Triển lãm ảnh về chiến tranh ở Việt Nam của hãng AP:

Khoảnh khắc sinh tử của phóng viên chiến trường

Thứ Tư, 17/06/2015, 09:50
Ẩn sâu trong 53 bức ảnh được trưng bày tại cuộc triển lãm ảnh về chiến tranh ở Việt Nam của hãng thông tấn AP trong gần một tuần qua (từ 12 đến 16/6) là hình ảnh chân thực, sinh động và đầy tình người về số phận của người dân. 53 khoảnh khắc sinh tử ấy cũng là bằng chứng thuyết phục nhất về nỗi đau, sự chịu đựng và hy sinh mà các phóng viên chiến trường ngày đó đã trải qua vì quyền được thông tin dân chủ và trung thực nhất.

“Chiến tranh là địa ngục”

Hòa mình trong dòng người yêu nhiếp ảnh đến thưởng lãm một trong những bộ sưu tập ảnh xuất sắc nhất về chiến tranh Việt Nam, chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động khi tận mắt nhìn lại hình ảnh thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ di chuyển trên cát tại bãi biển đỏ ở Đà Nẵng năm 1965; cảnh lính Việt Nam Cộng hòa kiệt sức, ngủ mê mệt trên một chiếc xe của hải quân Mỹ đưa họ trở lại thủ phủ của tỉnh Cà Mau; vụ tự vẫn đầu tiên trong hàng loạt các vụ tự vẫn của các nhà sư trên đường phố Sài Gòn năm 1963; hay cảnh một người cha thẫn thờ ôm thi hài của con mình trong khi lính biệt kích Việt Nam Cộng hòa ngồi trên xe bọc thép nhìn xuống; một người lính Mỹ đi tìm nơi trú ẩn của Quân giải phóng, trên tay còn ôm theo chú cún con; một bà cụ mang theo hai đứa trẻ vội vã tìm nơi tránh bom đạn; chân dung một lính Mỹ với dòng chữ “War is hell” (Chiến tranh là địa ngục) viết trên vành mũ sắt; xác một lính dù Mỹ được kéo lên trực thăng ở chiến khu C; thủy quân lục chiến Mỹ chạy tán loạn khỏi một máy bay trực thăng bị bắn cháy. Lính Mỹ vượt sông trong mưa để truy tìm Quân giải phóng…

Lịch sử đang được tái hiện bằng hình ảnh và nỗi đau từ cả hai phía cũng đang được lột tả chân thực bằng hình ảnh. Theo ông Gary Pruitt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc hãng AP, 53 bức ảnh này được tuyển chọn từ tập ảnh trong cuốn sách ảnh: “Việt Nam: Cuộc chiến tranh qua ảnh của hãng thông tấn AP” - một cuốn sách kể lại câu chuyện về chiến tranh bằng hình ảnh.

Chủ tịch hãng AP Gary Pruitt nói: “Không có cuộc chiến nào là dễ chịu. Những bức ảnh này không chỉ là nỗi ám ảnh của những ai từng đi qua cuộc chiến khốc liệt ở Việt Nam mà còn là nỗi đau của các phóng viên chiến trường chúng tôi”.

Nổi bật nhất trong cuộc triển lãm là 4 bức ảnh từng được giải Pulitzer. Đó là: “Naplam Girl” của Nick Út năm 1972; “Saigon Executtion”của Eddie Adams chụp Tướng cảnh sát Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Ngọc Loan bắn chết một tù binh ngay trên đường phố Sài Gòn năm 1968; “Buddhist protest” chụp nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963 của Malcom Browne; “Burst of Joy”của Sal Veder chụp Trung tá Robert J. Stirm trở về trong niềm vui vỡ òa của gia đình tại căn cứ quân sự Travis năm 1973.

Ngày 19/3/1964, một người cha đau đớn ôm thi hài của con mình trong khi lính biệt kích Việt Nam Cộng hòa ngồi trên xe bọc thép nhìn xuống. Tấm ảnh này của Horst Faas nhận được giải Pulitzer cho ảnh năm 1965.

Trong 4 bức ảnh này, bức “Napalm Girl” (hay còn gọi là Em bé Napalm” đã thực sự để lại một ấn tượng khó quên trong lòng độc giả bởi không phải sự nổi tiếng của nó mà bởi tính chân thực đến bất ngờ về cuộc chiến tại Việt Nam. Thêm vào đó, người thực hiện bức ảnh này lại là một người gốc Việt Nam.

Chủ tịch AP Gary Pruitt cho biết, tấm ảnh “Em bé Napalm” ngay sau khi được chuyển về Mỹ đã nhanh chóng trở thành bức ảnh báo chí xuất sắc, được nhiều tờ báo Mỹ phóng to đăng trên trang nhất. Thậm chí, bức ảnh còn có sức lan tỏa sâu rộng tới mức thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh, phong trào biểu tình, tuần hành phản chiến đòi chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược tại Việt Nam ở khắp nơi trên đất Mỹ.

Năm 1973, khi bức ảnh đoạt giải Pulitzer, ban tổ chức giải còn gọi đây là “một trong những bức ảnh làm thay đổi lịch sử thế giới”. Còn tổ chức Nhiếp ảnh báo chí thế giới thì bình chọn “Em bé Napalm” là một trong 10 bức ảnh báo chí đáng nhớ nhất trong vòng nửa thế kỷ qua.

Chưa hết, với những bức ảnh về chiến tranh Việt Nam, nhất là “Em bé Napalm”, năm 2012, Nick Út còn được trao giải “Hall of the Fame” của hãng máy ảnh Leica ở Đức. Hai năm sau, ông tiếp tục được giải thành tựu trong nhiếp ảnh báo chí tại Giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế Lucie Awards. Và trong từng ấy năm buồn vui với “Em bé Napalm”, nhiếp ảnh gia này vẫn giữ liên lạc thường xuyên với “em bé” Kim Phúc, người hiện nay đang sống ở Toronto, Canada.

Phóng viên chiến trường – sự nguy hiểm sinh tử

Theo các con số thống kê của các tổ chức báo chí trên thế giới, sau cuộc chiến ở Đông Dương, có ít nhất 75 phóng viên từ 16 nước bị chết hoặc mất tích và được cho là đã chết, trong số đó có 34 tại Việt Nam, 37 tại Campuchia và 4 tại Lào.

Bồi hồi nhớ lại những năm tháng còn là phóng viên chiến trường (1968-1973) rồi giữ chức Trưởng văn phòng hãng AP tại Sài Gòn (1970-1973), nhà báo kỳ cựu Richard Pyle viết: “Ở Việt Nam, các phóng viên của hãng thông tấn AP trải nghiệm mọi hoạt động thường kỳ khi đưa tin về cuộc chiến tranh. Nhưng ở khía cạnh nào đó, đưa tin về chiến tranh ở Việt Nam là độc nhất vô nhị. Đó là cuộc chiến tranh của Mỹ, lần đầu tiên, không có kiểm duyệt báo chí chính thức và cũng chưa bao giờ (và cũng không có lặp lại) phóng viên được tiếp cận chiến trường dễ dàng như vậy.

Chiến tranh Việt Nam cũng là cuộc chiến tranh của quá trình chuyển đổi - cuộc chiến tranh cuối cùng mà phóng viên dùng máy chữ đánh máy viết bài và lần đầu tiên phóng viên dùng máy quay truyền hình để đưa tin chiến sự. Khi cuộc chiến tranh này kết thúc cũng là khi cuộc cách mạng về kỹ thuật số bắt đầu. Việc phát hình bằng vệ tinh và máy tính chưa có ở Việt Nam khi Sài Gòn sụp đổ tháng 4/1975”.

Cũng theo lời kể của Richard Pyle, có mặt ở Việt Nam từ rất sớm nên hãng thông tấn AP đã thống trị việc đưa tin về cuộc chiến.

Tháng 11/1961, khi Malcolm Browne tới phụ trách Văn phòng của AP tại Sài Gòn, lúc đó “cuộc chiến tranh của Mỹ” vẫn chỉ là sự can thiệp nhỏ, bí mật giúp chính quyền Sài Gòn dập tắt sự nổi dậy của Việt Cộng. Tháng 6 năm sau đó, Horst Faas, phóng viên ảnh người Đức và phóng viên Peter Arnett người New Zealand cùng làm việc với Browne. Khi làm việc cùng nhau, cả ba phóng viên này đã thiết lập những chuẩn mực về việc đưa tin một cách vững chắc, dũng cảm và là nguồn cảm hứng, dẫn dắt một thế hệ các phóng viên chiến trường của AP trong 14 năm sau đó.

Năm 1965, khi lực lượng của Mỹ tham chiến, Việt Nam trở thành sự kiện quan trọng nhất thời gian đó và văn phòng AP tại Sài Gòn cũng trở nên lớn hơn với khoảng 30 nhân viên.

Trong số đó có 1/3 là phóng viên viết, 1/3 là phóng viên ảnh và còn lại là nhân viên kỹ thuật và văn phòng. Ngoài nhân viên là người Mỹ và Việt Nam, số còn lại đến từ Anh, Pháp, Đức, Nhật, Nam Phi và New Zealand. Các cơ quan báo chí phương Tây khác là những đối thủ cạnh tranh mạnh nhưng các phóng viên và nhân viên của hãng AP có nhiều kinh nghiệm, họ sống và làm việc ở Việt Nam lâu hơn nhiều, trong đó Horst Faas và Peter Arnett đã ở Việt Nam hơn 10 năm.

Với kinh nghiệm và hiểu biết thực địa, cùng với việc các phóng viên ảnh và viết được trang bị phương tiện tác nghiệp đầy đủ và luôn hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình tác nghiệp, việc đưa tin về cuộc chiến của AP có sức mạnh và chiều sâu vượt bậc. Với tôi, trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, báo chí ảnh truyền thống đã đạt được mức độ mới về sự nổi trội, ghi lại cuộc chiến tranh với kịch tính và hiệu ứng hình ảnh lớn hơn bao giờ hết mà con người từng được chứng kiến trước đó”, ông Richarl Pyle nhấn mạnh.

Huyền Chi
.
.
.