Guatemala trong cơn địa chấn chống tham nhũng

Thứ Sáu, 12/06/2015, 08:48
Guatemala, quốc gia có nền kinh tế lớn nhất khu vực Trung Mỹ, đang trong cơn địa chấn chính trị sau khi hàng chục quan chức cấp cao bị bắt giữ hoặc từ chức vì liên quan tới một loạt các vụ bê bối tham nhũng.

Guatemala đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc kể từ khi Ủy ban Quốc tế chống tình trạng tội phạm không bị trừng phạt ở Guatemala (CICIG) và Bộ Hành chính nước này phanh phui một số bê bối tham nhũng liên quan tới nhiều quan chức chính phủ.

Phó Tổng thống Roxana Baldetti tuyên bố từ chức sau khi bị cáo buộc liên quan tới đường dây tham nhũng. Ảnh: Reuters.

Tai tiếng nhất là vụ từ chức của Phó Tổng thống Roxana Baldetti, người bị cáo buộc bao che cho thư ký riêng của mình tham gia vụ gian lận tài chính bạc tỷ mang tên “Đường dây”.

Theo kết quả điều tra của CICIG, ông Juan Carlos Monzón, Thư ký riêng của Phó Tổng thống Roxana Baldetti, có dính líu tới các vụ gian lận khai báo hải quan, qua đó làm thất thoát hàng chục triệu USD tiền thuế của quốc gia. Bên cạnh đó, cũng có báo cáo cho rằng rất có thể ông Monzón đã “gián tiếp” điều hành một đường dây tội phạm có tổ chức. Mặc dù khẳng định không biết sự việc này, nhưng Phó tổng thống Roxana Baldetti vẫn từ chức hôm 8/5 sau khi ông Juan Carlos Monzón đào tẩu. Hiện tại, một thẩm phán đã ra lệnh đóng băng 7 tài khoản ngân hàng của bà Baldetti để phục vụ công tác điều tra.

Theo báo chí Guatemala, chỉ riêng trong vụ bê bối trên đã có ít nhất 45 doanh nhân giàu có, quan tòa, sĩ quan quân đội và quan chức cấp cao bị tạm giam do hành vi tham nhũng. Và từ nhóm này người ta lại lần ra những nhánh tham nhũng khác hoạt động trong cùng khoảng thời gian trên.

Mới đây, ngày 2/6, Thư ký trưởng Phủ Tổng thống Gustavo Martínez Luna cũng đệ đơn từ chức sau khi những cáo buộc tham nhũng liên tiếp chĩa vào ông. Đây là nhân vật thân cận Tổng thống Otto Pérez Molina tiếp theo bị "ngã ngựa" chỉ trong vòng một tháng qua. Ông Martínez phụ trách các vấn đề pháp lý của Tổng thống Otto Pérez Molina, chịu trách nhiệm rà soát các thỏa thuận của chính phủ cũng như các quy định do Phủ tổng thống ban hành.

Theo tờ El Periodico, chỉ trong 6 tháng, ông Gustavo Martinez Luna đã mua sắm với tổng số tiền 1,9 triệu USD. Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao ông Gustavo Martínez Luna lại có nhiều tiền mua sắm như vậy trong khi lương chính thức của Thư ký trưởng Phủ Tổng thống ở mức 3.500 USD/tháng. Phải chăng số tiền đó là do hành vi tham nhũng mà có?

Trước đó, trong một vụ tham nhũng khác, ngày 20/5, cơ quan chức năng Guatemala đã bắt giữ hàng chục quan chức chính phủ, trong đó đáng chú ý có Chủ tịch Ngân hàng Bảo hiểm xã hội Juan de Dios Rodriguez và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Julio Roberto Suarez. Hai người này đều bị cáo buộc nhận hối lộ, lạm quyền trong một hợp đồng trị giá 14,5 triệu USD ký với hãng dược phẩm PISA nhằm cung cấp dịch vụ thẩm tách máu cho bệnh nhân thận hồi tháng 12/2014.

Trong cuộc khủng hoảng tham nhũng này, không chỉ những người có hành vi tham nhũng mà cả những người có biểu hiện trong đấu tranh kiên quyết chống lại những nhân vật đã bị phanh phui cũng phải hứng chịu búa rìu. Đó là lý do khiến Bộ trưởng Phụ trách Nội các đầy quyền lực Mauricio Lospez Bonilla (được coi là cánh tay phải của Tổng thống) và các Bộ trưởng Môi trường Michel Martínez và Bộ trưởng Năng lượng Erick Archila cũng phải “ra đi”.

Trước sức ép ngày càng gia tăng, Tổng thống Otto Pérez Molina khẳng định sẽ không từ chức trước khi mãn nhiệm vào tháng 1/2016, đồng thời cho biết sẽ nhờ Bộ Ngoại giao Mỹ cử một nhóm chuyên gia thẩm vấn bằng máy phát hiện nói dối đối với các quan chức thuộc Tổng cục Thuế, đơn vị đầu tiên bị phanh phui trong vụ bê bối này.

Về phần mình, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke tuyên bố, Washington hậu thuẫn những nỗ lực của Tổng thống Perez Molina và chính phủ của ông nhằm giải quyết các tố cáo tham nhũng trong chính phủ. Ông Rathke nói: “Chúng tôi kêu gọi toàn thể dân chúng Guatemala hậu thuẫn các định chế chính phủ đang điều tra và truy tố những tố cáo tham nhũng”.

Theo báo chí Guatemala, “không xã hội nào có thể dễ dàng nuốt trôi một lượng lớn các vụ tham nhũng chỉ trong thời gian ngắn như vậy và hệ quả là trước mắt đảng cầm quyền gần như mất mọi hy vọng thắng cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới”. Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn là sự giảm sút uy tín và tính hợp pháp nhiều thể chế trong hệ thống dân chủ, đặc biệt là tại một quốc gia có hệ thống thể chế mong manh như Guatemala. Tất cả đều yêu cầu thay đổi, nhưng thay đổi cái gì và thay đổi tới đâu đang là điều gây tranh cãi tại đất nước có nền kinh tế lớn nhất Trung Mỹ này.

Đảng Ái quốc cầm quyền cũng như các đảng quan trọng khác của Guatemala, cùng với đó là giới tư bản và doanh nhân lớn, vẫn mong muốn giữ nguyên bộ khung thể chế hiện tại vốn đang có lợi cho họ. Họ cũng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ những kẻ tham nhũng và hoan nghênh việc trừng trị và thay thế những người này, nhưng không muốn tạo ra thay đổi gì về cơ chế.

Ngược lại, cuộc khủng hoảng này chính là cơ hội cho các lực lượng tiến bộ, các phong trào xã hội vốn không có tiếng nói trong chính trường Guatemala. Đối với họ, thay đổi nhân sự mà không thay đổi cơ cấu nhà nước chỉ là một dạng kỹ xảo “thay đổi tất cả để không thay đổi gì” của giới cầm quyền. Những yêu cầu của họ cho tới nay chủ yếu là Tổng thống phải từ chức ngay lập tức, thay đổi Hiến pháp, các Luật bầu cử và Tổ chức chính đảng trước khi tổ chức tổng tuyển cử, tăng cường vai trò Nhà nước trong nền kinh tế và trong bảo đảm phúc lợi xã hội, quốc hữu hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thanh lọc quân đội và cảnh sát, minh bạch hóa ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các lực lượng quần chúng Guatemala hiện tại là không có một nhân vật thủ lĩnh có ảnh hưởng hay một tổ chức mạnh mẽ, do đó, cho dù cuộc khủng hoảng hiện tại có thể dẫn tới một cuộc bùng nổ xã hội, thì những thay đổi tham vọng trên cũng khó thành hiện thực.

Phương Linh
.
.
.