Dự án Luật ban hành Văn bản pháp luật: Chưa khắc phục được cơ bản những bất cập trong lập pháp, lập quy

Thứ Năm, 16/04/2015, 09:46
Nên để chính quyền cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nên giữ Thông tư liên tịch giữa các bộ, ngành trong lĩnh vực tư pháp... là những nội dung vừa được các đại biểu Quốc hội thảo luận trong phiên buổi sáng 15-4 của Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về dự án Luật ban hành Văn bản pháp luật sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII tới đây. Buổi thảo luận đã được Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá là “sôi nổi, phong phú, thẳng thắn, trách nhiệm, không né tránh, là điều rất mừng trong kỳ họp lần này”.

Tại buổi thảo luận, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh ông “rất tâm tư” vì đây là “luật để làm luật. Luật này tiếp cận sai, sẽ đưa tới lỗi hệ thống”. Theo ông Lịch, đến nay thế giới vẫn tiếp cận văn bản pháp luật ở 3 góc độ: Văn bản lập pháp (là thẩm quyền của Quốc hội với việc ban hành các Luật, Nghị quyết...), uỷ quyền lập pháp là thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và còn lại là  văn bản lập quy. Việc quy định thẩm quyền lập quy thế nào là điều chúng ta phải làm. Luật phải làm rõ về nguyên tắc lập pháp, như nguyên tắc thứ bậc, văn bản nào có giá trị cao hơn; thứ nữa là nguyên tắc thời gian, có thừa nhận nguyên tắc cùng văn bản giống nhau thì cái sau phủ nhận cái trước không; thứ nữa là nguyên tắc bất hồi tố, trừ những trường hợp cá biệt như với luật hình sự, quy định sau có lợi hơn cho người phạm tội so với trước thì cho phép hồi tố. Nếu chúng ta cứ giữ cách làm như hiện nay, “sẽ tiếp tục tình trạng luật ra chưa có hiệu lực, chưa thi hành đã vô hiệu lực”, “tiếp tục phá tất cả những bộ luật mà chúng ta dầy công xây dựng”.

Về thẩm quyền ban hành văn bản của chính quyền cấp xã, bên cạnh ý kiến phản đối của đại biểu Mã Điền Cư và đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, nhiều đại biểu khác lại cho rằng đây cũng là một cấp hành chính, và còn là cấp cơ sở rất quan trọng, tước đi thẩm quyền này sẽ triệt tiêu năng lực của cơ sở. Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) phân tích: “Ngay tại trong cơ sở cộng đồng dân cư người ta có quyền họp thống nhất với nhau để họ đưa ra một số quy định cho cộng đồng dân cư đó, thực hiện trên địa bàn của họ và không trái pháp luật. Nếu bỏ chức năng này HĐND xã hình thành để làm gì?”.

Các Đại biểu quốc hội trong một kỳ họp.

Nhiều đại biểu cũng phản đối việc bỏ thẩm quyền ra Thông tư liên tịch của các bộ ngành trong lĩnh vực tư pháp.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, do nhiều văn bản ban hành không minh bạch nên việc xét xử và hướng dẫn thi hành gặp rất nhiều khó khăn. “Luật ban hành chưa có hiệu lực đã kiến nghị sửa đổi rồi, giờ mà bỏ Thông tư liên tịch giữa các ngành trong khối nội chính thì rất gay”.

Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng: “Theo kinh nghiệm mấy chục năm làm kiểm sát của tôi, Thông tư liên tịch phát huy tác dụng vô cùng lớn. Ví dụ trong việc phê chuẩn việc bắt vượt cấp, phê chuẩn việc giam người luật chỉ quy định chung là trong thời hạn bao nhiêu giờ thì phải chuyển sang lệnh và hồ sơ liên quan. Như vậy hồ sơ gồm những tài liệu gì, phải có sự thống nhất giữa Bộ Công an và Viện KSND TC. Lúc này Tòa án chưa vào vì đang ở giai đoạn điều tra truy tố. Vì vậy, phải thống nhất trình tự, thủ tục để thực hiện việc hạn chế quyền con người theo luật định, chứ thông tư không tự đặt ra những gì hạn chế quyền con người, quyền công dân. Chỉ liên quan đến trình tự, thủ tục hướng dẫn tác nghiệp để thống nhất áp dụng trong toàn quốc thì mới làm được. Nếu tự Viện KSND? ban hành, tự Công an ban hành thì đấy là quyền của anh, quyền của tôi, không thực hiện là hỏng. Một việc mà Công an, Kiểm sát, Tòa án mỗi người một chức năng, mỗi cơ quan một cách thì hỏng, cuối cùng vụ án kéo dài, dân khổ. Tôi đề nghị phải giữ lại. Phải thấy được tác dụng của nó trong điều kiện chúng ta không thể có Bộ luật như bộ quy tắc ứng xử cứng, điều chỉnh hết mọi ngóc ngách của các quan hệ xã hội được, thì cần giữ thẩm quyền trên”.

Cũng nhất trí với quan điểm trên, đại biểu Lê Thị Nga kiến nghị Bộ Tư pháp nên đảm nhận nhiệm vụ này. Ngược lại, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng không nên quy định Hội đồng tư vấn thẩm định về chính sách pháp luật của Chính phủ, mà nên giao thẳng cho Bộ Tư pháp để có chỗ quy trách nhiệm, thay vì lẩn tránh trong tập thể, không biết trách nhiệm của ai.

Vũ Hân
.
.
.