, song 2 con tàu của Liên Xô đều gặp sự cố. Cụ thể, tàu Mars 2 đáp xuống hành tinh đỏ vào ngày 27-11-1971 nhưng biến mất bởi một cơn bão bụi, còn Mars 3 hạ cánh xuống hố Ptolemaus ở bán cầu Nam của sao Hỏa vào ngày 2-12 cùng năm nhưng dừng hoạt động sau 14,5 giây.

Một ảnh do tàu Mars Reconnaissance Orbiter của Mỹ chụp trên sao Hỏa vào năm 2007. Vật màu sáng ở giữa ảnh được cho là tàu Mars 3 mất tích của Liên Xô. Ảnh: NASA

Trong khi đó, tàu Mariner 9 của NASA, với tham vọng ít hơn, lại trở thành tàu vũ trụ đầu tiên tiến chụp được những bức ảnh quý giá về sao Hỏa gửi về Trái đất.

Vào năm 1975, NASA tiếp tục đưa Mỹ dẫn trước Liên Xô khi khởi động chương trình Viking. NASA phóng 2 tàu Viking 1 và Viking 2 về phía sao Hỏa lần lượt vào tháng 8 và 9-1975. Cả hai con tàu đều tới đích và gửi về Trái đất nhiều thông tin và hình ảnh, giúp ích lớn cho việc nghiên cứu hành tinh, vốn được coi là giống với Trái đất nhất trong Hệ Mặt trời.

Tàu Viking 1 của Mỹ. Ảnh: NASA

Từ phía Liên Xô, sau thất bại năm 1971, Moscow đặt mục tiêu cho ngành hàng không vũ trụ là phải là nước đầu tiên đưa người đặt chân lên được sao Hỏa. Moscow sau đó đầu tư khoản tiền khổng lồ nhằm chế tạo động cơ đẩy mạnh hơn ít nhất 2 lần các thế hệ tên lửa sẵn có và dốc sức tìm cách giúp phi hành gia sống sót sau quãng thời gian 10 tháng trên không gian từ khi khởi hành từ Trái đất đến sao Hỏa.

Tuy nhiên, khi mọi thứ dần thành hình, vào những năm 1988, do tình hình chính trị bắt đầu biến động, dự án đã bị đình chỉ cho đến tận ngày nay.

Trong khi đó, sau thành công với Viking, Mỹ có thêm 6 lần đưa thành công thiết bị đến sao Hỏa. Nước này hiện vận hành 2 thiết bị nghiên cứu, gồm tàu Rover Curiosity đến đây năm 2012 và tàu InSight hạ cánh năm 2018. Washington dự định gửi thêm tàu Mars Rover đến hành tinh Đỏ vào năm 2020 với khả năng nghiên cứu tinh vi hơn nhằm chuẩn bị cho các sứ mệnh lớn lao trong tương lai.

Hình ảnh mô phỏng tàu Rover Curiosity của Mỹ. Ảnh: NASA

Những tiến bộ trên là dấu hiệu cho thấy Mỹ rõ ràng đang có ưu thế lớn trong cuộc đua hiện diện ở sao Hỏa. Tuy vậy, các chuyên gia nhận định, cho đến nay, vẫn chưa có nước nào tự tin rằng mình có thể đưa người đến hành tinh nằm cách Trái đất 225 triệu km này.

Trong bối cảnh cuộc đua có dấu hiệu nóng lên trong những năm gần đây, cùng việc xuất hiện nhiều lo lắng rằng Trái đất ngày càng chật chội với loài người, Nga và Mỹ đều đang thể hiện tham vọng sớm đưa con người lên sinh sống trên hành tinh Đỏ và đánh dấu chủ quyền lần lượt với các thực thể ngoài không gian, bao gồm cả Mặt trăng.

Trong khoảnh khắc xúc động trước đám đông hàng chục ngàn người ủng hộ tại lễ Quốc khánh 4-7-2019 vừa rồi ở thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến cả thế giới bất ngờ khi tuyên bố: “Chúng ta chắc chắn sẽ sớm cắm cờ Mỹ trên sao Hỏa sau thời gian dài chờ đợi”.

Truyền thông Mỹ cho rằng kế hoạch cắm cờ lên sao Hỏa của ông Trump có thể được đưa ra trong lúc xúc động trước đám đông, song các chuyên gia nhận định kế hoạch đó không phải bất khả thi và dường như đang được tiến hành.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm mô hình bộ quần áo phi hành gia khi nói về kế hoạch chinh phục không gian cách đây không lâu. Ảnh: Reuters

Sau khi nhậm chức, ông Trump từng nhiều lần khẳng định ông sẽ đầu tư cho các hoạt động chinh phục không gian. Năm 2017, ông Trump đã ký ban hành “Chỉ thị số 1 về không gian”, nhấn mạnh trọng tâm trong những năm tới của ngành hàng không vũ trụ Mỹ là trở lại Mặt trăng và tiến tới sao Hỏa.

Ông Trump hồi tháng 5 thậm chí đã duyệt chi tổng cộng khoảng 22,6 tỷ USD cho NASA toàn quyền sử dụng trong năm tài khoá 2020.

Từ Nga, đầu năm 2018, Tổng thống Vladimir Putin cũng tuyên bố sẽ tái khởi động chương trình đưa người lên Mặt trăng và sao Hỏa. Sứ mệnh sao Hỏa đầu tiên sẽ được khởi động trong 2019, bằng cách gửi tàu đổ bộ lên hành tinh Đỏ và hy vọng đưa người lên ngay sau đó.

Tên lửa đẩy vũ trụ của Nga rời bệ phóng, đưa vệ tinh lên không gian. Ảnh: Roscosmos

Cần chú ý rằng, dù Mỹ lên tiếp đưa thành công vệ tinh lên sao Hỏa, song Liên Xô mới là bên có ý tưởng và thực hiện từng bước ý tưởng đưa người lên sao Hỏa trước.

Các tài liệu được giải mật cho thấy Moscow hiện sở hữu thiết kế của tên lửa cực mạnh và phù hợp với nhiệm vụ đưa người lên sao Hỏa. Mỹ hiện chưa có các mẫu tên lửa có sức mạnh tương tự.

Thêm vào đó, tờ Space Daily mới đây tiết lộ các nhà khoa học thuộc Phân Viện Vật lý hạt nhân Budker, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đang xây dựng phòng thí nghiệm nhằm khai thác sức mạnh của plasma nhiệt hạch để sử dụng làm động cơ đẩy. Các thí nghiệm với loại động cơ này được cho là sẽ khởi động sớm.

Các nhà khoa học tin rằng động cơ plasma sẽ đạt tốc độ nhanh hơn so với động cơ tên lửa dùng nguyên liệu truyền thống, giúp rút ngắn thời gian đến các hành tinh trong Hệ Mặt trời và xa hơn.

Nga gần đây thông báo họ sẽ xây trạm vũ trụ mới trên quỹ đạo Mặt trăng từ năm 2025. Ảnh: RT

Cuối năm ngoái, Nga thông báo họ sẽ xây trạm vũ trụ mới trên quỹ đạo Mặt trăng từ năm 2025. Đây sẽ là tiền đề để Nga vừa hiện diện thường xuyên ở Mặt trăng, vừa là trạm hậu cần cho các nhiệm vụ xa hơn trong không gian của Moscow.

Giới quan sát nhận định, với xu thế đối đầu quay trở lại giữa Nga và Mỹ, cuộc đua không gian ngày nay, cuộc đua 2.0, sẽ khốc liệt không kém thời Chiến tranh Lạnh và nó thậm chí cũng không còn là sân chơi riêng của Nga và Mỹ nữa khi một lọat gương mặt mới xuất hiện như châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ.

Đầu năm 2019, Trung Quốc bất ngờ phóng một tàu vũ trụ không người lái và hạ cánh nó xuống vùng tối của Mặt trăng, nơi chưa bao giờ được con người đặt chân tới. Với Nga và Mỹ, thành tựu này không phải vấn đề quá nổi bật, song với Trung Quốc, đây được xem là sự kiện đánh dấu sự gia nhập cuộc đua.

Robot tự hành của Trung Quốc trên Mặt trăng. Ảnh: ITN

Trong khi đó, Ấn Độ hôm 15-7 dự định phóng tàu vũ trụ Chandrayaan-2 với tham vọng đưa nước này trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới, sau Nga, Mỹ, và Trung Quốc, có tàu đáp xuống bề mặt Mặt trăng. Tuy vậy, vụ phóng bị hủy vào phút chót do sự cố kĩ thuật.

Giống như Nam Cực, sao Hỏa, Mặt trăng hay bất cứ hành tinh nào khác đều không là của riêng ai. Lev Zeleny, Giám đốc Viện nghiên cứu vũ trụ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS) từng nhận định: "Ở Nam Cực, có một luật bất thành văn đó là, nếu nước nào xây dựng một trạm nghiêm cứu tại 1 địa điểm thì hiếm quốc gia nào lại xây 1 cái như thế gần đó. Mặt trăng cũng vậy thôi".

Năm 1979, Liên hợp quốc thông qua Hiệp ước ngoài vũ trụ, theo đó Mặt trăng và các khoáng sản của nó là di sản chung của nhân loại, và không ai có thể tuyên bố chủ quyền đối với Mặt trăng. Đây là tiền đề cho các hiệp ước tương tự với các hành tinh khác. Tuy nhiên, Nga, Mỹ và Trung Quốc đều không phê chuẩn văn kiện quan trọng này.

Thiện Minh
.
.
.