Hoạt động gián điệp kinh tế của Mỹ ở châu Âu

Thứ Năm, 02/07/2015, 08:42
Mặc dù không quá bất ngờ trước thông tin về việc Mỹ vẫn nghe lén và bí mật theo dõi các chính trị gia châu Âu, song những tiết lộ mới về việc Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) dưới sự trợ giúp của các đồng nghiệp Đức, đã thực hiện hoạt động gián điệp kinh tế nhằm vào các tập đoàn lớn ở Pháp cho thấy dường như ngay cả với các đồng minh thân cận, Washington vẫn không có giới hạn đỏ về hoạt động tình báo.
Nghe lén đàm phán các hợp đồng lớn của Pháp

Theo tài liệu mà WikiLeaks vừa tiết lộ trên 2 tờ báo Liberation và Mediapart, NSA đã do thám các công ty và tập đoàn lớn ở Pháp vì mục đích kinh tế. Hoạt động này được thực hiện trong hơn một thập kỷ qua và dường như vẫn chưa chấm dứt. Để minh chứng cho tài liệu của mình, WikiLeaks đã liệt kê một loạt tên tuổi các doanh nghiệp lớn của Pháp là nạn nhân của hoạt động này như BNP Paribas, AXA, Credit Agricole, Peugeot, Renault, và Hiệp hội Nông nghiệp Pháp.

Đặc biệt, khi những công ty này có hợp đồng làm ăn hoặc các kế hoạch đàm phán thực hiện hợp đồng kinh tế trị giá hơn 200 triệu USD thì hoạt động nghe lén sẽ được đẩy mạnh bằng mọi giá. Trong một số trường hợp, hoạt động nghe lén này giúp Mỹ có cách đối phó với những công ty của Pháp trong việc cạnh tranh để giành được hợp đồng lớn tại các quốc gia đang phát triển.

Sau đó các thông tin mà NSA thu thập được về chính sách của chính phủ, ngoại giao, ngân hàng và việc tham gia các tổ chức quốc tế để phát triển cơ sở hạ tầng, thực tiễn kinh doanh hay các hoạt động thương mại khác của Pháp sẽ được chia sẻ với Cơ quan thông tin chính phủ Anh (GCHQ), Cơ quan tình báo New Zealand, Cơ quan tình báo Australia và Cơ quan tình báo Canada. Một số thông tin nhạy cảm hơn liên quan đến các hoạt động đàm phán về tự do thương mại Mỹ-châu Âu và quan điểm của Pháp thì được chuyển tới Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), Bộ Thương mại và một số cơ quan khác.

Chưa hết, trong khoảng thời gian từ năm 2004-2012, Mỹ còn nghe lén tại văn phòng và nhà riêng của 2 đời Bộ trưởng Kinh tế Pháp là Francois Baroin và Pierre Moscovici; một nghị sĩ Pháp, một đại sứ Pháp ở Mỹ, và các quan chức thuộc Ban Tài chính và Chính sách Kinh tế.

Đương nhiên là người Pháp chẳng bao giờ thích mình trở thành mục tiêu theo dõi của Mỹ. Vì vậy, khi vụ scandal này bị lật tẩy, Pháp đã có những tuyên bố khá mạnh mẽ. Trước đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande còn họp khẩn với các quan chức tình báo, quân đội và Bộ trưởng Nội các xung quanh việc NSA đã lén theo dõi ông cùng các cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy từ năm 2006 đến 2012.

Căn cứ do thám Menwith Hill của Anh chủ yếu là người của NSA làm việc. Ảnh: Yorkshirecnd.

Hệ thống theo dõi bao trùm châu Âu

Câu chuyện về hoạt động nghe lén của Mỹ ở Pháp có thể sẽ chỉ dừng lại ở mức xung đột quan hệ giữa hai quốc gia nếu như không có chuyện nhật báo Der Spiegel đưa tin rằng, Washington đã nhờ Đức trợ giúp hoạt động này.

Cụ thể, cơ quan tình báo Đức (BND) đã giúp NSA theo dõi trên Internet, điện thoại và các phương tiện liên lạc khác của các đối tượng tình nghi khủng bố, Tập đoàn Chế tạo máy bay Airbus – đối thủ cạnh tranh chính của Tập đoàn Sản xuất máy bay Boeing của Mỹ, dinh Tổng thống Pháp và Ủy ban Liên minh châu Âu.

Những hành động này được cho là vượt ngoài khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Tờ Der Spiegel cho biết, NSA cung cấp số điện thoại, địa chỉ email của các công ty châu Âu để nhờ BND “theo dõi hộ” và yêu cầu BND cung cấp khoảng 40.000 dữ liệu mà không có gì liên quan đến khủng bố.

NSA còn sử dụng một cơ sở theo dõi của BND ở Bad Aibling, bang Bayern để tiến hành giám sát các chính trị gia. Các báo cáo của NSA mà tờ Der Spiegel có được cho thấy, trong thời gian từ năm 2002-2013, BND đã tiếp nhận từ NSA số lượng mục tiêu khổng lồ gồm 690.000 số điện thoại và 7,8 triệu địa chỉ IP.

Phủ Thủ tướng Đức biết về việc Mỹ do thám kinh tế nhằm vào các công ty châu Âu từ năm 2008, song đã không có phản ứng do sợ ảnh hưởng tới việc hợp tác tình báo với Mỹ. Tờ Bild am Sonntag của Đức còn dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết, Giám đốc NSA Keith Alexander cũng từng báo cáo về hoạt động do thám này với Tổng thống Barack Obama nhưng ông Obama đã không ra lệnh dừng lại mà để nó tiếp tục.

Lo sợ là nạn nhân của hoạt động này, Hà Lan và Bỉ ngay lập tức đã mở các cuộc điều tra liên quan đến hoạt động do thám của BND và NSA. Còn Áo thì nộp đơn kiện BND tiếp tay cho NSA do thám các quan chức và các tập đoàn kinh tế của châu Âu, trong đó có Áo.

Từ đây, người ta lại phát hiện ra thông tin về việc Cơ quan an ninh thông tin liên lạc Canada (CSE) cũng giúp NSA ngăn chặn và phân tích dữ liệu của khoảng 15 triệu tài liệu tải xuống mỗi ngày trong một phần chương trình do thám toàn cầu mang tên Levitation. Mạng lưới do thám này cho phép CSE thu thập thông tin đồng minh và đối tác thương mại của Mỹ như Anh, Brazil, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.

Chưa hết, trong hợp tác với GCHQ, NSA còn thiết lập hệ thống do thám toàn cầu với cái tên Echelon, có khả năng đánh cắp các bí mật thương mại của các công ty châu Âu. Báo chí Anh còn tiết lộ rằng, nhân viên làm việc trong căn cứ Menwith Hill của nước này chủ yếu là người của NSA.

Trong tổng số 1.800 người làm việc tại đây, chỉ có khoảng 400 người Anh. Chỉ tính riêng chi phí chạy máy phát điện cho một siêu máy tính tại căn cứ này, Mỹ đã phải bỏ ra tới 68 triệu USD trong năm 2012.

Châu Anh
.
.
.