Dành 3 tháng để lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Thứ Ba, 06/01/2015, 08:31
Thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 5/1/2015 và kết thúc vào ngày 5/4/2015.

Chiều 5/1, Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức lễ công bố kế hoạch của Chính phủ về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân dự (sửa đổi).

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo buổi lễ. Tham dự còn có đại diện các bộ, ban, ngành có liên quan.  

Tại buổi lễ, đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ đã công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 5/1/2015 và kết thúc vào ngày 5/4/2015. Sau thời hạn trên, tổ chức, cá nhân tiếp tục đóng góp ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) thì gửi đến Bộ Tư pháp trước ngày 20/9/2015 theo địa chỉ số 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc qua hộp thư điện tử boluatdansu@moj.gov.vn.

Tại buổi lễ, đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng giới thiệu những nội dung cơ bản của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và các vấn đề trọng tâm xin ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Phát biểu chỉ đạo buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan của Chính phủ, UBND, HĐND các địa phương cần nghiêm túc, khẩn trương thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch của Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Các cơ quan tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam… cần tổ chức lấy ý kiến của toàn ngành về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Cùng với đó, các cơ quan truyền thông cần có kế hoạch phổ biến nội dung cũng như đăng tải ý kiến của nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp cần nghiên cứu, tiếp thu, giải trình một cách nghiêm túc các ý kiến của nhân dân để hoàn thiện Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Phương pháp, hình thức lấy ý kiến rất quan trọng vì vậy cần có cách làm thiết thực, hiệu quả, thuận tiện, tránh trùng lắp, phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Nếu việc lấy ý kiến của nhân dân được thực hiện tốt thì tính khả thi của Bộ luật sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nguyễn Hương
.
.
.