Phiên họp thứ 38 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII:

Dự báo sai chưa có ai chịu trách nhiệm

Thứ Năm, 14/05/2015, 10:55
Tạo cơ chế thế nào để thu hút đầu tư, hiện đại hoá ngành Khí tượng thuỷ văn, đáp ứng yêu cầu phát triển, khi Việt Nam nằm trong khu vực thời tiết rất phức tạp, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của các hiện tượng thiên nhiên bất lợi, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và sự quản lý Nhà nước.

Thêm vào đó, trách nhiệm sẽ được quy ra sao khi dự báo thời tiết sai, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân cũng được Thường vụ Quốc hội đặt ra khi thảo luận về dự án Luật Khí tượng thuỷ văn, dự kiến được đưa ra Quốc hội thảo luận trong Kỳ họp thứ 9 này.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển ngành Khí tượng thủy văn (KTTV), văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động KTTV đến thời điểm hiện tại là Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình KTTV, ban hành từ năm 1994. Ngoài ra, các quy định cũng nằm rải rác ở văn bản của một số ngành, lĩnh vực có liên quan như: phòng, chống thiên tai, quản lý tài nguyên nước, giao thông vận tải, xây dựng, thủy điện...

Qua tổng kết, đánh giá việc thi hành pháp luật về khí tượng thủy văn giai đoạn 1994 - 2014 cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật hiện tại nhiều nhưng chưa đầy đủ và không có hệ thống nên không bao quát được các hoạt động, một số quy định trong pháp lệnh  hiện không còn phù hợp, cần thiết phải nâng lên thành luật. Việc Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa có chế độ khí hậu, thủy văn rất phức tạp và đa dạng, phải đối mặt với nhiều loại thiên tai cũng khiến việc nhanh chóng nâng cao chất lượng hoạt động này càng nâng cao. 

Một điểm nổi bật của Dự thảo luật lần này là việc đưa cơ chế để xã hội hoá đầu tư trong lĩnh vực khí tượng, thuỷ văn.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc, Bộ đã mạnh dạn đưa nội dung này vào luật do lĩnh vực này cần sự đầu tư rất lớn, trong suốt nhiều năm Nhà nước đã đảm trách, đầu tư rất nhiều nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu. Quan điểm là Nhà nước khuyến khích đầu tư, tuy nhiên vẫn quản lý dữ liệu thông tin từ các trạm quan trắc báo về và phát bản tin ra. Bên cạnh đó sẽ có cơ chế để DN có thể bán thông tin cho Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác. 

Nhiều bản tin dự báo thời tiết sai gây thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về việc sau khi thông qua luật có cải thiện được chất lượng công tác khí tượng, thuỷ văn, chất lượng dự báo thời tiết không hay vẫn “tằng tằng” (mà dân dã gọi là “Gia Cát Dự”) như trước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng “tin rằng khi luật được ban hành, 5-10 năm nữa sẽ có những chuyển biến rất tích cực”. “Đặc biệt là xã hội hoá sẽ huy động được nguồn lực của các DN, các thông tin KTTV trở thành các tài sản rất quý giá, có thể hiện đại hoá trạm quan trắc thì công tác dự báo sẽ tốt hơn. KTTV các nước đã đạt đến trình độ vô cùng cao, không cần nhiều người như mình, mỗi huyện 1 trạm, mỗi trạm 3 - 5 người, cứ 30 phút lại ra đo, anh chị em làm suốt đêm. Nếu đi theo hướng mới thế này, 5 - 10 năm nữa ta cũng tiến đến gần với các nước khác, tự động hoá”.

Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cũng cho rằng: Chất lượng dự báo phụ thuộc vào hành lang pháp lý, con người và thiết bị. Khi có luật thì hành lang pháp lý cụ thể hơn, con người nằm trong khuôn khổ pháp luật có ý thức hơn, trình độ sẽ tăng hơn, và quan trọng hơn là các trang thiết bị, mạng lưới tăng dầy lên, chất lượng dự báo sẽ tăng, vì hiện mạng lưới của ta cực kỳ thưa, chỉ có hơn 500 trạm trên hơn 300 nghìn km².

Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa tỏ ra thận trọng, cho rằng phải tính đến tính khả thi của một số nội dung trong luật, đặc biệt là vấn đề xã hội hoá, bởi hiện còn có cả “vũ khí thời tiết”. “Con người là vấn đề cốt yếu. Cách đây vài năm chúng ta có trận dự báo đưa hàng trăm tàu thuyền của người dân vào trúng vùng xoáy của cơn bão. Báo cáo các đồng chí cũng nói trình bộ cán bộ làm công tác KTTV nói chung còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhưng lại chưa có chính sách gì về con người trong luật. Phải xác định rõ được trách nhiệm của các lực lượng tham gia. Bây giờ Nhà nước đang làm còn chưa xác định rõ được trách nhiệm nếu thông tin, dự báo sai, nếu xã hội hoá mà không xác định trách nhiệm còn nguy hiểm nữa. Hiện đại hoá phương tiện, hạ tầng mà con người không biết sử dụng thì không bao giờ dự báo chính xác được”.

Cũng băn khoăn về tính chính xác của các bản tin dự báo, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đặt vấn đề ai sẽ chịu trách nhiệm khi bản tin dự báo sai, gây thiệt hại cả về tài sản và lòng tin của người dân. “Dự báo sai ta đã có rồi chứ không phải không có. Dự báo bão mai vào nhưng tối vào mất rồi, dự báo bão mạnh nhưng lại nhẹ. Tôi chưa nói đến thiệt hại, mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của người dân. Chính quyền đến thuyết phục dân di dời hàng chục nghìn người, mà bão không vào, lần sau bảo người ta đi rất khó. Vậy dự báo sai đó ai chịu? Đề nghị các đồng chí trong luật phải nói cho rõ”. 

Dẫn chứng đập An Khê (Gia Lai) khiến hạ lưu thiếu nước, dân kêu suốt 5, 6 năm nay, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước yêu cầu cần xác định rõ trách nhiệm. “Khi làm đập, chúng tôi đã đề nghị Bộ NN&PTNT lên khảo sát xem nếu ngăn đập thì có đảm bảo lượng nước tự nhiên không, các ông bảo đủ cả, giờ thì thiếu nước, dân kêu quá trời quá đất, trách nhiệm đó thuộc về ai? Đầu tư hàng nghìn tỷ rồi, đập cái đập ra cũng không được. Chúng ta có rất nhiều bài học do không tôn trọng quy luật của tự nhiên, nhưng ai chịu trách nhiệm thì chưa quy được”.

Vũ Hân
.
.
.