Hé lộ những bí mật gây sốc trong vụ đắm tàu Titanic

Thứ Bảy, 16/04/2016, 15:24
Tàu vượt đại dương thượng hạng RMS Titanic đi từ hải cảng Southampton (Anh), sang New York (Mỹ) gặp tai nạn thảm khốc đắm tàu ngay trong chuyến hải trình đầu tiên cách đây đúng 104 năm, vào đêm 14 rạng sáng ngày 15-4-1912, cướp đi sinh mạng của 1.517 người trong tổng số 2.224 hành khách và thủy thủ đoàn.


Cùng tồn tại với nguyên nhân chính tàu đâm phải băng trôi, là những giả thuyết khác khiến Titanic bị đắm như nguyên liệu chế tạo tàu có khiếm khuyết, một ngọn lửa đột nhiên bùng phát, hoặc gặp phải hiện tượng thiên văn “siêu mặt trăng” hiếm có làm nước triều dâng cao bất ngờ…  

Sĩ quan bậc 2 C. Lightoller lúc sinh thời.

Nữ doanh nhân kiêm văn sĩ người Anh Louise Patten, tác giả của nhiều tiểu thuyết nổi tiếng dạng best-seller (bán chạy nhất), trong đó có cuốn “Good as Gold” (Tốt như Vàng) lại nêu “một bí ẩn thực sự về vụ đắm tàu” do người ông nội Charles Lightoller (1874-1952), sĩ quan bậc 2 trên tàu cũng là thành viên sống sót duy nhất trong ban chỉ huy Titanic tiết lộ. Dưới đây là cuộc trao đổi của bà L. Patten với phóng viên của tờ nhật báo buổi sáng The Daily Telegraph phát hành tại London (Anh), về điều bí mật lớn nhất trong gia đình bà liên quan đến vụ đắm con tàu huyền thoại hơn một thế kỷ trước.

Phóng viên(PV): Điều bí ẩn đích thực đó là gì, thưa bà?

Louise Patten:  Ông nội tôi đang ở trong khoang riêng của mình lúc tàu va phải tảng băng trôi giữa biển. Ông quyết định không lên thuyền cứu hộ để nhường chỗ cho người khác, rồi thoát chết một cách hết sức tình cờ. Ông nhảy xuống biển sâu khi Titanic chìm gần hết và bị hút xuống một xoáy nước, nhưng lại được đẩy lên mặt biển nhờ những vụ nổ dưới nước phát ra từ thân tàu, rồi được xuồng cứu hộ đi ngang phát hiện thấy.

Tiểu thuyết gia L. Patten bên tấm biển tưởng nhớ ông nội, được gắn trước cổng ngôi trường ông từng theo học tại thị trấn Chorley quê hương.

Trong vai trò là sĩ quan cao cấp nhất thuộc ban chỉ huy Titanic còn sống, ông tôi đã 2 lần ra làm chứng trước Ủy ban điều tra của Hội đồng Thương mại Anh, cũng như Ủy ban điều tra đặc biệt do Thượng viện Mỹ thiết lập nhằm truy tìm căn nguyên vụ đắm con tàu chở khách khổng lồ. Người ta hỏi ông có biết về nguyên nhân vụ việc, hay nói một cách khác là hiểu thấu đáo những gì đã thực sự xảy ra không? Nhưng tiếc thay trong cả 2 lần ông đều… nói dối.

PV: Vậy ông nội bà biết điều gì mà không dám nói ra?

Louise Patten: Sau khi Titanic đâm phải băng trôi, ông tôi rời buồng thuyền trưởng Edward John Smith (1850-1912) tới cabin của sĩ quan bậc 1 William McMaster Murdoch (1873-1912) để lấy vũ khí, đề phòng có bạo loạn khi mọi người tranh nhau lên các xuồng cứu hộ. Đến lúc ấy ông mới được giải thích rằng, viên tài công Robert Hichens (1882-1940) do quá hoảng loạn trước hiểm họa núi băng lù lù trước mặt, nên đã vận hành tàu không đúng với lệnh ban ra từ buồng chỉ huy.

Điều này thoạt nghe thật vô lý đối với người trực tiếp điều khiển cần lái con tàu đắt giá nhất thời ấy, nhất là trong chuyến hải trình xuyên đại dương đầu tiên. Nhưng nếu đặt mình vào vị trí của R. Hitchins ta sẽ cảm thông với ông, bởi hành động trong tình trạng căng thẳng tột độ dễ dẫn đến sai sót.

(Kể đến đây, tiểu thuyết gia L. Patten còn lấy dao, khăn ăn, và cả một giỏ đựng bánh mì trên bàn rồi xếp đặt chúng, để cho người đối diện hình dung thực trạng bi đát trước lúc tàu đắm và tiếp tục giải thích).

Titanic được đóng đúng vào thời điểm ngành hàng hải quốc tế chuyển từ tàu buồm sang tàu sử dụng động cơ hơi nước. Ông tôi cũng như hầu hết thủy thủ đoàn đều được đào tạo dưới thời tàu chạy buồm, cùng nguyên lý bẻ lái sang trái khi muốn tàu rẽ phải và ngược lại. Còn với máy hơi nước thì muốn rẽ bên nào chỉ việc điều khiển bánh lái theo hướng đó, y như với xe hơi bây giờ vậy. 

Do tài công R. Hitchins nhầm lẫn trong việc đổi hướng lái, họ chỉ còn 4 phút trước khi gặp chướng ngại vật… Bất chấp mọi nỗ lực từ thuyền trưởng E. Smith hòng khắc phục sự cố, nhưng đã quá muộn khiến tình hình trở nên vô vọng.

Sau “vụ Titanic”, sĩ quan C. Lightoller xin về hưu rồi mở xưởng sửa chữa tàu thủy ven bờ sông Thames ngay kinh thành London, ông từng tiết lộ với bà vợ Sylvia Hawley-Wilson một bí mật khác còn đáng sợ hơn lỗi của người tài công. 

Chính điều này mới là nguyên nhân làm Titanic chìm nhanh hơn, với hệ quả kéo theo nhiều nạn nhân đáng ra đã được cứu sống. Đó là mệnh lệnh từ Joseph Bruce Ismay (1862-1937), Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Hãng White Star Line là cơ quan chủ quản RMS Titanic đang có mặt trên tàu.

Bà L. Patten giải thích tiếp:

Titanic va chạm với tảng băng trôi ở phần dễ bị tổn thương nhất. Ban chỉ huy tàu có thể xác định được khoảng thời gian khiến tàu chìm hẳn để lên kế hoạch sơ tán hành khách. Nhưng viên chủ tàu J. Ismay lai không muốn cỗ phương tiện khổng lồ từng được mệnh danh là “không thể bị đắm” lại đứng yên giữa biển, chờ cứu hộ tới trong khi cứ chìm dần… J. Ismay liền ra lệnh cho thuyền trưởng: 

“Thẳng tiến lên phía trước!”. Nếu như Titanic tắt máy ngừng chuyển động và đứng yên tại chỗ, rất có thể con tàu sẽ trụ được chí ít tới khi lực lượng cứu hộ xuất hiện. 

Nhưng mệnh lệnh ban ra từ ông chủ J. Ismay là bất khả kháng, buộc thuyền trưởng E. Smith phải tuân thủ bằng mọi giá. Một khi tàu đã thủng do va chạm mà còn tiếp tục dịch chuyển, đương nhiên áp lực nước sẽ khiến lỗ thủng ngày càng mở rộng khiến tàu nhanh chìm hơn.

PV: Tại sao ông nội bà vốn được người đời biết đến như một sĩ quan gan dạ và trung thực, lại sống trong sự giả dối?

Louise Patten: Bởi vì sau khi được thuyền cứu hộ vớt lên, ông tôi đã được viên chủ tàu J. Ismay cho biết rằng cần phải “giữ mồm giữ miệng”. Nếu hé lộ sự thật thì công ty sẽ bị kiện ra tòa và mọi khoản bảo hiểm đã ký đều mất giá trị, Hãng White Star Line sẽ lâm vào cảnh phá sản buộc phải sa thải tất cả nhân công. Do vậy ông tôi đã nói dối nhằm giữ công ăn việc làm cho các đồng nghiệp.

PV: Nhưng tại sao bà Sylvia vợ ông lại không hé môi sau cái chết của chồng vào cuối năm 1952?

Louise Patten: Bà sợ làm hoen ố hình ảnh ông nhà là một người từng được phong danh hiệu Anh hùng trong Thế chiến II, sau vụ tình nguyện giải cứu con tàu của Hải quân Hoàng gia mắc kẹt ở hải cảng Dunkirk bên Pháp trong chiến dịch Dynamo. Còn mẹ tôi cũng biết chuyện ấy nên rất xấu hổ, tuy nhiên chẳng ai dám nói ra…

PV: Cớ sao bà là người cuối cùng tiết lộ sự thật?

Louise Patten: Sau hơn nửa thế kỷ im lặng, tôi quyết định công bố để mọi người biết về lý do căn bản gây nên thảm họa Titanic kinh hoàng, như một cách chia sẻ phần nào nỗi buồn với gia đình các nạn nhân.

PV: Đây là cốt truyện mà đa phần các nhà văn sẽ đưa ngay vào mảng đề tài tư liệu hay hồi ký, còn bà lại tường trình qua tiểu thuyết?

Louise Patten: Tại vì “Good as Gold” là dạng đầu sách tiểu thuyết trinh thám hình sự. Tôi viết về tấn bi kịch gia đình của một viên chủ ngân hàng, với một điều bí mật gia truyền liên quan đến kỹ nghệ đóng tàu y như với 3 thế hệ nối tiếp nhau trong nhà tôi.

PV: Xin cám ơn bà về cuộc trao đổi thẳng thắn này.

Kim Dung (theo The Daily Telegraph)
.
.
.