Boko Haram và nỗi ám ảnh về 'tiểu IS' ở châu Phi

Thứ Tư, 14/01/2015, 10:44
Với vùng lãnh thổ kiểm soát rộng trên 52.000km², tổ chức Boko Haram đang ngày càng phát triển và tham vọng sẽ trở thành tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thu nhỏ ở châu Phi. Đáng lo ngại nhất là việc Boko Haram mở rộng thêm hoạt động ở các quốc gia láng giềng với Nigeria và sẵn sàng tàn sát không thương tiếc người dân vô tội, kể cả những em nhỏ dưới 15 tuổi.
>> Chiến lược gây hỗn loạn của nhóm khủng bố Boko Haram

Dã tâm sử dụng những quả “bom người”

Chưa hết bàng hoàng trước loạt vụ tấn công khủng bố và bắt cóc con tin tại Pháp, người dân thế giới lại giật mình sửng sốt trước vụ đánh bom liều chết gây rung chuyển khu chợ đông đúc tại thị trấn Potiskum ở Yobe, phía Đông Bắc Nigeria làm ít nhất 19 người thiệt mạng và gần 30 người khác bị thương.

Đáng chú ý là những kẻ chủ mưu của vụ việc đã sử dụng hai bé gái 10 tuổi làm bom sống. Nhân chứng kể lại rằng, có 3 người lớn đưa hai cô bé này đi vào khu chợ rồi đến chỗ đông người chúng bỏ các em ở lại. Các cô bé này không hề biết âm mưu của những người lớn đi cùng và cũng chẳng biết được rằng, các em đã bị gài đầy chất nổ trong người.

Một tiểu thương ở chợ có tên gọi là Sani Abdu Potiskum kể: “Khi thấy hai đứa bé đó đứng lơ ngơ giữa chợ, tôi tưởng chúng lạc, còn định ra hỏi thăm nhưng có việc đột xuất chạy sang quầy phía sau. Tôi định bụng xong việc sẽ quay lại nhưng vừa lúc đó thì một tiếng nổ lớn, mọi thứ đổ sập ngay trước mắt”.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, dù chưa có nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm nhưng các kết quả điều tra ban đầu đã cho thấy có sự tham gia của nhóm Boko Haram. Hơn nữa, trên thực tế, đây không phải lần đầu có một vụ tấn công khủng bố như vậy ở Nigeria.

Trong thời gian qua, Boko Haram đã gia tăng sử dụng phụ nữ và trẻ em gái trong các vụ đánh bom liều chết nhằm khiến người dân mất cảnh giác. Tháng 11 năm ngoái, chính tại khu chợ này, Boko Haram cũng đã thiết kế và thực hiện 2 vụ đánh bom liều chết liên tiếp làm tổng cộng 45 người thiệt mạng. Thủ phạm các vụ đánh bom này được xác định đều là nữ giới.

Chưa hết, một ngày trước vụ đánh bom ở thị trấn Potiskum, các chiến binh của Boko Haram cũng đã tiến hành các vụ tấn công vào khu vực xung quanh một thị trấn mà chúng chiếm giữ ở Đông Bắc Nigeria, phá hủy ít nhất 16 thị trấn và ngôi làng. Người đứng đầu chính quyền địa phương, ông Musa Bukar cho biết: “Các chiến binh của Boko Haram đã bắn súng tùy tiện khi chúng đứng trên các xe tải và xe bọc thép. Chúng truy giết người ẩn trốn trong bụi rậm, thiêu sống những người trốn trong nhà. Thậm chí, chúng còn ra tay không thương tiếc với phụ nữ mang thai, người già ốm yếu và những em nhỏ dưới 8 tuổi”…

Boko Haram đang mở rộng hoạt động với âm mưu thành lập Nhà nước Hồi giáo tại Nigeria.

Nhánh thánh chiến của Al-Qaeda

Boko Haram có tên gọi chính thức là Jamaatu Ahlis Sunna LiddaAwati Wal-Jihad. Đây là một nhánh thánh chiến của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và cũng là đại diện cho phong trào nổi dậy của người Kanuri.

Ngoài việc chiếm đóng các thị trấn, làng mạc, các tay súng của Boko Haram đều có khả năng triển khai các vụ đánh bom liều chết tại hầu hết các thành phố của Nigeria, trong đó có cả Thủ đô Abuja.

Theo tin từ hãng Telegraph, Boko Haram được Mohammed Yusuf thành lập vào năm 2002 tại bang Borno với tôn chỉ hoạt động là áp dụng luật Hồi giáo tại Nigeria, đấu tranh cho bình đẳng xã hội và tố cáo nạn tham nhũng của các chính trị gia. Tuy nhiên, vào năm 2009, sau khi quân đội Nigeria mở đợt trấn áp quy mô lớn nhằm vào nhóm này và bắt giữ, giết chết không xét xử Mohammed Yusuf, Boko Haram bắt đầu chuyển hướng sang hoạt động ngầm và gia tăng tư tưởng cực đoan. Dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh mới Abubakar Shekau, các thành viên của Boko Haram khi đó đã truyền bá tư tưởng thù địch phương Tây và thể hiện sức mạnh thông qua các vụ bắt cóc, giết người, đánh bom trường học và bệnh viện.

Tháng 9/2010, Boko Haram bắt đầu được cả thế giới biết đến khi tiến hành một vụ cướp ngục ở Nigeria và tiếp đó là một loạt vụ đánh bom liều chết nhằm vào đồn cảnh sát, văn phòng của Liên Hợp Quốc tại Abuja năm 2011. Năm 2013, Boko Haram bị  Bộ Ngoại giao Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài nguy hiểm… Các con số thống kê mới nhất cho thấy, từ tháng 7 năm 2009 đến tháng 12 năm 2014, Boko Haram đã sát hại gần 8.000 dân thường trong đó có ít nhất 4.000 người bị sát hại trong năm 2014. Gần 1.000 người khác cũng đã bị Boko Haram bắt cóc trong đó hơn nửa là trẻ em và phụ nữ...

Giống như lực lượng Taliban ở Afghanistan hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria, các chiến binh của Boko Haram rất thạo về súng ống, đạn dược và chế tạo bom. Hiện địa hạt của chúng trải dài từ dãy núi Mandara giáp với Cameroon ở phía Đông đến khu vực hồ Chad ở phía Bắc và sông Yedseram ở phía Tây Nigeria.

Theo các nhà phân tích, trên thực tế, Boko Haram đã chia cắt Nigeria thành 2 phần: miền Bắc theo đạo Hồi và miền Nam chủ yếu theo đạo Thiên Chúa. Hiện đa số người dân theo đạo Hồi ở miền Bắc đều nghe theo lời kêu gọi của Boko Haram, sẵn sàng gia nhập hàng ngũ tay súng cực đoan. Vì thế mới có chuyện hơn 70% dân chúng nghèo ở miền Bắc vẫn nộp tiền mỗi ngày cho Boko Haram để chúng mua vũ khí hạng nặng, xe bọc thép, đạn dược và bom. Báo cáo của tình báo Mỹ được tờ Washingtonpost đăng tải hồi tháng 6/2014 còn cho biết, Boko Haram có nhiều nguồn tài trợ khác nhau và chúng cũng có cách gây quỹ bằng các hoạt động phạm pháp như bắt cóc tống tiền, buôn lậu, bắt người để bán làm nô lệ... 

Khánh Chi
.
.
.