Đặc xá là cơ hội để người lầm lỗi sớm làm lại cuộc đời
Đây là đợt đặc xá lớn với khoảng 15.000 đến 17.000 phạm nhân trên toàn quốc, thể hiện chính sách khoan hồng của Ðảng và Nhà nước, kế thừa và phát huy truyền thống nhân đạo của dân tộc đối với người phạm tội bị kết án tù và khuyến khích họ phấn đấu rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội.
Nhân dịp này, phóng viên Báo Công an nhân dân có cuộc phỏng vấn Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá 2015 để hiểu rõ hơn các quy định tiêu chuẩn cũng như ý nghĩa nhân đạo của công tác này.
Phóng viên (PV): Thưa Thượng tướng Lê Quý Vương, xin đồng chí cho biết ý nghĩa của việc đặc xá lần này? Dư luận trong nước, quốc tế đánh giá về công tác này qua những lần đặc xá trước đây của nước ta?
Thứ trưởng Lê Quý Vương: Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt theo Điều 21, 22 của Luật Đặc xá.
Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước như: 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Xuất phát từ truyền thống nhân đạo của dân tộc ta và chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội, thực hiện Luật Đặc xá, ngày 10/7/2015, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 1366/2015/QĐ-CTN về đặc xá năm 2015 nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/2015).
Cũng như những lần trước đây, đặc xá lần này tiếp tục khẳng định và thể hiện truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc Việt Nam, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với người bị kết án phạt tù đã cải tạo tiến bộ, thể hiện tính ưu việt và bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào việc đấu tranh phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam về vấn đề nhân quyền, đồng thời khuyến khích người bị kết án đang chấp hành án phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo tiến bộ để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, phấn đấu, rèn luyện để là người có ích cho gia đình và xã hội.
Có thể nói rằng, kết quả của công tác đặc xá những năm qua đã khẳng định sự đổi mới khá toàn diện, sâu sắc của công tác thi hành án phạt tù, nhất là trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, đồng thời thể hiện sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các lực lượng xã hội trong việc phối, kết hợp để tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá hòa nhập cộng đồng.
Công tác đặc xá những năm qua đã góp phần thực hiện tốt “Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm”, được nhân dân trong nước đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao.
Các phóng viên trong nước và nước ngoài đã đến các trại giam để chứng kiến lễ công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, gặp gỡ, phỏng vấn phạm nhân được đặc xá và chưa được đặc xá, và có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan về thực hiện quyền con người ở Việt Nam qua công tác quản lý, giam giữ, giáo dục phạm nhân và tính dân chủ, minh bạch trong đặc xá tha trước hạn tù cho những phạm nhân cải tạo tiến bộ, đó là không phân biệt giới tính, tính chất, mức độ phạm tội, không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, dân tộc... nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quyết định của Chủ tịch nước đều được xét, đề nghị đặc xá.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an. |
PV: Những đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn cơ bản nào để được đặc xá đợt này, thưa đồng chí? Các điều kiện, tiêu chuẩn có gì khác, mới so với những đợt đặc xá trước đây?
Thứ trưởng Lê Quý Vương: Theo Quyết định 1366/2015/QĐ-CTN ngày 10/7/2015 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2015, đối tượng được đặc xá là người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện và đặc xá trong trường hợp đặc biệt theo Luật Đặc xá.
Các điều kiện được đề nghị đặc xá đã được nêu công bố, tôi xin dẫn trích như: Người bị kết án tù đã chấp hành hình phạt được ít nhất là một phần ba thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn; ít nhất là mười bốn năm đối với hình phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn và phải chấp hành tốt nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành hình phạt tù được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ những phạm nhân không bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng đã 70 tuổi trở lên hoặc từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau hoặc người đang mắc bệnh hiểm nghèo mà bản thân người đó và gia đình không còn khả năng thực hiện.
Đối với những người có lí do được ưu tiên như: Lập công lớn; thương binh; bệnh binh; người có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội được tặng các danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Dũng sỹ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sỹ nhân dân; người được tặng thưởng một trong các loại huân chương hoặc được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến; có thân nhân là liệt sỹ; con Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; con của gia đình có công với nước; đã 70 tuổi trở lên; từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau; đang mắc bệnh hiểm nghèo... thì được rút ngắn thời gian đã chấp hành hình hình phạt tù khi chỉ phải chấp hành hình phạt tù ít nhất là một phần tư thời gian đối với người bị kết án tù có thời hạn hoặc mười hai năm đối với tù chung thân.
Về cơ bản, đối tượng, điều kiện đề nghị đặc xá năm 2015 như đặc xá năm 2013, nhưng chặt chẽ hơn về những trường hợp không được đề nghị đặc xá nhằm hạn chế việc tha những đối tượng có nguy cơ tái phạm cao, bảo đảm yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, cụ thể là: Đặc xá năm 2013 quy định, trường hợp “đồng thời phạm hai tội: Giết người và cướp tài sản; giết người và hiếp dâm; giết người và hiếp dâm trẻ em; cướp tài sản và hiếp dâm; cướp tài sản và hiếp dâm trẻ em” thì không được đề nghị đặc xá.
Đối với trường hợp này, đặc xá năm 2015 chặt chẽ hơn khi quy định, chỉ cần đang chấp hành án phạt tù về hai tội “giết người và cướp tài sản; giết người và hiếp dâm; giết người và hiếp dâm trẻ em; cướp tài sản và hiếp dâm; cướp tài sản và hiếp dâm trẻ em” là không được đề nghị đặc xá, chứ không cần phải đồng thời phạm hai tội. Hoặc bổ sung thêm một số trường hợp không được đề nghị đặc xá, đó là:
- Những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù về hai tội: Giết người và cướp giật tài sản; giết người và trộm cắp tài sản; cướp tài sản và cướp giật tài sản; trộm cắp tài sản và cướp tài sản; trộm cắp tài sản và cướp giật tài sản; trộm cắp tài sản và hiếp dâm; trộm cắp tài sản và hiếp dâm trẻ em; cướp giật tài sản và hiếp dâm; cướp giật tài sản và hiếp dâm trẻ em.
- Những phạm nhân có một tiền án hoặc đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục hoặc trường giáo dưỡng mà bị kết án phạt tù về tội Cố ý gây thương tích nhiều lần đối với một người hoặc một lần đối với nhiều người.
PV: Đồng chí cho biết và đánh giá về tỉ lệ người được đặc xá tái phạm? Việc đặc xá có ảnh hưởng đến công tác bảo đảm ANTT tại các địa phương hay không? Chúng ta có biện pháp gì để phòng ngừa những người được đặc xá tái phạm?
Thứ trưởng Lê Quý Vương: Từ năm 2009 đến nay, thực hiện Luật Đặc xá, Nhà nước ta đã thực hiện 5 đợt đặc xá (riêng năm 2009 có 2 đợt) đặc xá tha tù trước thời hạn cho 63.499 phạm nhân và 678 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Do có sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành và sự chuẩn bị chu đáo, chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp nên đại đa số người được đặc xá đã trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống và làm ăn lương thiện, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm thấp.
Qua theo dõi đợt đặc xá gần đây nhất (năm 2013), sau một năm thực hiện đặc xá (tính đến ngày 1/9/2014), số người được đặc xá có hành vi vi phạm pháp luật là 114 người, chiếm tỷ lệ 0,73% so với tổng số 15.523 người được đặc xá. Vì vậy, mặc dù số lượng người được đặc xá lớn nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương vẫn được bảo đảm, không xảy ra phức tạp do người được đặc xá gây nên, cho thấy chúng ta cần có niềm tin vào việc thực hiện chính sách đặc xá vừa qua.
Để phòng ngừa những người được đặc xá tái phạm, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 80/NĐ-CP ngày 16/9/2011 quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, trong đó có người được đặc xá.
Đồng thời, Bộ Công an cũng ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu và thực hiện tốt công tác hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù, trong đó có người được đặc xá, tập trung vào một số nội dung cụ thể như: Hướng dẫn, chỉ đạo các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thực hiện tốt công tác giáo dục và tư vấn cho những người được đề nghị đặc xá chuẩn bị hòa nhập cộng đồng; Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp dưới, các ngành, các cơ quan, tổ chức xã hội ở địa phương thực hiện có hiệu quả Nghị định số 80/NĐ-CP ngày 16/9/2011; Công an cấp cơ sở chú ý nắm vững hoàn cảnh từng người được đặc xá trở về cộng đồng, gặp gỡ, động viên, quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ tái hoà nhập cộng đồng, tránh mặc cảm, xa lánh, đồng thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội liên hệ với các doanh nghiệp hỗ trợ, tiếp nhận, tạo việc làm cho người được đặc xá ổn định cuộc sống...
Ngoài ra, Bộ Công an cũng chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình các loại tội phạm, tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm hoạt động có tổ chức hoặc theo băng, ổ, nhóm, phát động toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc để vừa đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, vừa thực hiện tốt công tác phòng ngừa, hạn chế các điều kiện phạm tội.
PV: Thưa đồng chí Thứ trưởng, đến thời điểm này, Bộ Công an đã chuẩn bị những gì để đảm bảo cho những người được đặc xá trở về có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, có công ăn việc làm để ổn định cuộc sống?
Thứ trưởng Lê Quý Vương: Bộ Công an đã chủ động tham mưu cho Chính phủ quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác đặc xá năm 2015.
Ngày 15/7/2015, Hội đồng tư vấn đặc xá đã ban hành Hướng dẫn số 91/HĐTVĐX về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1366/2015/QĐ-CTN ngày 10/7/2015 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2015; đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng ký Công điện 1056/CĐ-TTg về việc triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2015.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, tổ chức kinh tế, đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, trong đó có người được đặc xá.
Tiếp tục theo dõi, quản lý, giáo dục, giúp đỡ, dạy nghề và tạo việc làm cho người được đặc xá trở về cộng đồng xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Đối với những người được đặc xá có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì vận động các ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội quan tâm giúp đỡ họ vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng.
Thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước về công tác đặc xá năm 2015, Bộ Công an đã chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá hòa nhập cộng đồng với những nội dung, biện pháp đã nêu ở trên, chú trọng xây dựng các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, trong đó có người được đặc xá, để họ sớm hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống; phối hợp với các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, kêu gọi trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và mọi công dân trong việc xóa bỏ thái độ kì thị, mặc cảm đối với người lầm lỗi nhằm tiếp thêm sức mạnh cho họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, trở thành người hữu ích...
Ngoài ra, Bộ Công an đã chỉ đạo các trại giam khi tổ chức tha người được đặc xá theo Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước thì ngoài tiền ăn, tiền tàu xe, phải cấp cho người được đặc xá tiền hỗ trợ được trích từ Quỹ Hòa nhập cộng đồng được lập ở các trại giam theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và Thông tư liên tịch số 12/2013/TTlT-BCA-BQP-BTC ngày 2/12/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân trong trại giam, giúp cho người được đặc xá phần nào giảm bớt những khó khăn khi mới trở về hòa nhập với cộng đồng. Việc tính toán, cấp tiền hỗ trợ cho người được đặc xá phải công khai, đúng quy định.
Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự thống nhất về nhận thức và chung tay, chung sức của toàn xã hội, công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá hòa nhập cộng đồng sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào kết quả của công tác đặc xá.
PV: Cảm ơn đồng chí Thứ trưởng!