Đánh thức tiềm năng đất đai nông nghiệp từ Luật Đất đai 2024

Bài cuối: Nhận diện sớm nguy cơ “ngoại biên chính sách”

Chủ Nhật, 24/03/2024, 09:30

Rất nhiều kỳ vọng về việc nâng cao giá trị, phát huy được hết tiềm năng của đất nông nghiệp đang được đặt ra khi Luật Đất đai 2024 đi vào cuộc sống. Hiện Chính phủ và các bộ, ngành đang quyết liệt vào cuộc xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật. Tuy nhiên, để luật thực sự đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả cao theo các chuyên gia, nhà quản lý cần phải nhận diện sớm được các nguy cơ “ngoại biên chính sách”.

Không để biến tướng, lợi dụng chính sách

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Thị Hiên cho biết, khi đánh giá về Luật Đất đai 2013 để xây dựng Luật Đất đai sửa đổi vừa qua thì tỷ lệ đất nông nghiệp sử dụng không hiệu quả rất lớn.

anh bai 32.jpg -0
Nhiều kỳ vọng về một nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao được đặt ra khi Luật Đất đai 2024 đi vào cuộc sống.

Các chính sách về đất đai nông nghiệp trong Luật Đất đai 2024 có nhiều quy định mới như: Mở rộng hạn mức, mở rộng đối tượng nhận quyền sử dụng đất, tích tụ tập trung đất đai… là những chính sách rất quan trọng để phát triển nông nghiệp. “Chúng ta phải đầu tư cho phát triển nông nghiệp là thực tế đang đặt ra. Nhờ có những chính sách mới trong phát triển nông nghiệp mà vừa rồi, chúng tôi đã thực hiện đề án 1 triệu hécta đất trồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải. Đây không chỉ là đề án để trông chờ vào sản lượng lúa, sản lượng gạo mà đề án này còn giúp chúng ta tạo ra một giá trị tuần hoàn của sản phẩm trồng lúa. Các sản phẩm như rơm, rạ cũng được sử dụng từ đó nâng cao chất lượng lúa trong hoạt động xuất khẩu. Đây là một ví dụ để thấy sự quan trọng của nông nghiệp và những kỳ vọng lớn cho nông nghiệp từ Luật Đất đai 2024 này”, bà Hiên nói.

Nhiều kỳ vọng cho một nền nông nghiệp phát triển, hiện đại, hội nhập quốc tế thế nhưng câu chuyện triển khai thế nào, xây dựng chính sách ra sao sẽ là thách thức không nhỏ. Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Văn Bình cho rằng sẽ có nhiều vấn đề phải tính toán khi xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi thành luật, phải lường trước các nguy cơ như đất nông nghiệp tập trung quá lớn vào trong tay một số người có điều kiện thì những người yếu thế ở nông thông sẽ bị mất đất sản xuất theo một cách nào đó. “Ví dụ khi gặp khó khăn, người nông dân sẽ phải chuyển nhượng đất cho người có điều kiện. Như vậy người nông dân sẽ mất tư liệu sản xuất, mất sinh kế từ đó sẽ nảy sinh bài toán an sinh xã hội. Lúc đó, Nhà nước sẽ lại phải tính toán chăm lo cho họ”, ông Bình lo ngại.

Cần phải nhận diện trước các nguy cơ “ngoại biên chính sách”. Đó cũng là ý kiến đồng quan điểm của PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến (Đại học Luật Hà Nội) khi thực hiện xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, đặc biệt liên quan đến đất nông nghiệp. PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, các quy định mới của Luật Đất đai 2024 đã thể chế hoá được Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng vì đã tháo gỡ được các điểm nghẽn về pháp lý và phát huy được nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế. Điểm đáng chú ý liên quan đến nông nghiệp trong Luật Đất đai 2024 là tạo thuận lợi cho việc tiếp cận đất đai cho các tổ chức, cá nhân. Tiếp đó là tăng giới hạn hạn mức giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tích tụ tập trung đất đai.

“Chính sách pháp luật đất đai như thế sẽ kêu gọi được các nguồn lực bên ngoài đầu tư thông qua cho phép các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân không trực tiếp sản xuất được thực hiện chuyển nhượng sử dụng đất, thực hiện dự án. Tuy nhiên làm chính sách thì bao giờ cũng có mặt tích cực và mặt không mong muốn mà chúng tôi gọi là “ngoại biên của chính sách”. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải nhận diện nguy cơ này”, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến nêu ý kiến. Nhận diện “ngoại biên chính sách” ở đây theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến là nếu thực thi chính sách không tốt sẽ tạo ra những hệ luỵ. Chẳng hạn nếu không có những văn bản quy định chi tiết thì có thể xảy ra trường hợp bao chiếm đất nông nghiệp của người nông dân, người yếu thế sẽ không có đất. Thêm nữa, có thể xảy ra tình trạng thu gom đất nông nghiệp, sau đó phân lô bán nền, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp như vụ án Alibaba mới xảy ra trong phía Nam gần đây.

Giải pháp phải vừa kịp thời, vừa đồng bộ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Mai Phương cho rằng, các quy định liên quan đến đất nông nghiệp rất quan trọng và tác động rất lớn tới người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước. Bà Phương cũng cho rằng các quy định dù có tốt đến mấy thì cũng có hai mặt hoặc thực hiện không tốt sẽ có tác động ngược. Do đó, quản lý và kiểm soát việc sử dụng đất nông nghiệp là vấn đề cần phải được tính toán khi luật đi vào cuộc sống. Vấn đề thách thức hiện nay là việc xây dựng các văn bản quy định thi hành luật đáp ứng tiêu chí kịp thời, đồng bộ.

Bà Nguyễn Mai Phương nhận định, thực tế hiện nay có rất nhiều chính sách tốt ở trong luật nhưng khi đi vào các văn bản nghị định hoặc thông tư hướng dẫn thi hành thì lại bị điều chỉnh và lệch hướng. Vì vậy, vấn đề xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành kịp thời là quan trọng nhưng còn phải đồng bộ. Chẳng hạn như thông tư của Bộ Tài chính thì phải kịp thời và đồng bộ với thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng… “Xây dựng văn bản hướng dẫn là quan trọng nhưng quan trọng không kém là tổ chức thực hiện. Qua theo dõi tôi thấy có nhiều chính sách rất hay nhưng nhiều địa phương lại không làm hoặc vì lý do nào đó mà họ ngần ngại, do đó luật đi vào cuộc sống rất chậm”, bà Phương nói.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất đai liên quan đến 118 luật, liên quan trực tiếp đến hơn 20 luật và liên quan đến lợi ích của tất cả các chủ thể trong xã hội. PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, đây là những thách thức không nhỏ trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024. Chúng ta đã đưa vào trong luật các chính sách lớn, những chính sách đã chín muồi và đã được thực tế kiểm nghiệm. Tổ chức thực thi thì phải quy định cụ thể, chi tiết từng bước một thì các cơ quan thực thi mới dựa vào đó thực hiện được cho nên chúng ta phải có văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể, chi tiết.

“Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải quy định rõ các trường hợp như đất nông nghiệp sử dụng đa mục đích thì thế nào là đa mục đích, chế độ sử dụng, trình tự thủ tục ra sao… Rồi chúng ta phải dự liệu các trường hợp ngoại biên chính sách, nghĩa là phải có hàng rào để tránh các trường hợp lợi dụng, các lợi ích nhóm vụ lợi mà không như mong muốn của các nhà làm luật. Ví dụ như cho phép các tổ chức cá nhân không trực tiếp sản xuất được chuyển nhượng đất nông nghiệp thì có phải kèm điều kiện không? Nếu như anh nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất tốt hơn so với người trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp thì điều kiện, năng lực về vốn như thế nào, xử lý ra sao. Trong trường hợp nếu như anh đầu tư vào đó nhưng làm thay đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, phân lô bán nền tìm kiếm lợi nhuận thì xử lý thế nào, cơ quan nào thanh tra kiểm tra, tránh tình trạng có thể xảy ra như cán bộ địa phương móc ngoặc với doanh nghiệp… Chúng ta phải dự liệu các câu chuyện như vậy”, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến phân tích.

Để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống thì khi xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật cần tham vấn ý kiến sâu rộng là quan điểm của ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn cũng không kém phần khó khăn so với xây dựng luật. Theo dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành 9 nghị định hướng dẫn và rất nhiều thông tư. Do đó việc đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống Luật Đất đai 2024 là thách thức lớn hơn nhiều so với các văn bản pháp luật khác.

“Việc này liên quan rất nhiều đến trách nhiệm của các bộ, ngành. Các bộ, ngành phải hiểu thật rõ, thật sâu để khi thiết kế các văn bản hướng dẫn các lĩnh vực phải đồng bộ. Chúng ta có luật tốt nhưng khi xuống dưới triển khai có tốt hay không là vấn đề cần phải được quan tâm. Chính vì thế soạn thảo các nghị định, thông tư hướng dẫn rất quan trọng. Đối với Luật Đất đai để có hướng dẫn cụ thể, chi tiết, phù hợp thực tiễn thì việc tham vấn các địa phương không chỉ ở cấp tỉnh, cấp huyện mà có thể còn phải xuống tận cấp xã, những doanh nghiệp trên thực tế, những tổ chức, cá nhân có liên quan thì chất lượng sẽ tốt hơn”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

“Luật Đất đai 2024 có rất nhiều điểm tích cực đối với người nông dân, lĩnh vực nông nghiệp. Với người nông dân, trong các trường hợp như giải phóng mặt bằng thì quyền lợi được bảo vệ chặt chẽ, đây là chế định rất quan trọng. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, luật sẽ giúp giải quyết rất nhiều vấn đề tồn đọng liên quan đến đất nông nghiệp khiến nguồn lực đất đai thực sự phát huy được hiệu quả theo hướng thị trường, hiện đại. Các chế định mới như mở rộng đối tượng sử dụng đất, người nhận chuyển nhượng đất sẽ thu hút được các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp để sản xuất bài bản hơn, hiệu quả hơn. Chế định này đặt ra rất nhiều kỳ vọng về sản xuất hàng hoá theo hướng xuất khẩu, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất…”, Phó Tổng thư ký, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn nhận định về các động lực phát triển của lĩnh vực nông nghiệp khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực.

Phan Hoạt - Lệ Thuý
.
.
.