Nữ Giáo sư Katalin Kariko, người đoạt giải thưởng VinFuture:

“Đối với nhà khoa học thất bại là những cái mình cần phải có”

Thứ Sáu, 21/01/2022, 10:11

Tối 21/1, tại Việt Nam, với công trình công nghệ vaccine mRNA, cứu sống hàng triệu người trong đại dịch COVID-19, 3 nhà khoa học đã trở thành chủ nhân giải thưởng VinFuture Grand Prize trị giá 3 triệu USD, gần gấp 3 giải Nobel.

Ngay sau lễ trao giải, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với nữ Giáo sư Katalin Kariko, một trong ba nhà khoa học được vinh danh.

Phóng viên (PN): Bà có thể chia sẻ cảm xúc đầu tiên của mình khi được vinh danh tại giải thưởng VinFuture  do người Việt khởi xướng?

Bà Kariko: Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được nhận giải thưởng này. Còn hơn sự hạnh phúc là sự ngạc nhiên. Tôi ngạc nhiên đến nỗi quên hẳn định phát biểu gì (cười). Tôi rất hạnh phúc khi được đến với Việt Nam, nơi tôi đã được nghe nhiều về phong cảnh đẹp. Đồng thời ở Việt Nam tôi có một người bạn học với tôi trước đây, người bạn đấy từng đến nhà tôi ăn ở trong thời gian học. Sau vài chục năm được gặp người bạn ấy tại Việt Nam, đó là điều không tưởng và hạnh phúc. Khi tôi nhận giải thưởng này, tôi nghĩ ngay đến gia đình mình, những người sát cánh với tôi trong quá trình nghiên cứu khoa học.

Giáo sư Katalin Kariko: “Đối với nhà khoa học thất bại là những cái mình cần phải có” -0
Chân dung Giáo sư  Katalin Kariko.

Pv: Xin bà cho biết một số khó khăn bà từng gặp phải khi nghiên cứu công trình này?

Bà Kariko: Trong quá trình hoàn thành nghiên cứu của mình, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vì đã làm nghiên cứu khoa học thì sẽ gặp phải nhiều lần thất bại. Trong những lần đấy, tôi cũng đã gặp nhiều ý kiến phản đối, thậm chí bị phê bình bởi những người cấp cao hơn. Tuy nhiên, tôi luôn nhìn vào những gì mình đang làm và tin tưởng bản thân mình có thể làm được, để vượt qua, khắc phục nó. Tôi luôn tin rằng, đối với nhà khoa học thì thất bại là những cái mình cần phải có.

Pv: Nghiên cứu khoa học không phải là một việc dễ dàng. Với nhà khoa học nữ điều này lại càng khó khăn hơn. Bà có lời khuyên nào với các nhà khoa học nữ đang dấn thân vào con đường đầy gian khó này?

Bà Kariko: Là nhà khoa học nữ, tôi rất muốn trở thành một hình mẫu với các nhà khoa học khác. Thế nhưng, điều này không đơn giản. Nhà khoa học nữ muốn dấn thân vào con đường nghiên cứu thì hãy tìm cho mình một người chồng thật là tốt, luôn tin tưởng, ủng hộ bạn vô điều kiện. Người chồng biết cảm thông với vợ, không đòi hỏi người vợ phải nấu ăn vào mỗi cuối tuần, mà phải biết người vợ đó còn phải quay lại phòng thí nghiệm để làm một người phụ nữ thành công. Các bạn hãy nói với các nhà khoa học nữ rằng, đừng bao giờ trở nên sợ hãi mà phải tin vào bản thân mình. Đừng bao giờ nghĩ mình là trợ lý, mà phải nghĩ mình là một người lãnh đạo, người có khả năng.

Pv: Bà cảm nhận thế nào về nền khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay?

Bà Kariko: Tôi không quá hiểu về nền khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay. Nhưng tôi biết trên thế giới có rất nhiều nhà khoa học là người Việt Nam nổi tiếng. Đó là những người rất cần cù và siêng năng. Từ những người này tôi nghĩ rằng, nền khoa học công nghệ ở Việt Nam cũng phát triển tương tự như vậy.

Pv: Trong quá trình nghiên cứu khoa học, từng gặp phải rất nhiều khó khăn. Đã bao giờ bà có ý định rời khỏi niềm đam mê này?

Bà Kariko: Chưa, tôi chưa từng bao giờ có ý định từ bỏ nghiên cứu khoa học. Vì thông qua quá trình làm việc tôi nhận thấy có sự tiến bộ, những thứ mới lạ mà tôi khám phá được. Tôi tin vào điều đó nên luôn cố gắng và không có ý định từ bỏ.

Giáo sư Katalin Kariko: “Đối với nhà khoa học thất bại là những cái mình cần phải có” -0
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính trao giải thưởng VinFuture cho 3 nhà khoa học đạt giải 3 triệu đô. 

Pv: Với giải thưởng này, bà đã biết đến nhiều hơn về Việt Nam. Trong thời gian tới nếu có cơ hội bà có hỗ trợ nền khoa học công nghệ ở Việt Nam?

Bà Kariko: Ồ tất nhiên rồi. Tôi là người Hungari và tôi từng đến Mỹ, Đức cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới để làm việc, đồng thời đã có nhiều đóng góp cho các quốc gia đấy. Tôi muốn, khi tôi nghiên cứu ra một công trình nào đó, thì nó sẽ giúp ích nhiều người, trong đó có cả Việt Nam. Tôi có lời khuyên với các bạn làm khoa học, bạn đừng nghĩ bạn đang làm cho ông chủ của mình, hay vì một mục đích riêng nào đó, mà hãy nghĩ rằng điều đó sẽ giúp ích cho cả cộng đồng. Như vậy bạn sẽ không bao giờ cảm thấy thất vọng, hay hối tiếc về việc mình làm.

Pv: Bà từng chia sẻ với báo chí ở Hungari rằng, hồi bà còn bé, mẹ bà hay xem chương trình trao giải Nobel và hay nói với bà rằng, lớn lên con sẽ có giải Nobel. Lúc đấy bà nói với mẹ rằng, không có chuyện đấy đâu. Đến giờ, với những kết quả đã đạt được, và nghĩ về giấc mơ của mẹ mình ngày đấy, bà có cảm giác như thế nào?

Bà Kariko: Khi mẹ tôi nói một ngày nào đó con sẽ đạt được giải Nobel khoa học, nhưng tôi luôn nói lại rằng: "Không, không đâu mẹ ơi”.  Mẹ tôi lại nói, con đã làm việc rất vất vả và chăm chỉ. Tôi lại đáp: “Thực ra nhà khoa học nào cũng làm việc vất và và chăm chỉ mà”. Lúc đó, tôi chưa dám tin về những giải thưởng. Nhưng giờ nghĩ lại, tôi thấy rất cảm ơn mẹ và những lời động viên đầy tin tưởng đó đã đưa tôi tới những giải thưởng như ngày hôm nay.

Pv: Nhìn từ cách dạy của mẹ, sự thành công của bà, rồi giờ đến con gái bà. Bà có thể bật mí một chút về cách dạy con của nhà khoa học để khích lệ con tới thành công?

Bà Kariko: Tôi luôn dặn con mình rằng, hãy làm điều con muốn làm. Con tôi học xong và trở thành vận động viên chèo thuyền Quốc gia theo đúng đam mê của bạn ấy. Từ khi còn nhỏ, bạn ấy thường xuyên ra ngoài chơi và trở về nhà với lỗ hổng lớn trên quần, song tôi luôn khích lệ vì thấy con vui, con làm được điều mà mình thích. Như các bạn làm phóng viên, các bạn phải yêu việc của mình thì mới có thể làm được. Hãy luôn luôn hướng con cái của mình làm những điều mà chúng thấy thích, thấy thú vị, cho dù ngành nghề đó là gì đi chẳng nữa. Các bạn đừng nghĩ đến việc bắt con cái mình cần phải hoàn hảo.

PV: Xin cảm ơn bà rất nhiều!

Phạm Huyền
.
.
.