IPU kêu gọi hành động vì bình đẳng giới

Thứ Hai, 30/03/2015, 21:33
Trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132, hôm nay (30/3) đã diễn ra lễ kỷ niệm 30 năm thành lập cơ chế hội nghị nữ nghị sỹ IPU và 20 năm thực hiện tuyên bố và cương lĩnh hành động Bắc Kinh.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch IPU 132, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị Liên minh nghị viện thế giới cam kết và hành động mạnh mẽ hơn nữa để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong nghị viện, đồng thời thúc đẩy lồng ghép vấn đề giới trong chương trình nghị sự của nghị viện.

Hội nghị nữ nghị sỹ IPU là một cơ chế góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và quan hệ đối tác giữa nam và nữ nghị sỹ trong Liên minh nghị viện và trong nghị viện các thành viên. Qua 30 năm hình thành và phát triển, Hội nghị nữ nghị sỹ đã chứng kiến sự tham gia ngày càng đông của nữ nghị sỹ tại Đại hội đồng, từ khoảng 10% nữ nghị sỹ trong những năm đầu, lên đến hơn 30% nữ nghị sỹ trong các kỳ họp gần đây, các vấn đề giới được đưa vào chương trình nghị sỹ nhiều hơn, thường xuyên hơn.

Các nữ nghị sĩ đã bàn thảo về bình đẳng giới trong Hội nghị nữ nghị sĩ.

Tuy nhiên, nước chủ nhà IPU 132 Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại là hiện tỷ lệ phụ nữ tham gia vào quá trình ra quyết định vẫn thấp. Trên thế giới vẫn còn 140 triệu phụ nữ không được tiếp cận với các cơ sở kế hoạch hóa gia đình hiện đại. Tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV tăng dần từ năm 2001; năm 2012, 52% số người nhiễm HIV là phụ nữ tại các nước thu nhập thấp và trung bình…

Để khắc phục được những thực tế này, Việt Nam đã nhấn mạnh tới chủ đề của IPU 132 "Các mục tiêu phát triển bền vững: biến lời nói thành hành động”. Chủ tịch Ủy ban điều phối Hội nghị nữ nghị sỹ Margaret Williams thì trình bày “Lời kêu gọi hành động về quyền phụ nữ và bình đẳng giới” và phát đi lời kêu gọi hành động các nữ nghị sỹ trên toàn cầu cùng chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho phụ nữ và các bé gái.

Trong lời kêu gọi này, các nghị sỹ IPU được đề nghị cam kết sẽ ban hành các điều luật nhằm đảm bảo sự bình đẳng trong xã hội, cũng như sẽ tiến hành cải cách chính trị để gia tăng cơ hội giúp cho phụ nữ có thể trở thành những nhà lãnh đạo và những người ra quyết định trong cả khu vực công lẫn khu vực tư.

S.Thương
.
.
.