Đưa cây mắc ca trở thành cây công nghiệp chiến lược mới

Thứ Bảy, 07/02/2015, 15:01
Ngày 7/2, tại TP. Đà Lạt, Lâm Đồng, Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo chiến lược phát triển cây mắc ca tại vùng Tây Nguyên.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT; Bộ KHCN; lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cùng các chuyên gia kinh tế, chuyên gia nông nghiệp, các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì tại Hội thảo.

Cây mắc ca (có tên khoa học là Maccadamia) là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, hạt cây mắc ca có giá trị dinh dưỡng và được mệnh danh là “Hoàng hậu của quả khô”. Quả mắc ca được sử dụng làm nguyên liệu để chế tạo các loại sản phẩm mỹ phẩm cao cấp như chăm sóc da, dầu ăn và làm phụ gia chế biến các món ăn như bánh, kem, mứt… Ngoài ra, vỏ hạt mắc ca có thể được nghiền làm nhiên liệu, làm thức ăn cho gia súc hoặc làm vật liệu hữu cơ.

  
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng các đại biểu tại Hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu làm rõ vai trò, vị trí, ứng dụng công nghệ vào việc phát triển mắc ca; cũng như về sản phẩm mắc ca trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế, vai trò của hiệp hội mắc ca Việt Nam…

Phát biểu tại hội thảo, Đại tướng Trần Đại Quang đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu về chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên. Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh, Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về KT-XH, quốc phòng và an ninh của cả nước… Sau gần 30 năm đổi mới, kinh tế - xã hội Tây Nguyên đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống của đồng bào các dân tộc có bước cải thiện rõ rệt, quốc phòng an ninh được đảm bảo…

Tuy nhiên, để phát triển Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững về chính trị, phát triển nhanh về văn hóa – xã hội, mạnh về quốc phòng an ninh, tiến tới xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế động lực, cần quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của TW Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên, nhất là Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên. Trong đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu có tính chiến lược cả trước mắt và lâu dài đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.

Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định các dự án trồng cây mắc ca có quy mô từ 50ha trở lên được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha. Các tỉnh Tây Nguyên đang thực hiện đề án tái cơ cấu, nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững cây mắc ca.

Sau 10 năm nghiên cứu thử nghiệm trồng cây mắc ca cho thấy vùng Tây Nguyên và Tây Bắc có điều kiện sinh thái phù hợp để cây mắc ca sinh trưởng, cho năng suất cao. Đặc biệt, loại cây này có thể trồng xen canh với cà phê, chè để làm cây che bóng, chắn gió và có thể trồng làm cây bờ rào, trồng tập trung thành rừng công nghiệp, cho sản phẩm có giá trị kinh tế cao phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Với cơ sở khoa học thực tiễn trồng thử nghiệm, nhu cầu trong và ngoài nước, chúng ta đi đến thống nhất về định hướng đưa cây mắc ca trở thành cây công nghiệp chiến lược mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Với sự quan tâm, vào cuộc của Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và sự quan tâm của các bộ, ban, ngành, địa phương… Hy vọng rằng dự án phát triển cây mắc ca sẽ tạo sự thay đổi mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.

Bộ trưởng Trần Đại Quang đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp chặt chẽ cùng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên… xây dựng chương trình, kế hoạch để phát triển, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây mắc ca trở thành cây công nghiệp chủ lực mới.

Các cơ quan báo chí tuyên truyền kịp thời, có hiệu quả, tích cực đóng vai trò cầu nối trong việc hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, phổ biến cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển cho các hộ dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển vào cây mắc ca. Để phát triển cây mắc ca cùng cà phê, hồ tiêu, cao su, chè… tạo thành một cơ cấu cây trồng nguyên liệu cho phát triển công nghiệp hướng tới xuất khẩu cho Tây Nguyên và cả nước, đảm bảo hiệu quả, thiết thực góp phần vào việc nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

Chiều 7/2, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đã giành thời gian đến thăm, tặng quà, chúc Tết và nói chuyện với CBCS Công an tỉnh Lâm Đồng.

Sau khi nghe Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng báo cáo tóm tắt tình hình công tác của Công an Lâm Đồng đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Trần Đại Quang biểu dương những thành tích Công an Lâm Đồng đạt được, đồng thời lưu ý Công an Lâm Đồng cần tập trung làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động thực hiện tốt các biện pháp công tác Công an, nhằm đảm bảo giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn để giúp nhân dân đón Tết an lành.
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thăm Công an tỉnh Lâm Đồng.
Bộ trưởng Trần Đại Quang căn dặn Công an Lâm Đồng trong thời gian tới cần chủ động nắm chắc mọi tình hình, làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các loại tội phạm, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững trên địa bàn. Đẩy mạnh thực hiện tốt công tác xây dựng lực lượng CAND ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng mọi nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trao quà Tết cho Công an tỉnh Lâm Đồng.
Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam nhấn mạnh: Phát triển cây mắc ca trên Tây Nguyên như một cuộc cách mạng về phát triển cây công nghiệp để xóa đói giảm nghèo. Mỗi hộ gia đình ở Tây Nguyên chỉ cầy trồng 50 cây mắc ca, khi thu hoạch sẽ xóa được đói nghèo.

N.Như - V.Thành
.
.
.