Ấn Độ và Pakistan tiến sát nguy cơ chiến tranh hạt nhân: Vì đâu nên nỗi?

Thứ Ba, 05/03/2019, 09:47
Các vụ đụng độ chưa có hồi kết ở vùng biên giới Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan đã đẩy hai đối thủ sở hữu hạt nhân ở Nam Á đến gần bờ vực xung đột hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử.

Những tưởng tình hình giảm nhiệt khi Pakistan thả phi công Ấn Độ hôm 1-3, nhưng đến cuối ngày xung đột lại bùng phát và kéo sang ngày 2-3 ở khu vực tranh chấp Kashmir, nâng tổng số người thiệt mạng lên 8 người.

Islamabad ngày 3-3 tuyên bố nước này mất 2 binh sĩ vì vụ pháo kích từ phía Ấn Độ qua Đường kiểm soát (LoC) ở Kashmir. Trong khi đó, New Delhi nói rằng một người mẹ và 2 đứa trẻ đã qua đời vì trúng pháo Pakistan vào ngôi nhà của họ ở vùng Poonch.

Vùng Kashmir. Đồ họa: INT

Sáng nay (5-3), một máy bay không người lái (UAV) của Pakistan lại đã xâm phạm không phận Ấn Độ và bị lực lượng phòng không của New Delhi phát hiện. “Một tiêm kích đa năng Su-30MKI sau đó đã được triển khai và bắn hạ mục tiêu bằng tên lửa đối không”, nguồn tin quốc phòng Ấn Độ thông báo với hãng tin ANI.

Chảo lửa Kashmir cháy trở lại

Xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan trở thành tâm điểm chú ý của thế giới từ ngày 27-2, sau khi Ấn Độ và Pakistan lần lượt thông báo bắn hạ chiến đấu cơ của nhau trên không phận vùng Kashmir. 

Tuy nhiên, nguồn cơn dẫn đến đợt bùng nổ này xảy ra cách đó gần hai tuần, vào hôm 14-2, sau vụ khủng bố nhằm vào lực lượng bán quân sự của Ấn Độ ở Kashmir, khiến ít nhất 40 binh sĩ thiệt mạng.

Khi đó, nhóm thánh chiến hồi giáo Jaish-e-Mohammed (JEM) đã nhanh chóng lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ tấn công đẫm máu. Vụ khủng bố lần này do JEM đứng sau gây thiệt hại nhân mạng nghiêm trọng nhất cho Ấn Độ trong nhiều năm qua. New Delhi cho rằng cũng có cả bàn tay của Islamabad trong vụ việc trên và đe dọa trả đũa.

Hiện trường tan hoang vụ đánh bom hôm giữa tháng 2 do JEM tiến hành. Ảnh: INI

Vài ngày sau, Ấn Độ điều chiến đấu cơ cùng một số khí tài đến khu vực Kashmir để tấn công quân phiến loạn. Ngày 25-2, Pakistan loan báo một phi đội chiến đấu cơ JF-17 của nước này đã được điều tới chặn chiến đấu cơ Ấn Độ hoạt động gần không phận. Trung tướng không quân Pakistan Asif Ghafoor nói rằng máy bay Ấn Độ thậm chí đã khai hỏa vào một khu vực cách thủ đô Islamabad còn 100km.

Tới ngày 26-2, chiến đấu cơ Ấn Độ một lần nữa được xác nhận vượt qua ranh giới phân chia Kashmir, tiến vào khu vực do Pakistan kiểm soát để không kích. New Delhi nói rằng họ nhắm mục tiêu vào một trại huấn luyện của JEM gần thị trấn Balakot. Truyền thông Ấn Độ tuyên bố vụ không kích do 10 chiến đấu cơ Mirage 2000 tiến hành với sự hiệp đồng của máy bay cảnh báo sớm EMB-145 cùng các phương tiện hỗ trợ tối tân.

Tuy nhiên, tuyên bố trên không được Pakistan chấp nhận. Người phát ngôn quân đội Pakistan hôm 26-2 cảnh báo sẽ đáp trả Ấn Độ bằng “món quà bất ngờ”, đồng thời khẳng định hành động trả đũa sẽ được tiến hành trong khoảng thời gian và mục tiêu do chính nước này quyết định.

Đến ngày 27-2, lời đe dọa nói trên trở thành sự thật. New Delhi cáo buộc các máy bay chiến đấu F-16 của Pakistan đã tiến thẳng vào không phận Ấn Độ để tấn công vào quân đội của họ.

Mảnh vỡ được cho là của máy bay chiến đấu MiG-21. Ảnh: EPA

Trong vụ đụng độ này, Ấn Độ đã lệnh máy bay MiG-21 xuất kích đáp trả. New Delhi nói rằng họ đã bắn hạ một chiến đấu cơ của Pakistan. Trong khi đó, phía Islamabad tuyên bố bắn rơi hai chiếc MiG-21 của Ấn Độ, một chiếc ở phần Kashmir do Pakistan kiểm soát, một chiếc trong lãnh thổ Ấn Độ và bắt giữ một phi công.

Sau vài ngày tranh cãi, viên phi công được Pakistan trao trả lại phía Ấn Độ sáng 1-3. Michael Kugelman, chuyên gia về Nam Á tại Trung tâm Woodrow Wilson (Mỹ) nhận định bước đi này chỉ giống như một bước lùi ngắn giảm căng thẳng chứ chưa đủ để loại bỏ hoàn toàn khả năng xung đột vũ trang trong tương lai. “Vẫn bộc lộ ở đó những yếu tố trên thực địa mà cả hai nước này khó mà chấp nhận thay đổi”, chuyên gia Kugelman nói, theo CNBC.

Lịch sử 7 thập kỉ đối địch

Vụ đụng độ giữa Ấn Độ và Pakistan là rất nghiêm trọng, song có thể lý giải khi mà hai nước đã trải qua hơn 7 thập kỉ đối đầu căng thẳng. 

Năm 1947, Anh rút khỏi thuộc địa Ấn Độ, dẫn đến việc nơi này tách thành hai quốc gia: Ấn Độ - nơi có đa số dân theo đạo Hindu và Pakistan - nơi đa số người Hồi giáo sinh sống. Tuy nhiên, vùng biên giới mang tên Kashmir lại chưa thể phân định thuộc Ấn Độ hay Pakistan. 

Người lãnh đạo Kashmir khi đó là ông Maharaja Hari Singh vốn theo đạo Hindu, trong khi phần lớn dân số tại khu vực này là người Hồi giáo. Ông Maharaja Hari Singh quyết định Kashmir giữ vị trí trung lập, nhưng Pakistan lại muốn kiểm soát toàn bộ vùng lãnh thổ.

Một khẩu pháo của Ấn Độ trong cuộc chiến năm 1947. Ảnh: Sainik Samachar

Tháng 10-1947, lực lượng vũ trang Pakistan đã xâm nhập vào bang Jammu và Kashmir. Khiến ông Maharaja Hari Singh tìm đến Chính phủ Ấn Độ nhờ hỗ trợ. Đến năm 1949, Pakistan thất bại trên thực địa. Hai nước sau đó chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn kèm nội dung 65% diện tích Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, trong khi phần còn lại thuộc về Pakistan.

Đến năm 1971, một cuộc đụng độ quy mô lớn khác lại xảy ra giữa Ấn Độ và Pakistan, liên quan đến việc New Delhi ủng hộ lực lượng kháng chiến miền Đông Pakistan đòi độc lập khỏi Islamabad mà sau này trở thành nước Bangladesh. Cuộc chiến trên kéo dài 13 ngày, cướp đi sinh mệnh của khoảng 10.000 người.

Những thập niên sau đó, phong trào kháng chiến Hồi giáo chống lại Ấn Độ, gồm cả JEM, nổi lên ở Kashmir. Các nhóm này đòi ly khai khỏi New Delhi để thành lập quốc gia tự trị hoặc sáp nhập vào Pakistan. Islamabad nói họ hỗ trợ “vũ khí và ngoại giao” cho “phong trào”, nhưng phía Ấn Độ tố cáo quốc gia láng giềng đào tạo và cung cấp vũ khí cho quân phiến loạn.

Năm 1999, xung đột một lần nữa nổ ra sau khi Ấn Độ tiến hành không kích chống lại lực lượng phiến quân được Pakistan hậu thuẫn xâm nhập khu vực Kashmir dưới quyền quản lý của New Delhi, phía Bắc Kargil. Cuộc xung đột khiến khoảng 1.500 binh sĩ của hai nước thiệt mạng và hàng chục ngàn người khác phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Căng thẳng duy trì đến năm 2004 thì tạm hạ nhiệt với việc hai nước khởi động tiến trình hòa bình mà sau đó đã cải thiện quan hệ về ngoại giao, thể thao, thương mại, nhưng lại không đạt được tiến bộ trong vấn đề Kashmir.

Ngoại trưởng Pakistan Riaz Khokhar (phải) và Ngoại trưởng Ấn Độ Shashank bắt tay trước cuộc đàm phán năm 2004 ở New Delhi. Ảnh: EPA

Tiến trình hòa bình lâm vào bế tắc sau các vụ đánh bom nhằm vào Ấn Độ trong giai đoạn 2005-2008, khi New Delhi cho rằng Islamabad phải chịu phần nào trách nhiệm. Đỉnh điểm, tháng 7-2008, Ấn Độ cáo buộc Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) đứng sau vụ tấn công sứ quán Ấn Độ ở thủ đô Kabul của Afghanistan làm 58 người chết, khiến những nỗ lực ngoại giao trước đó đổ vỡ.

Trong thập niên này, phong trào đòi ly khai ở Kashmir liên tục được tăng cường. Các vụ tấn công vào quân đội Ấn Độ cũng xảy ra rải rác khiến hàng trăm binh sĩ thiệt mạng. New Delhi bảo lưu quan điểm cho rằng Islamabad đứng sau các vụ tấn công trên, trong khi chính quyền Pakistan nhất quyết bác bỏ cáo buộc.

Cơn ác mộng mang tên hạt nhân

Chính vì những xung đột dai dẳng trong quá khứ, nên bầu không khí thù địch giữa Ấn Độ và Pakistan hiện nay khiến cả thế giới lo ngại. Rõ ràng, việc hai nước cùng tuyên bố bắn hạ chiến đấu cơ của nhau cho thấy họ sẵn sàng “mạnh tay” để răn đe đối thủ. Điều này trở thành vấn đề đặc biệt nguy hiểm khi vụ đụng độ lần này xảy ra sau khi cả hai nước đều đã nghiên cứu và sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt mang tên hạt nhân.

Hiện tại, Pakistan khó có thể sánh kịp Ấn Độ xét về kho vũ khí quy ước, như máy bay chiến đấu, quân số, thiết giáp hay trực thăng. Ngân sách quân phòng của Ấn Độ năm 2018 lên đến 64 tỷ USD, còn của Pakistan chỉ vào khoảng 11 tỷ USD.

Ấn Độ năm 2018 hoàn thành "bộ ba hạt nhân" với việc đưa tàu ngầm INS Arihant vào hoạt động.

Tuy nhiên, hai bên lại có kho vũ khí hạt nhân tương đương. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Ấn Độ hiện sở hữu khoảng 130-140 đầu đạn hạt nhân, còn Pakistan cũng có tới 140-150 đầu đạn.

Nếu như Ấn Độ đã có đủ “bộ ba hạt nhân” với việc đưa tàu ngầm hạt nhân tự đóng INS Arihant vào trực chiến năm ngoái, thì Pakistan cũng kịp  phát triển tên lửa hành trình phóng từ biển và hiện sở hữu vũ khí hạt nhân tầm xa có thể vươn tới quần đảo Andamn của Ấn Độ.

Trước đó, Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế và Trung tâm Stimson (có trụ sở ở Mỹ) đánh giá Pakistan có khả năng chế tạo 20 quả bom/năm, đồng nghĩa quốc gia này có thể nhanh chóng trở thành cường quốc hạt nhân lớn thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ và Nga.

Về chính sách sử dụng hạt nhân, Ấn Độ tuân theo nguyên tắc không tấn công phủ đầu mà chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp cần một cuộc tấn công trả đũa mạnh đến mức đối thủ không thể đánh trả. Trong khi đó, Pakistan không nói gì về học thuyết của họ và có khả năng Islamabad không tuân theo nguyên tắc trên.

Tên lửa hạt nhân của Pakistan.

“Rõ ràng hai bên đều có khả năng gây tổn thương cho bên kia, điều đó có nghĩa là một cuộc xung đột hạt nhân ở Nam Á sẽ có hậu quả khủng khiếp”, Ankit Panda, chuyên gia từ Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ tại Washington DC nói, theo The Diplomat. “Họ có thể  sẽ nhắm mục tiêu vào các trung tâm đô thị trọng yếu của nhau”.

Cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh

Trước tình hình căng thẳng ở Nam Á leo thang, Nhà Trắng lên án cuộc xung đột và yêu cầu hai nước thực hiện ngay lập tức các biện pháp để giảm tình trạng leo thang xung đột. Phát biểu trước khi rời Việt Nam, ông Trump hôm 28-2 nói rằng Mỹ sẽ làm mọi thứ để Ấn Độ và Pakistan không rơi vào tình trạng chiến tranh.

Trong một bình luận sau đó, đại diện Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng về nguy cơ leo thang xung đột quân sự.

Tổng thống Trump tại cuộc họp báo trước khi rời Việt Nam. Ảnh: Thiện Minh

Về phần mình, Nga hôm 2-3 đã đề nghị đóng vai trò làm trung gian hòa giải giữa Ấn Độ và Pakistan. Moscow kêu gọi hai nước tăng cường nỗ lực giải quyết vấn đề bằng chính trị và ngoại giao. Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi thông báo Islamabad sẵn sàng chấp thuận lời đề nghị trên, nhưng chưa rõ quan điểm của New Delhi.

Hôm cuối tuần, Ngoại trưởng Arab Saudi Adel An Joubeir cũng đã tới cả Pakistan và sau đó là Ấn Độ nhằm tìm cách giảm thiểu căng thẳng, trong khi một phái đoàn Trung Quốc cũng dự kiến đến hai nước trên trong vài ngày tới.

Máy bay Su-30 của Ấn Độ. Ảnh: ITN

Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), tổ chức lớn nhất thế giới bao gồm các quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo, ngày 3-3, cũng đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Ấn Độ và Pakistan giảm leo thang căng thẳng và giải quyết các vấn đề song phương thông qua các biện pháp hòa bình.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, để căng thẳng thực sự hạ nhiệt, bên cạnh nỗ lực của cộng đồng quốc tế thì Ấn Độ và Pakistan cũng phải cho thấy các động thái thiện chí, nhất là việc kiềm chế các hoạt động có thể khiến tình hình thêm khó kiểm soát trên thực địa.

Thiện Minh (Tổng hợp)
.
.
.