Cuba thiệt hại 116,8 tỷ USD sau hơn nửa thế kỷ bị cấm vận

Thứ Năm, 11/09/2014, 08:16
Trong nỗ lực chống  lại lệnh cấm vận của Mỹ suốt 55 năm, hôm 9/9, Cuba đã đệ trình dự thảo nghị quyết mới lên án chính sách này lên Liên hợp quốc (LHQ). Với thắng lợi của việc giành được đa số phiếu ủng hộ trong kỳ họp đại hội đồng hồi năm ngoái, chính quyền La Habana đang hy vọng sẽ thành lập được “liên minh chống chính sách cấm vận” của Mỹ trong cuộc họp vào ngày 28/10 tới.

Theo tin từ tờ Guardian của Anh, lệnh cấm vận tài chính và thương mại của Mỹ đối với Cuba đã gây ra những tác động lớn đối với tất cả các lĩnh vực trong đời sống kinh tế xã hội nước này. Riêng trong năm 2014, Cuba đã bị mất tới 3,9 triệu USD tiền thương mại nước ngoài do chính sách cấm vận gây ra. Tính trung bình trong 55 năm qua, quốc gia này đã bị thiệt hại tới 116,8 tỷ USD.

Thứ trưởng Ngoại giao Cuba Abelardo Moreno cho biết, sự bao vây, cấm vận của Mỹ được thực hiện chỉ nhằm một mục đích duy nhất là ngăn chặn các nước khác có quâ hệ kinh tế, thương mại đối với Cuba. Trong hơn một nửa thế kỷ qua, đây là cuộc cấm vận toàn diện, tàn bạo và dài nhất trong lịch sử đối với một đất nước có chủ quyền. Ông Abelardo Moreno nói: “Chưa có một quốc gia nào trên thế giới phải chịu đựng cấm vận như vậy. Hành động này vi phạm nhân quyền một cách sâu sắc”.

Trên thực tế, những hành động cấm vận được Mỹ thực hiện đối với Cuba ngay sau khi Tổng thống Mỹ Eisenhower phê chuẩn kế hoạch hành động ngầm chống Cuba vào tháng 3/1960. Năm 1961, các hoạt động cấm vận được triển khai nhưng ở mức độ toàn diện thì phải tính từ năm 1962. Khi đó, nước Mỹ dưới thời Tổng thống John Kennedy đã ra lệnh cấm vận tài chính và thương mại đối với Cuba, cấm nhập vào Mỹ tất cả hàng hóa làm từ các vật liệu có xuất xứ từ Cuba, thậm chí ngay cả khi hàng hóa đó được làm từ nước khác.

Cuộc cấm vận này kéo dài qua 11 đời Tổng thống Mỹ, bắt đầu từ vị Tổng thống thứ 34, đến vị Tổng thống thứ 44 hiện nay Barack Obama. Các đạo luật "Trợ giúp nước ngoài" (tháng 8/1962 và 12/1963) của Quốc hội Mỹ cũng trợ giúp lệnh cấm vận này với việc cấm trợ giúp và trừng phạt "bất kỳ nước nào" có quan hệ thương mại và hành động giúp đỡ Cuba. Chính phủ Mỹ còn ép buộc chính quyền các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh và các nước thuộc khối NATO thi hành các biện pháp thắt chặt cấm vận chống Cuba.

Lệnh cấm vận và trừng phạt của Mỹ nhằm vào Cuba đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, con người quốc đảo này. Ảnh: AP.

Đạo luật Helms-Burton năm 1996 thì quy định trừng phạt các công ty nước ngoài có quan hệ thương mại với Cuba nhưng lại bị nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) phản đối. Riêng đối với các công dân Mỹ, chính quyền Washington cấm có các quan hệ tài chính, du lịch với Cuba, kiểm soát nghiêm ngặt việc xuất khẩu lương thực, thực phẩm và thuốc chữa bệnh sang Cuba kể cả vì lý do nhân đạo.

Do xu thế toàn cầu hóa phát triển, Cuba trong những năm qua vẫn tràn ngập hàng hóa, con người và tiền của Mỹ. Mỗi năm, lượng khách Mỹ sang thăm quốc đảo này vẫn vào khoảng 200.000 người trong đó ¾ là được phép với lý do thăm thân còn ¼ là không được phép của chính phủ và phải nhập cảnh từ đường biên của Mexico, Bahamas, Jamaica hoặc Canada. Số kiều hối Mỹ gốc Cuba gửi về cũng lên tới gần 1 tỷ USD/năm... 

Song những con số này cũng không thể “thấm tháp vào đâu” so với những khó khăn mà Cuba vấp phải bởi lệnh cấm vận này. Thứ trưởng Ngoại giao Cuba Abelardo Moreno nói, các số liệu trong báo cáo thường niên mà Cuba chuẩn bị trình lên LHQ là hoàn toàn xác thực và nước này kêu gọi khẩn thiết rằng cộng đồng quốc tế cần phải có một nghị quyết yêu cầu chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế toàn diện và các lệnh trừng phạt khác của Mỹ đối với nước này.

Từ năm 1982 đến nay, mỗi năm, các nước thành viên LHQ đều bỏ phiếu thông qua nghị quyết này ngoại trừ Mỹ và các nước đồng minh thân cận như Israel. Đặc biệt, trong cuộc họp hồi tháng 10 năm ngoái, tỷ lệ phiếu là 188 phiếu ủng hộ và 2 phiếu chống. Đây là tỷ lệ ủng hộ kỷ lục và theo nhiều nhà phân tích nhận định, nó có thể mở ra chương mới cho Cuba trong quá trình đấu tranh chống lại lệnh cấm vận và trừng phạt của Mỹ.

Hà Linh
.
.
.