Mùa lễ hội 2020 – Đến hẹn lại… lo

Thứ Sáu, 10/01/2020, 09:30
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân.

Đó là nhận định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi đánh giá 1 năm thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội. 

Tuy nhiên, với nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương có nhiều lễ hội quy mô lớn, thu hút đông đảo người tham gia thì việc tổ chức một cách an toàn mà vẫn đảm bảo đúng tinh thần lễ hội truyền thống vẫn luôn là nỗi lo lắng thường trực khi đón xuân về năm 2020.

Nhiều bài học đắt giá

“Chúng tôi không dám khẳng định việc quản lý, tổ chức lễ hội năm 2020 sẽ tốt đẹp mà chỉ có thể nói, chúng tôi sẽ nỗ lực, cố gắng để hoạt động này năm nay tiến bộ hơn năm trước...”, đó là chia sẻ của ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khi trao đổi với PV về mùa lễ hội năm 2020.

Cũng theo ông Tô Văn Động, riêng trên địa bàn Hà Nội, mỗi năm có trên 1.700 lễ hội. Trong đó, nhiều lễ hội tập trung lượng người rất lớn. Việc hàng ngàn, hàng vạn người cùng đổ về một địa điểm sẽ khiến công tác tổ chức, quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm... đều rất phức tạp.

Trai làng tập trung phản đối ban tổ chức dừng trò cướp Phết tại Hội Phết Hiền Quan là một trong những hình ảnh không đẹp mùa lễ hội năm 2019.

Năm nào cũng thế, công tác quản lý, tổ chức lễ hội đã được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với các địa phương, triển khai từ nửa cuối năm. Vài năm gần đây, việc quản lý được phân cấp và giao trách nhiệm rõ ràng. Nếu là an ninh trật tự, giao thông, phòng chữa cháy thì lực lượng Công an chịu trách nhiệm. An toàn vệ sinh thực phẩm là bên y tế... Nhưng, không ai dám chắc chắn là sẽ không xảy ra sự cố hay phát sinh gì.

Một trong những bài học đắt giá của Hà Nội là mùa lễ hội năm 2017. Mặc dù công tác chuẩn bị đã rất kỹ nhưng đúng thời gian cao điểm của lễ hội Chùa Hương thì xảy ra sự cố sư thầy ở đây ném lộc cho du khách, tạo hình ảnh phản cảm, gây bức xúc dư luận. 

Các hoạt động rải tiền, ném tiền khi đi lễ vẫn là thói quen của số đông, dù rằng, năm nào, các địa phương, cơ quan thông tin đại chúng đều đã liên tục tuyên truyền. Mùa lễ hội năm 2019, Hội Phết Hiền Quan, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã “vỡ trận”, cho dù trước đó, ban tổ chức đã có cả Đề án đổi mới tổ chức để làm sao vừa đảm bảo đúng với nghi lễ truyền thống vừa đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội. Lễ hội Xuân Yên Tử cũng tương tự. 

Tình huống người đi lễ “rỉ tai” nhau lấy tiền xoa lên tường chùa Đồng cầu may – ngôi chùa nổi tiếng trên đỉnh núi là một trong những hình ảnh xấu xí nhất của mùa lễ hội năm 2019. Ban tổ chức sau đó khẳng định phải cắt người canh chừng, nhắc nhở du khách tại chỗ. Báo chí lên tiếng. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn không ngăn chặn triệt để được, chỉ vì người canh chừng lơ là một chút là khách lại lén lấy tiền xoa lên tường chùa cầu may…

Nỗ lực để có những chuyển biến tích cực

Thực tế không thể phủ nhận, sau nhiều nỗ lực và cố gắng, công tác quản lý và tổ chức lễ hội những năm gần đây, về cơ bản, đều có có những chuyển biến tích cực. Như nhận định của chính Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là các tồn tại, hạn chế cần khắc phục tại một số lễ hội của các năm trước đã được khắc phục kịp thời. 

Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra những hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội. Công tác quy hoạch khu vực dịch vụ bán hàng hóa ở một số lễ hội chưa được sắp xếp khoa học, còn lấn chiếm cảnh quan, khuôn viên di tích gây ảnh hưởng đến cảnh quan và sự tôn nghiêm của di tích; việc quản lý hàng hóa, dịch vụ, niêm yết giá, đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch giá, tăng giá trông giữ xe, bán hàng rong, ăn xin, xóc thẻ, cờ bạc trá hình, cúng thuê ở một số lễ hội vẫn còn xảy ra, như: Di tích Động Thác Bờ (Hòa Bình), Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, huyện Bảo Lộc (Nam Định)... 

Công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích, lễ hội chưa được xử lý kịp thời.  Một số di tích, lễ hội vẫn còn hiện tượng thắp hương trong nội tự, đốt vàng mã nhiều, không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. 

Ở một số lễ hội, nội dung tổ chức còn sơ sài, chưa chú trọng đến việc khai thác, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của lễ hội. 

Cơ sở vật chất, hạ tầng cơ sở ở một số di tích, lễ hội chưa đáp ứng được nhu cầu tham gia lễ hội ngày càng đông của nhân dân và du khách. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh tại di tích, lễ hội ở một số địa phương chưa đạt hiệu quả.

Đề giải quyết các hạn chế này, theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bà Trịnh Thị Thủy, ngoài việc tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản của Đảng và Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, cần phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp quản lý nhà nước đối với sở, ban, ngành trong công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn. 

Hoạt động tuyên truyền phải tiếp tục đẩy mạnh, nhất là vai trò truyền thông của các cơ quan báo chí trong việc giới thiệu nguồn gốc, nhận diện giá trị của lễ hội, di tích; giới thiệu, định hướng những hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia lễ hội. 

Cần thực hiện công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đối với lễ hội truyền thống tiêu biểu để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, xây dựng các giải pháp khắc phục hiện tượng lợi dụng tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, lợi ích nhóm và thương mại hóa lễ hội. 

Ban Quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đều phải được tăng cường trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội…

N.Nguyễn
.
.
.