Cảnh sát đảo ngọc Hồng Kông

Thứ Sáu, 05/02/2016, 08:00
Cảnh sát Hồng Kông (HKPF) là cơ quan quyền lực và lớn nhất nằm dưới sự chỉ đạo của Ủy ban An ninh Hồng Kông. Đây là đơn vị cảnh sát thứ hai trên thế giới và đầu tiên ở châu Á hoạt động theo mô hình hệ thống cảnh sát hiện đại.


Được thành lập từ năm 1984 với chỉ 32 sỹ quan, đến nay, HKPF đã có quân số lên tới 40.000 người, trong đó có 28.191 sỹ quan mặc quân phục và số còn lại là nhân viên dân sự phục vụ trong lực lượng.

Chỉ 12 tuần sau khi người Anh đặt chân lên đảo và xác nhận Hồng Kông trở thành thuộc địa, ngày 30- 4-1841, đại úy quân đội Anh Charles Elliot đã thành lập lực lượng cảnh sát trên đảo thuộc địa mới. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Cảnh sát hoàng gia Hồng Kông ngày càng lớn mạnh, có vị trí quan trọng trong xã hội. 

Thậm chí, đến năm 1995, cảnh sát hoàng gia Hồng Kông còn được trao quyền kiểm soát toàn bộ biên giới (nhiệm vụ trước đó chỉ quân đội được đảm nhiệm). Tới năm 1997, sau khi Hồng Kông được Anh trao trả lại cho Trung Quốc, cái tên Cảnh sát hoàng gia Hồng Kông được đổi tên thành Cảnh sát Hồng Kông như hiện nay.

Hệ thống cấp bậc hàm trong lực lượng cảnh sát Hồng Kông vẫn theo hệ thống cấp hàm trong cảnh sát Anh với 15 thang cấp bậc. Tổng chỉ huy HKPF là Chánh thanh tra cảnh sát. Dưới Chánh thanh tra là hai Phó Chánh thanh tra cảnh sát (một người chịu trách nhiệm chỉ huy các hoạt động phòng chống tội phạm và một người chịu trách nhiệm chỉ đạo các hoạt động quản trị, hỗ trợ, hậu cần, đào tạo…) và 5 cục nghiệp vụ: Cục Tác chiến và hỗ trợ; Cục An ninh và chống tội phạm; Cục Tổ chức và Đào tạo; Cục Nghiệp vụ chuyên ngành; Cục Tài chính, quản trị và kế hoạch. 

Dưới cơ quan tổng hành dinh HKPF là 6 vùng cảnh sát: Cảnh sát vùng đảo Hồng Kông, cảnh sát vùng Đông Kowloon, cảnh sát vùng Nam Kowloon, cảnh sát vùng Lãnh thổ mới phía Nam, cảnh sát vùng Lãnh thổ mới phía Bắc và cảnh sát thủy. Cảnh sát mỗi vùng có trụ sở riêng, có quyền tự chủ và chịu trách nhiệm cao trong các hoạt động nghiệp vụ trong phạm vi phụ trách (từ đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho tới điều tra tội phạm, thực hiện các chiến dịch với sự tham gia của cảnh sát đặc nhiệm). Cảnh sát vùng quản lý cảnh sát các quận và dưới cảnh sát quận có thể có các đồn cảnh sát (hiện nay Hồng Kông có 23 cảnh sát cấp quận).

Bắt giữ đối tượng phạm tội.

HKPF có đơn vị thường trực tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm hoạt động 24/24h thông qua số điện thoại nóng 999. Trung tâm chỉ huy được tổ chức rất khoa học và hiện đại thông qua việc áp dụng hệ thống hỗ trợ chỉ huy điện tử, đảm bảo thông tin được phân tích, xử lý và truyền đạt tới các đơn vị và sỹ quan cảnh sát để tác chiến, thực hiện chính xác nhất với hệ thống định vị toàn cầu và liên lạc qua vệ tinh. HKPF cũng có các đơn vị cảnh sát đặc nhiệm, cảnh sát chó nghiệp vụ thuộc hàng tinh nhuệ trên thế giới. Đặc biệt, HKPF có lực lượng cảnh sát thủy rất nổi tiếng với hơn 3.000 sỹ quan và hải đội gồm 143 tàu, thuyền đặc chủng các loại.

Đối với các nhiệm vụ tuần tra trên bộ, chủ yếu HKPF sử dụng xe ôtô rất hiện đại loại BMW M5. Ngoài ra, còn rất nhiều các loại xe đặc chủng cho các nhiệm vụ đặc biệt, trong đó có các xe chống đạn đời mới. 

Trong vài năm gần đây, để góp phần giảm ô nhiễm môi trường, cảnh sát Hồng Kông đã thử nghiệm dùng một số xe điện trong hoạt động tuần tra. Về vũ khí, HKPF sử dụng những loại phương tiện hiện đại, đời mới của các công ty công nghệ vũ khí hàng đầu thế giới của các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Thụy Sỹ, Đức, Áo, Italia… 

Trong đó, các dòng súng chủ yếu là Smith & Wesson Model 10, SIG Sauer P250 Dcc, Glock 17, Glock 19, Heckler&Koch MP5, Remington 870, Colt AR-15, Benelli M1 Super 90, Heckler&Koch G36V, KAC SR – 25, M1911… Ngoài ra, HKPF sử dụng một số công cụ hỗ trợ cũng được nhập từ các nước tiên tiến với tiêu chuẩn cao như còng tay (nhập từ Anh), bình xịt hơi cay (nhập từ Mỹ), gậy chống bạo động (nhập từ Mỹ), găng tay bắt dao (nhập từ Thụy Sỹ)…

Cảnh sát Hồng Kông là một trong những lực lượng cảnh sát có truyền thống tuyển chọn, đào tạo và sử dụng cảnh sát tốt nhất trên thế giới. Họ cũng có chế độ đãi ngộ tốt và là một trong những nghề được xã hội tôn trọng ở Hồng Kông. Tất cả các ứng viên muốn trở thành cảnh sát đều phải trải qua quá trình xem xét hồ sơ, tuyển chọn với những tiêu chuẩn rất khắt khe về thể hình, thể lực, sức khỏe, trình độ, năng khiếu, trí thông minh… Không có chuyện ngoại lệ vì bất cứ lý do gì hay tiêu cực trong quá trình xét tuyển. 

Những người qua được vòng tuyển chọn ban đầu đều phải trải qua các khóa huấn luyện khác nhau để sàng lọc và từ thực tế sẽ định hướng được người đó phù hợp với từng chuyên ngành gì để đào tạo tiếp hoặc thải loại. Các sỹ quan sau khi tốt nghiệp sẽ được phân về các đơn vị trực tiếp chiến đấu để rèn luyện, học hỏi kinh nghiệm và tùy vào cống hiến, thành tích trong công tác mới được đưa về các đơn vị trung tâm, được xét thăng tiến và cử đi đào tạo nâng cao. 

Không một sỹ quan nào được quyền tự mãn yên tâm tại vị mà định kỳ HKPF đều có các kỳ sát hạch từ cấp chỉ huy cao nhất đến cấp thấp nhất về trình độ nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn và thể lực. Nếu không đạt yêu cầu tối thiểu sẽ bị sa thải hoặc buộc phải nghỉ hưu sớm. Do vậy, mọi cấp trong lực lượng cảnh sát đều luôn phải tự nỗ lực cố gắng trong quá trình công tác và rèn luyện. Bởi vậy, cảnh sát Hồng Kông được đánh giá là một trong những lực lượng cảnh sát thiện chiến và chính quy, tinh nhuệ nhất trên thế giới từ nhiều năm nay.

Hiện nay, trong quan hệ với Trung Quốc đại lục, Hồng Kông vẫn được hưởng quy chế “một nhà nước hai chế độ”. Do vậy, về mặt nghiệp vụ, cảnh sát Hồng Kông rất độc lập với cảnh sát Trung Quốc và gần như được hoàn toàn tự chủ trong mọi hoạt động nghiệp vụ của mình. Vậy nên về mặt cơ cấu tổ chức, các quy trình làm việc, các hệ thống ứng dụng, cấp bậc, đào tạo, tư duy chiến đấu… HKPF vẫn mang đậm sự tương đồng với hoạt động của lực lượng cảnh sát các nước phương Tây như Anh, Mỹ... 

HKPF cũng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức cảnh sát quốc tế như Interpol, Aseanapol, Europol cũng như cảnh sát các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới để phục vụ công tác của mình cũng như nâng cao vai trò của mình trên trường quốc tế. 

Tại Hồng Kông, rất hay xảy ra biểu tình bạo động và có nguy cơ bạo loạn nhưng cảnh sát Hồng Kông luôn có lực lượng ứng trực, phương án tác chiến tốt và ứng phó kịp thời. Đỉnh điểm trong thời gian gần đây là cuộc biểu tình diện rộng do sinh viên Hồng Kông tổ chức vào năm 2014. Cảnh sát Hồng Kông đã có phương án xử lý và đối sách phù hợp do vậy cuối cùng đã ổn định được tình hình.

Là lực lượng đảm bảo an ninh trật tự cho một lãnh thổ đông dân, giàu có, tốc độ phát triển kinh tế cao, năng động, là một trong những trung tâm tài chính, du lịch, dịch vụ nổi tiếng không chỉ ở châu Á mà còn trên thế giới, trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của cảnh sát Hồng Kông rất nặng nề. 

Tại hòn đảo được mệnh danh là đảo ngọc này, từ lâu đã hình thành một mạng lưới xã hội đen khét tiếng hoạt động có tổ chức, mang tính quốc tế và rất manh động. Chúng hoạt động chủ yếu với các hoạt động tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy và mại dâm, buôn người… Không ít sỹ quan cảnh sát của HKPF đã phải đổ máu, chấp nhận bị thương hoặc hy sinh trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng đối với các băng nhóm tội phạm xã hội đen này. 

Trong những năm gần đây, nhờ sự đấu tranh mạnh mẽ và các chiến dịch trấn áp mạnh của cảnh sát Hồng Kông, tình hình tội phạm ở đây đã được kiềm chế, các băng đảng không còn dám trắng trợn lộng hành. Tuy nhiên, hoạt động ngầm của tội phạm vẫn diễn ra rất phức tạp và tội phạm tiếp tục có nhiều hoạt động chi phối, có ảnh hưởng đến xã hội. Do vậy, cuộc đấu tranh của cảnh sát Hồng Kông vẫn còn rất gian nan để đảm bảo sự phát triển bền vững, giữ gìn an ninh trật tự cho đảo ngọc năng động này.

Nguyễn Hoàng Đoàn
.
.
.