Chuyên gia thế giới cảnh báo về chiến thuật "bắt nạt" trên Biển Đông
- Cộng đồng quốc tế lên tiếng về vi phạm của Trung Quốc tại Biển Đông
- EU tái khẳng định quan ngại về các hành động gây căng thẳng tại Biển Đông
Thông điệp mà Bắc Kinh đưa ra dường như là để đe dọa rằng, không quốc gia nào có thể thực hiện các hoạt động thương mại trên Biển Đông mà không liên quan đến Trung Quốc, ngay cả khi dự án nói trên nằm trong khu vực EEZ hợp pháp của nước đó", tờ Times of India nhấn mạnh trong một bài phân tích được đăng tải hôm 4-9.
Cố tình phá hoại về kinh tế
Những tháng qua, tình hình ở Biển Đông đã trở nên căng thẳng khi Trung Quốc tiếp tục thực hiện cái gọi là các cuộc diễn tập đơn phương, khiêu khích đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc được hộ tống bởi một đoàn tàu bảo vệ đã đi vào EEZ của Việt Nam. Tờ Times of India viết: "Trên thực tế, tàu Hải Dương 08 và nhóm tàu hộ tống đã cố tình làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu khí hợp pháp của Việt Nam. Đáng chú ý, nơi đây là khu vực chứng kiến liên doanh khai thác dầu khí giữa Ấn Độ, Nga và Việt Nam trong suốt 17 năm qua. Trung Quốc đã hành động một cách khiêu khích khi dùng loa lớn phát đi những cảnh báo không đúng thẩm quyền. Thông điệp mà Bắc Kinh đưa ra dường như là để đe dọa rằng, không quốc gia nào có thể thực hiện các hoạt động thương mại trên Biển Đông mà không liên quan đến Trung Quốc, ngay cả khi dự án nói trên nằm trong khu vực EEZ hợp pháp của nước đó. Đây không khác gì chiến thuật bắt nạt. Vì Trung Quốc ngày nay là quốc gia lớn nhất và hùng mạnh nhất trong khu vực, nên họ nghĩ rằng họ có thể dùng vị thế của mình để đe dọa nước khác. Tàu Hải Dương 08 có lúc được cho là đã neo đậu cách bờ biển Việt Nam 155km mà không có sự cho phép của chính quyền Hà Nội. Điều này không có gì ngoài sự khiêu khích...".
Từ những hành động nói trên và cả yêu sách "đường lưỡi bò", có thể hiểu rằng, Biển Đông rất quan trọng đối với sự phát triển của Trung Quốc. Nhưng Biển Đông cũng quan trọng không kém đối với các quốc gia Đông Nam Á. Vậy, tại sao lợi ích của Trung Quốc lại hành xử như vậy? Tờ Times of India bình luận: "Có lẽ phải dùng một lời giải thích khác về những hành động của Trung Quốc. Khi trục quyền lực chuyển từ phương Tây sang phương Đông trong thế kỷ XXI (nhờ các yếu tố nhân khẩu học, quản trị và công nghệ), trọng tâm toàn cầu cũng sẽ tự nhiên chuyển sang Đông Á với Trung Quốc là một cực lớn. Nhưng Đông Á, với địa lý của nó, là một khu vực hàng hải chủ yếu với vô số bờ biển. Nếu thế kỷ trước chứng kiến những cuộc đấu giữa các quốc gia châu Âu - khi đó các cường quốc dân tộc đang trỗi dậy - qua biên giới đất liền, thì thế kỷ hiện tại sẽ chứng kiến các quốc gia trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cố gắng khẳng định sự thống trị của họ trên các tuyến đường biển. Và Biển Đông là trung tâm của sân chơi sức mạnh hàng hải mới này. Trung Quốc, là cường quốc hồi sinh ưu việt, rõ ràng muốn thống trị ở đây. Nhưng có một lỗ hổng trong suy nghĩ của người Trung Quốc. Các cuộc đấu ở châu Âu trong thế kỷ trước đã dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc. Nếu một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn sẽ nổ ra ở Đông Á ngày hôm nay, nó sẽ trở nên thảm khốc hơn nhiều lần. Chẳng lẽ Trung Quốc lại cho rằng họ có thể từ từ độc chiếm Biển Đông mà không thực sự gây ra một cuộc xung đột?"
Đồng quan điểm này, GS.TS Srikanth Kondapalli thuộc Nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu hòa bình và xung đột đã viết như sau: "Trước khi Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) chính thức được hoàn thiện, Trung Quốc đã gia tăng nhiều hoạt động đơn phương. Sau ba năm tạm lắng kể từ phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực hồi tháng 7 năm 2016 tại The Hague hủy bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực, Bắc Kinh bắt đầu thực hiện chiến thuật mới với hoạt động thử nghiệm là cử tàu Hải Dương 08 đến gần một giàn khoan của Malaysia, tiếp đó là vi phạm EEZ của Việt Nam. Những sự kiện đã xảy ra liên tiếp nhanh chóng là để khẳng định sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực. Điều này có hậu quả nghiêm trọng đối với nhà nước pháp quyền, mối quan tâm của các quốc gia, an ninh năng lượng và tự do hàng hải trên Biển Đông.
Tàu hải quân Mỹ và Thái Lan trong cuộc diễn tập Mỹ-ASEAN đầu tháng 9. Ảnh: Twitter. |
Căng thẳng không có lợi cho phát triển
Đương nhiên, các quốc gia liên quan khác có hoạt động trên vùng biển này không ngồi yên. Như Mỹ, từ năm 2010, nước này đã khẳng định, các lợi ích quốc gia của họ trên vùng biển thương mại này sẽ được bảo vệ. Đầu tháng 8, chính quyền Washington đã phái tàu khu trục USS Ronald Reagan tới Biển Đông. Quốc gia lớn tiếp theo trong khu vực là Nhật Bản, nơi có hơn 2/3 nguồn năng lượng đi qua các vùng biển này đã lên tiếng phản đối, ủng hộ các quốc gia khác trong khu vực và là một phần trong hoạt động liên kết Mỹ-Nhật. Phản ứng của Ấn Độ sau khi xảy ra sự kiện tàu khảo sát Hải Dương 08 cũng rất rõ ràng. Bộ Ngoại giao Ấn Độ và nhiều quan chức nước này đã đưa ra một tuyên bố khẳng định lợi ích hợp pháp của New Delhi trong khu vực. Để bảo vệ lợi ích của mình ở Ấn Độ Dương, Trung Quốc từng gửi 29 tàu hải quân, xây dựng các cảng Hambantota và Gwadhar và một căn cứ hải quân ở Djibouti. Ấn Độ cần phải chủ động tương tự trong việc bảo vệ lợi ích của chính mình ở Biển Đông. Hợp nhất dân sự một cách đơn phương, thống trị quân sự, và leo thang hành động và chuyển đổi những vấn đề không thể tranh chấp thành khu vực tranh chấp.... chiến thuật nói trên của Trung Quốc đang tạo ra sự không chắc chắc về hòa bình khu vực và sự mất an ninh hàng hải".
Phân tích kỹ hơn về việc chọn thời điểm để hành động của Trung Quốc, nhất là sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam hồi tháng 5-2014, tác giả James Bolton trên tờ Washington Times cho hay: "Trước khi CoC hoàn thành, như đề xuất của Bắc Kinh với ASEAN, Trung Quốc dự định sẽ mở rộng phạm vi hoạt động và yêu sách tới càng nhiều rạn san hô, đảo hoặc khu vực trên Biển Đông càng tốt. Động thái này Trung Quốc từng áp dụng trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ ở Tawang hoặc Chumar. Bằng cách bao gồm việc chỉ thảo luận về "các vấn đề khu vực" với các nước liên quan trong COC, Trung Quốc đang cân nhắc mọi can thiệp và vai trò có thể có của bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực. Tuy nhiên, mọi hành động đều có phản ứng bình đẳng và các quốc gia ở Đông Nam Á cũng như những nước có quyền lợi hàng hải trong vùng biển này sẽ không "ngồi yên".
Do đó, như các nhà phân tích đã cảnh báo, ngay cả khi xung đột không xảy ra, các căng thẳng hiện tại ở Biển Đông hầu như không có lợi cho sự phát triển và tăng trưởng của các nước trong khu vực. Tổn thất cho những hành động này là rất lớn. "Cách tốt nhất, chính là việc Trung Quốc phải thực lòng hơn nữa trong việc đối thoại và duy trì các quy tắc quốc tế và cùng đảm bảo an ninh cho vùng biển hàng hải khu vực. Đối với điều này, việc hoàn thiện COC là bắt buộc", tờ Times of India khẳng định và kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế hành động đơn phương và vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông.