Đề nghị không giao quyền khởi tố, điều tra cho kiểm ngư, thuế, chứng khoán

Thứ Tư, 03/06/2015, 08:11
Chiều 2/6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Tạm giam tạm giữ và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Cả hai dự án luật này đều được các đại biểu đánh giá cao, cơ bản đồng tình với nhiều điều khoản. 

Ghi nhận sự chuẩn bị tích cực của cơ quan soạn thảo

Góp ý về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (ĐTHS), đại biểu Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) cho rằng đây là một lĩnh vực rất quan trọng, là công cụ của Đảng, Nhà nước nói chung và nhất là hệ thống các cơ quan tư pháp để đấu tranh phòng chống tội phạm. Tổ chức các cơ quan ĐTHS có tốt hay không ảnh hưởng rất lớn lên chất lượng điều tra các vụ án. “Dự thảo đã thể hiện được nhiều tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Tôi tán thành rất cao” – đại biểu bày tỏ.

Về đề nghị bổ sung quy định cơ quan kiểm ngư, thuế, chứng khoán được thực hiện một số hoạt động điều tra, đại biểu cho rằng không nên bởi hướng là tiếp tục thu gọn đầu mối, nâng cao năng lực của cơ quan điều tra chuyên trách.

Lý do các cơ quan như kiểm lâm, hải quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra hiện nay chủ yếu do đặc thù vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, điều kiện đi lại khó khăn mà CQĐT chuyên trách chưa có điều kiện phủ kín, nên có tính hợp lý. Còn thuế và chứng khoán làm việc chủ yếu ở trụ sở, thông qua giấy tờ tài liệu, khi phát hiện dấu hiệu tội phạm có thể chuyển ngay cho CQĐT chuyên trách nên không nhất thiết phải giao thẩm quyền. Kiểm ngư tuy chuyên biệt nhưng địa bàn đã có Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng, nên đề nghị không mở rộng thêm.

Bộ trưởng Trần Đại Quang, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình và các đại biểu. Ảnh: Quỳnh Vinh.

Quan điểm này nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu, trong đó có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng trước đây giao thẩm quyền điều tra cho kiểm lâm, hải quan, cảnh sát biển vì không có cơ quan điều tra chuyên trách ở đó, để đảm bảo thu hồi chứng cứ ban đầu, tránh mất mát. Bây giờ cơ quan thuế, Uỷ ban Chứng khoán… lập luận là chuyên môn sâu, nghiệp vụ khó, cần có thẩm quyền điều tra thì lĩnh vực khác cũng đặt vấn đề tương tự, có tính chuyên sâu, phức tạp thì có giao quyền điều tra ban đầu không ta chưa giải thích được. Về tổ chức cơ quan điều tra chuyên môn về buôn lậu, tham nhũng, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đồng ý với phương án tách riêng buôn lậu, bởi hiện số lượng tội phạm buôn lậu chiếm tỷ lệ khá lớn trong các án kinh tế.

Về bổ sung cơ quan Công an được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, đại biểu nhất trí bổ sung lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao bởi hiện tội phạm dạng này du nhập vào nước ta đã gây ra rất nhiều hệ quả xấu. Cần phải có lực lượng chuyên trách điều tra lĩnh vực này. Bên cạnh đó, đại biểu cũng ủng hộ lực lượng Cảnh sát chuyên trách chống buôn lậu để đáp ứng tình hình mới.

Điều tra là hoạt động đòi hỏi chuyên môn sâu

Thảo luận tại tổ về 2 dự án luật do Bộ Công an soạn thảo là Luật Tạm giam, tạm giữ và Luật Tổ chức cơ quan ĐTHS, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an khẳng định sự cần thiết phải nâng Pháp lệnh điều tra Hình sự thành Luật Tổ chức cơ quan ĐTHS.

Thứ trưởng Thường trực Đặng Văn Hiếu cho rằng, không nên bổ sung quy định kiểm ngư, thuế, chứng khoán… là cơ quan có thẩm quyền điều tra, vì Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp và Kết luận số 92/2014 của Bộ Chính trị đã yêu cầu giữ nguyên số cơ quan điều tra và sắp xếp, tinh gọn đầu mối lại, nâng cao chất lượng cơ quan điều tra. Hơn nữa, các hoạt động thuế, chứng  khoán đều có các cơ quan điều tra chuyên trách ở gần cả, nếu cần điều tra, ghi lời khai thì báo cho cơ quan điều tra thực hiện. Kiểm ngư cũng không nên giao. Thứ trưởng Thường trực Đặng Văn Hiếu cho rằng, thực hiện điều tra phải có bài bản, kiến thức, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra, nếu cứ cho khởi tố thì phức tạp, vi phạm quyền dân chủ…

Về quy định điều tra ngoài nhiệm vụ, quyền hạn, trong quá trình điều tra nếu phát hiện tội mới có được khởi tố hay chuyển cơ quan chuyên môn, Thứ trưởng Thường trực Đặng Văn Hiếu cho rằng nên giao quyền khởi tố, không cần tách vụ án để không kéo dài thời gian điều tra, làm khó cho cơ quan điều tra. Về nội dung phối hợp giữa cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát, dự thảo quy định nếu cơ quan điều tra có cơ sở cho rằng kết luận của Viện Kiểm sát có ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều tra vụ án thì có thể tạm thời không thực hiện và báo cáo Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp, đồng thời thông báo với Viện Kiểm sát cùng cấp.

Về ý kiến đề nghị thành lập tổng cục các cơ quan điều tra trực thuộc Chính phủ xử lý, Thứ trưởng Thường trực Đặng Văn Hiếu cho rằng làm thế đảm bảo yêu cầu thống nhất nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng không nên, vì về luật cũng không đúng, vì đó là cơ quan chuyên môn. Tuy vậy, “cũng nên tính đến có cơ quan quản lý thống nhất về cơ quan ĐTHS chứ mạnh cơ quan nào cơ quan đó hướng dẫn thì dễ đi đến cùng một việc thôi nhưng kết quả điều tra của Công an khác, của Viện Kiểm sát khác, của Quân đội khác. Cần có một chương riêng quy định trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ và của các tỉnh” – Thứ trưởng Thường trực Đặng Văn Hiếu nêu ý kiến.

Riêng việc qui định về điều tra viên theo hướng phải tốt nghiệp Đại học An ninh hoặc Cảnh sát, làm trong cơ quan pháp luật 4 năm và có chứng chỉ về điều tra, Thứ trưởng Thường trực Đặng Văn Hiếu cho rằng điều tra viên sơ và trung cấp khó đảm bảo yêu cầu này. Có những người làm công tác điều tra nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm nhưng lại chưa học nghiệp vụ, nếu cứ chẻ điều kiện này để bổ nhiệm điều tra viên thì lực lượng này sẽ rất khó khăn vì hiện nay đang thiếu điều tra viên.

Góp ý về dự án Luật Tạm giam, tạm giữ, Thứ trưởng Thường trực Đặng Văn Hiếu cho rằng nên gọi là Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ cho đúng nội hàm của luật. Về vấn đề khởi kiện trong tạm giam, tạm giữ, đại biểu cho rằng hiện Viện Kiểm sát là người đứng ra giải quyết các khiếu nại trong thực hiện tạm giam, tạm giữ, nhưng thực tế có những trường hợp Viện Kiểm sát đã giải quyết nhưng người bị tạm giam, tạm giữ không đồng tình. Vậy nên quy định quyền khởi kiện, đảm bảo quyền của người bị tạm giam, tạm giữ, bởi theo pháp luật họ vẫn chưa phải là tội phạm (cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp lý), nên họ vẫn có quyền nhất định như quyền được đảm bảo tôn trọng tính mạng, tài sản, tư trang… quyền được tự bào chữa, thăm thân... 

Vũ Hân - Quỳnh Vinh
.
.
.