Ba thập kỉ chèo lái đất nước Kazakhstan của Tổng thống Nazarbayev

Thứ Tư, 20/03/2019, 13:23
Trong 30 năm lãnh đạo đất nước Kazakhstan, Tổng thống Nursultan Nazarbayev được đánh giá có những đóng góp to lớn cho quốc gia Trung Á và được tôn sùng là 'Elbasy' - nhà lãnh đạo của dân tộc.

Trong một tuyên bố bất ngờ trên truyền hình trực tiếp, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev ngày 19-3 đã quyết định từ chức sau ba thập kỉ chèo lái đất nước.

Tổng thống Nursultan Nazarbayev tươi cười khi thông báo từ chức. Ảnh: ITN

Ông Nazarbayev, 78 tuổi, lãnh đạo Kazakhstan với tư cách một bộ phận của Liên Xô từ năm 1989, rồi trở thành Tổng thống Kazakhstan sau khi quốc gia này độc lập vào năm 1991. Ông từ bỏ nhiệm sở khi đang trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ năm.

Sau khi từ chức Tổng thống, ông Nazarbayev sẽ tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch Đảng Nhân dân Dân chủ Nur Otan và là một thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia cho đến khi cuộc bầu cử tiếp theo diễn ra tháng 3-2020.

Ba thập kỉ chèo lái đất nước

Ông Nursultan Nazarbayev sinh năm 1940 ở vùng quê Chemolgan, cách không xa thủ đô thương mại Almaty nổi tiếng của Kazahstan. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, năm 1960, ông Nazarbayev quyết định theo một trường dạy nghề kĩ thuật ở Ukraine, sau đó học nghề luyện kim tại một trường đại học ở quê nhà.

Nursultan Nazarbayev khi là lãnh đạo Kazakhstan dười thời Liên Xô.

Trong những năm tiếp theo, ông trở thành một công nhân luyện thép rồi gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhờ những đóng góp to lớn, Nursultan Nazarbayev được tín nhiệm và bầu vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền Kazakhstan từ khi nước này còn là một bộ phận của Xô Viết.

Bước ngoặt trong sự nghiệp chính trị của Nazarbayev đến vào năm 1989, khi ông được bầu Bí thư thứ nhất Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản nước Cộng hòa Xô viết Kazakh, trở thành người đứng đầu nước cộng hòa lớn thứ hai thuộc Liên Xô. Hai năm sau, khi Liên Xô tan rã, ông Nazarbayev trở thành Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Kazakhstan độc lập.

Trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên tại Kazakhstan diễn ra tháng 12-1991, ông Nazarbayev giành chiến thắng áp đảo với 98,7% số phiếu ủng hộ. Năm 1995, trong bối cảnh tình hình khi đó, Kazakhstan không tổ chức bầu cử, song tiến hành trưng cầu dân ý kéo dài nhiệm kì Tổng thống đến năm 2000. Trong cuộc trưng cầu này, 95% cử tri dành sự tin tưởng tuyệt đối cho Nazarbayev.

Thủ đô hành chính Astana của Kazakhstan. Ảnh: ITN

Trong các cuộc bỏ phiếu sau đó diễn ra lần lượt vào năm 1999, 2005, 2011 và 2015, ông và đảng Đảng Nhân dân Dân chủ Nur Otan do ông sáng lập luôn giành thắng lợi áp đảo để lãnh đạo đất nước. Tại cuộc bầu cử gần nhất năm 2015, Nazarbayev giành được 97,7% số phiếu.

Sky News cho hay, trong 30 năm chèo lái đất nước, ông Nazarbayev được ghi nhận đóng góp lớn vào việc giữ hòa bình và ổn định trong nước, trong đó phải kể tới việc duy trì sự hòa hợp giữa các sắc tộc và tôn giáo tại quốc gia Trung Á; cũng như phát triển kinh tế và thu hút hàng trăm tập đoàn lớn nước ngoài, gồm cả của Mỹ vào đầu tư nhiều tỷ USD.

Cụ thể, theo báo cáo kinh tế trước thời điểm 2013, Kazakhstan có GDP đạt mức 236 tỷ USD, với lượng ngoại tệ dự trữ đạt 100 tỷ USD. Thu nhập bình quân của người Kazakhstan cũng theo đó tăng từ mức 1.500 USD vào năm 1997 lên ngưỡng 13 ngàn USD, tức là cao nhất Trung Á.

Do biến động thị trường dầu mỏ, GDP của Kazakhstan giảm mạnh trong năm 2014 và 2015, song mới đây tìm lại được đà phục hồi. So với các nước trong khu vực, Kazakhstan thường xuyên đạt mức tăng trưởng GDP cao gấp 2 lần Uzbekistan và gần 4 lần Azerbaijan.

Ông Nazarbayev cùng Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Belarus Lukashenko trong cuộc gặp năm 2014.

Về mặt ngoại giao, Kazakhstan dưới thời ông Nazarbayev được đánh giá là đã thành trông trong việc tạo được thế cân bằng nhất định trong quan hệ với các nước lớn (Nga, Trung, Mỹ và EU), nhất là trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây leo thang nhưng năm qua.

Về quân sự, ông Nazarbayev tiếp tục duy trì mối quan hệ gần gũi giữa Nga và Kazakhstan. Nhờ đó, Kazakhstan hiện là quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh nhất ở khu vực Trung Á và chỉ đứng sau quân đội Nga trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS). Hiện Kazakhstan cũng là nơi đặt sân bay vũ trụ Baikonur nổi tiếng, nơi đưa toàn bộ phi hành gia thế giới lên trạm không gian ISS trong nhiều thập niên liên tục.

Đáng chú ý, sau khi Liên Xô tan rã, Kazakhstan được thừa hưởng một lượng không nhỏ vũ khí hạt nhân, song chính quyền của ông Nazarbayev đưa ra một quyết định quan trọng là bàn giao số vũ khí này cho Nga từ năm 1994 để trở thành một quốc gia phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Máy bay của quân đội Kazakhstan. Ảnh: KAF

Nhờ những đóng góp lớn đó trong quá trình điều hành đất nước, năm 2011, nhân kỷ niệm 20 năm ngày trở thành quốc gia độc lập, ông Nazarbayev được suy tôn làm “Elbassy” – Nhà lãnh đạo của dân tộc. Đến nay, dù từ bỏ vị trí Tổng thống, ông Nazarbayev được cho là vẫn có tỉ lệ ủng hộ trong dân chúng tới 90%.

Từ bỏ để đối mới

Mặc dù đạt nhiều thành tựu đáng chú ý trong chèo lái đất nước, song chính quyền của ông Nazarbayev thời gian gần đây đối mặt với nhiều thách thức về mặt kinh tế, kéo theo một số nguy cơ an ninh.

Là quốc gia có ngân sách phụ thuộc lớn vào xuất khẩu tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ (chiếm tới 44% ngân sách quốc gia), nên việc giá "vàng đen" bốc hơi mất gần 50% giá trị trong những năm qua đẩy nền kinh tế Kazakhstan vào vòng thách thức.

Giá dầu giảm tác động tiêu cực đến nền kinh tế Kazakhstan.

Bên cạnh đó, khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây, kéo theo việc đồng ruble của Nga mất giá, nền kinh tế Kazakhstan cũng hứng chịu thiệt hại không nhỏ trước sự "tấn công" ồ ạt của hàng hóa giá rẻ từ quốc gia láng giềng. Thời gian qua, Astana đã cố gắng thuyết phục Moscow giao dịch kinh tế bằng ngoại tệ mạnh, song không thành công.

Kinh tế đi xuống cũng đẩy Kazakhstan tới nguy cơ mất an ninh, vốn luôn trực chờ được tạo ra bởi những yếu tố bên ngoài như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mở rộng hoạt động đến khu vực Trung Á hay tình hình bất ổn tại quốc gia láng giềng Afghanistan.

Để giải quyết các vấn đề này, trong cương lĩnh tranh cử năm 2015, ông Nazarbayev muốn dùng nhiệm kì hiện tại để chuyển đổi Kazakhstan từ mô hình nền kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên sang mô hình tăng trưởng cân bằng hơn.

Tổng thống Nazarbayev quyết tâm tiến hành cải cách nền kinh tế cùng việc hiện đại hóa xã hội trong một "đại kế hoạch" có tên “Nurly Zhol” gồm 7 nội dung cơ bản gồm phát triển hạ tầng giao thông vận tải hiện đại, hạ tầng công nghiệp, năng lượng, hiện đại hóa hạ tầng dịch vụ nhà ở công cộng, cung cấp nước sạch và nước nóng; củng cố hạ tầng nhà ở và phát triển hạ tầng xã hội; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ… với mục tiêu nâng cao đời sống người dân, đưa Kazakhstan nhóm 30 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2050.

Tuy nhiên, những nỗ lực đó của ông đến nay chưa được hiện thực hóa. Trong những năm 2015-2016, GDP của Kazakhstan sụt giảm mạnh so với những năm trước. Dù tìm lại đà tăng trưởng, song con số này vào năm 2018 cũng chỉ đạt 168 tỷ USD, bằng 2/3 con số 236 tỷ USD năm 2013.

Kazakhstan đối mặt một số nguy cơ an ninh vì tình hình khu vực biến động.

Trong một quyết định được xem là "cực chẳng đã", tháng 2-2019, ông Nazarbayev tuyên bố buộc phải giải tán chính phủ với lý do "dù đã thông qua nhiều quyết định và luật, song chính phủ vẫn không tạo ra những thay đổi tích cực trong nhiều lĩnh vực kinh tế".

"Tăng trưởng GDP chủ yếu đạt được nhờ nguyên liệu thô", ông Nazarbayev khi đó nói.

 "Nhưng chính phủ cùng với Ngân hàng Quốc gia lại chẳng thể quản lý để tạo ra đầy đủ các công cụ và ưu đãi thực sự cho sự tăng trưởng chất lượng cao của nền kinh tế".

Giới quan sát nhận định, quyết định từ chức của ông Nazarbayev là một quyết định mang tính bước ngoặt, theo đó mở ra giai đoạn mới mà chính ông Nazarbayev kì vọng rằng, những người kế nhiệm sẽ làm tốt hơn cho đất nước, trong đó có việc đưa quốc gia "Trái tim Á-Âu" này thoát khỏi khủng hoảng.

Theo Reuters, sau khi ông Nazarbayev từ chức, Chủ tịch Thượng viện Kazakhstan, ông Kassym-Jomart Tokayev, sẽ đảm nhiệm vị trí quyền Tổng thống đến cuộc bầu cử kế tiếp. Quyền Tổng thống Tokayev là một nhà ngoại giao được đào tạo ở Moscow. Ông thông thạo tiếng Kazakhstan, tiếng Nga, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.

Quyền Tổng thống Kazakhstan Tokayev. Ảnh: UNOG

Nhà lãnh đạo 65 tuổi trước đây từng giữ chức bộ trưởng ngoại giao và Thủ tướng Kazakhstan. Ông này từng giữ vị trí Tổng Giám đốc Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Geneva từ năm 2011-2013. Việc đảm nhiệm vai trò quyền Tổng thống Kazakhstan là cơ hội lớn để ông này tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri trước cuộc bầu cử tiếp theo.

Trước đó, trong tuyên bố từ chức phát đi trước 18 triệu cử tri, ông Nazarbayev nói rằng "đã đến lúc" để ông "ký sắc lệnh cần thiết" chấm dứt kỉ nguyên quyền lực của chính mình.

 "Là người sáng lập một nhà nước Kazashstan độc lập, nhiệm vụ trong tương lai của tôi là bảo đảm việc tiếp nhận quyền lực của một thế hệ lãnh đạo mới, những người sẽ tiếp tục thực hiện những cải cách hiện nay của đất nước", ông Nazarbayev nói.

Thiện Minh
.
.
.