Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội:

Yêu cầu giám sát chặt nợ công và vốn ODA

Thứ Năm, 30/10/2014, 22:32
Năm qua, đất nước ta đã vượt qua biết bao khó khăn để đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, toàn diện về mọi mặt, đồng bộ trên các mặt công tác, đời sống người dân ổn định, an ninh chính trị được giữ vững… đã góp phần đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức khiến tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những điểm “nghẽn” cần phải “gỡ nút”. Những giải pháp hữu hiệu để kinh tế - xã hội phát triển trong thời gian tới, các đại biểu đã hiến kế trong buổi thảo luận ngày 30-10.

Kết quả của sự đồng lòng

Ngay từ phút đầu tiên, phiên thảo luận đã “nóng” bởi sự quan tâm của cử tri cả nước gửi gắm vào các đại biểu. “Trong điều kiện hết sức khó khăn, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp nhưng trong năm qua, dưới sự lãnh đạo khôn khéo, bản lĩnh của Đảng, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương và địa phương được nhân dân đồng tình ủng hộ… đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Đặc biệt, sự kiên quyết đồng lòng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phản ứng việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế nước ta… Kết quả đã đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra, 13/14 chỉ tiêu đã thực hiện tốt, chỉ còn một chỉ tiêu không đạt (lao động qua đào tạo)”, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đã biểu lộ sự phấn khởi khi đánh giá tình hình phát triển kinh tế -xã hội năm 2014.

Nhiều đại biểu đã đồng tình với những đánh giá trên, khi tình hình thế giới bất ổn, tình hình biển Đông phức tạp nhưng sự điều hành của Chính phủ đã đạt hiệu quả cao, kiềm chế lạm phát, đạt chỉ tiêu tăng GDP 5,8%, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần ổn định đời sống nhân dân. “Kinh tế vĩ mô ổn định, sức mua của đồng tiền Việt Nam được bảo đảm khiến người dân tin tưởng… Đó là kết quả của sự điều hành chính sách tiền tệ, duy trì tăng trưởng hợp lý. Thị trường vàng-tiền tệ ổn định đã giúp nhiều doanh nghiệp phục hồi trở lại sản xuất kinh doanh”, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) phân tích. Đại biểu cho rằng kinh tế nước ta có thể tăng cao trở lại, năm 2015 có thể tăng 6,2%. Muốn đạt được, cần đồng bộ quyết liệt, vực dậy khu vực sản xuất trong nước, hỗ trợ vốn, lãi suất để doanh nghiệp trong nước vay trung, dài hạn, tăng sức lao động tạo ra sản phẩm và tạo độ mở cho nền kinh tế. Bên cạnh những đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, duy trì tăng trưởng, các đại biểu cũng phân tích những thách thức. Trong đó, liên kết các vùng kinh tế thời gian qua còn mang tính hình thức, còn ngổn ngang nhiều vấn đề. Trong quy hoạch vùng không đưa vào liên kết vùng, từ đó môi trường chưa được quan tâm đúng mức, chưa chú ý đến quy hoạch không gian, ít được thực thi khi liên kết vùng phát huy thế mạnh, tính bắt buộc thấp, tính cục bộ địa phương vẫn còn nặng nề. Nhiều quy hoạch vùng hiện nay luôn ở trạng thái “treo” và chính sách vùng chưa được quan tâm đúng mức. Có tình trạng chính sách địa phương này lại triệt tiêu chính sách địa phương khác.

Lo lắng nợ xấu

Đa số ý kiến đồng tình với 9 giải pháp của Chính phủ, nhưng các đại biểu vẫn lo lắng với tình trạng nợ xấu, mà thường gọi là “cục máu đông” trong nền kinh tế. Nợ xấu là vấn đề lớn của đất nước, nên có Ban chỉ đạo liên ngành của Nhà nước. Từ nợ chéo của doanh nghiệp sẽ dẫn tới tăng nợ xấu cho ngân hàng, nợ dây chuyền. Theo các đại biểu, nợ xấu ngân hàng tăng cao, xử lý nợ xấu có thể xử lý được nhưng môi trường pháp lý cản trở. Vì thế vấn đề tăng lương, chi đầu tư phát triển là hết sức khó khăn. Chi nguồn lực cho đầu tư phát triển, huy động nguồn lực, tiết kiệm nội địa cho đầu tư phát triển còn hạn chế.  Các đại biểu đề nghị, năm 2015 cần chính sách ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực quan trọng, cần quan tâm tháo gỡ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vì doanh nghiệp tiếp tục giải thể  vẫn gia tăng, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.  Cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư để giải quyết nợ xấu ngân hàng, xử lý nợ kéo dài trong đầu tư cơ bản, nợ công vẫn tồn tại… Trước tình hình nợ xấu nan giải, công ty mua bán nợ, xử lý  tài sản đều thiên về 3 yếu tố: tiền, năng lực, cơ chế. Nên cho phép biện pháp thị trường thay thế biện pháp hành chính.  Lo lắng về nguồn nợ phải trả theo nguồn vốn ODA, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) phân tích về sự quản lý nguồn vốn ODA. Qua hơn 20 năm, kết quả đã góp phần phát triển kinh tế đất nước, nhưng thất thoát cũng ít nhiều đã làm ảnh hưởng uy tín của Việt Nam. Tuy có nhiều cơ chế kiểm tra nguồn vốn này nhưng ít được phát hiện những sai phạm. Với những nỗ lực không ngừng, Bộ Công an đã phát hiện và xử lý một số vụ vi phạm vốn ODA. Những vụ vi phạm này cũng góp phần cho nợ công tăng cao. Nhiều dự án vay rẻ nhưng lại trở thành đắt đỏ, khi nhiều công trình đội giá tăng cao. Bà Nga cho rằng, cần sử dụng có chọn lựa, cho hạ tầng thiết yếu, không vay để dùng vào siêu dự án, dự án đơn giản… Cần kiểm soát chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả, từ đó giảm dần và chấm dứt ODA trong tương lai gần. “Mỗi dự án ODA phải hết sức cẩn thận. Vay chi thường xuyên là không nên, đó là nguyên tắc vàng. Nếu vay cần có ý kiến của cơ quan Quốc hội, nếu không nợ công sẽ tăng cao”, đại biểu Nguyễn Văn Tiên lưu ý khi sử dụng vốn vay ODA để tránh nợ nần. Một số đại biểu cho rằng vẫn còn những tồn tại, nhìn chung kinh tế vĩ mô cân đối chưa vững chắc, cải thiện năng lực cạnh tranh còn nhiều vướng mắc, cạnh tranh GDP thấp, chưa thực sự rõ nét trong khâu đột phá. Từ những trăn trở đó, cần tìm cách tăng vốn đầu tư xã hội và nhà nước, phát hành trái phiếu. Trước mắt, cần tập trung lĩnh vực bám biển, thể hiện chủ quyền quốc gia và những công trình giao thông trọng điểm…

Khoa học công nghệ là khâu đột phá

Bàn về các giải pháp trong phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới,  đa số đại biểu trăn trở về việc hiện nay nhiều thanh niên, sinh viên tốt nghiệp đại học mà vẫn không có việc làm. “Tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp, làm chậm quá trình tái cơ cấu, khó cạnh tranh, năng suất lao động thấp dẫn tới quyền lợi người lao động dễ tổn thương” - đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đánh giá về nguồn lao động thấp thiếu sức cạnh tranh hiện nay. Đại biểu cho rằng, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, tỉ lệ lao động mỗi năm tăng dần, đặc biệt là nông thôn cao hơn (chiếm 77%). Xu hướng nam giới được dạy nghề dễ xin việc hơn nữ giới, thị trường lao động chất lượng thấp dư thừa…Thực tế, nhiều công chức cũng chưa đáp ứng được nhu cầu lao động nhưng khó tinh giản, sinh viên ra  trường khó xin việc. Một số doanh nghiệp FDI không nhận sinh viên đào tạo trình độ thấp. Trong khi đó, nghề giúp việc gia đình, bảo vệ thì “cháy”, lao động Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, nghịch lý này đã gây áp lực không nhỏ, Để bền vững cần tạo việc làm chất lượng cao sẽ giúp giảm nghèo. Cần phối hợp giữa dài hạn và ngắn hạn để vượt nhanh hơn (đào tạo đãi ngộ), cần tinh giản biên chế, đóng bảo hiểm cho người lao động, cần quan tâm phòng ngừa và hỗ trợ cho người lao động khi doanh nghiệp bỏ trốn, gắn kết tái cơ cấu với nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội đã đang và sẽ là rất quan trọng. Các đại biểu rất đồng tình, để tái cơ cấu nền kinh tế cần quan tâm nguồn nhân lực. Đó là, đào tạo nghề, tập trung chủ yếu lao động nông thôn, chỉ số thấp, chuyên môn chưa được đào tạo, dù nỗ lực nhiều nhưng chưa phù hợp với lợi thế tiềm năng, còn phụ thuộc vào thiên nhiên. Chính sách đào tạo nghề chưa thực sự gắn kết, chưa thu hút người lao động, chưa đáp ứng với thị trường lao động cao

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: 5 câu hỏi về sự phát triển

Phát biểu tại Quốc hội chiều qua, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân lý giải việc nước ta còn nghèo so với các nước khác là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân đầu tiên do xuất phát điểm của Việt Nam và các nước là rất khác nhau về trình độ phát triển như hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, thiết bị, công nghệ, cơ cấu nền kinh tế, trình độ khoa học – công nghệ (KHCN), mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật. Việt Nam bị tàn phá nặng nề qua 30 năm chiến tranh (1945-1975), mới bắt tay vào công cuộc xây dựng lại và phát triển đất nước từ năm 1975, trong khi đó các nước khác như Malaysia, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản đã có bước phát triển mạnh trong 30 năm trước đó. Do đó, tại thời điểm năm 1975 khoảng cách về thu nhập theo đầu người hay năng suất lao động (NSLĐ) giữa các nước và Việt Nam là rất lớn. Đến năm 2013, khoảng cách về thu nhập theo đầu người hay NSLĐ giữa các nước trên và Việt Nam đã thu hẹp đáng kể: Malaysia chỉ còn gấp 5,5 lần Việt Nam (năm 1975 gấp 10 lần), Thái Lan gấp 3 lần (năm 1975 gấp 4,6 lần), Singapore gấp 29 lần (năm 1975 gấp 32 lần), và Nhật Bản gấp 20 lần (năm 1975 gấp 58 lần). Với xuất phát điểm thấp như vậy, việc nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về thu nhập và NSLĐ của Việt Nam với các nước như đã nêu trên là thành tựu đáng ghi nhận của nước ta. Thứ hai, khả năng tự tích lũy của nền kinh tế còn thấp. Từ năm 2000 đến năm 2013, mặc dù khoảng cách về vốn đầu tư toàn xã hội/người lao động của các nước so với Việt Nam đã được thu hẹp đáng kể nhưng mức độ chênh lệch vẫn còn lớn: Nhật Bản từ gấp Việt Nam 76 lần năm 2000 giảm xuống còn 20 lần vào năm 2013; Singapore từ gấp 66 lần giảm xuống còn 22 lần; Hàn Quốc từ gấp hơn 34 lần giảm còn 21 lần; Malaysia từ gấp gần 11 lần giảm còn 6,5 lần; Thái Lan từ gấp 3,5 lần giảm còn gần 3 lần. Thứ ba, trình độ công nghệ thấp, lạc hậu. Thứ tư, nền kinh tế nước ta vẫn sử dụng nhiều lao động trong nông nghiệp và trình độ lao động nói chung vẫn còn thấp. Thứ năm, khoa học chậm phát triển, đầu tư cho KHCN còn thấp. Từ các nguyên nhân trên, đặt ra câu hỏi: Lao động Việt Nam có khả năng làm chủ công nghệ hiện đại, đạt năng suất cao không và cần làm gì để nâng cao NSLĐ của nền kinh tế Việt Nam và thu nhập cho người dân? Từ các ví dụ và lập luận nêu ra, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân kết luận: Một nước Việt Nam còn nghèo với thu nhập đầu người thấp, NSLĐ thấp (thu nhập do 1 lao động tạo ra thấp) là vấn đề đã đặt ra với nước ta từ năm 1975. Sau gần 40 năm, NSLĐ đã tăng đáng kể, nước ta đã thoát nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình thấp trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta không thể bằng lòng với mức thu nhập đầu người (GDP/người dân) ở mức hơn 2.000 USD năm 2014 hay dự báo 3.500 - 4.000 USD vào năm 2020. Đường lối phát triển đất nước của Đảng, Chiến lược phát triển KTXH 10 năm và các Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm, trong đó xem giáo dục – đào tạo và KHCN là quốc sách, là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược, cùng với sự cần cù, sáng tạo của mỗi người lao động Việt Nam, mỗi doanh nghiệp Việt Nam, mỗi người nông dân Việt Nam có ý nghĩa quyết định. "Tôi xin đề nghị các đồng chí lãnh đạo các ngành, các địa phương, các chủ doanh nghiệp, khi bàn về việc làm sao để tăng trưởng bền vững hơn, hiệu quả cao hơn, hãy hỏi 5 câu hỏi: người lao động được đào tạo ở đâu, khoa học công nghệ ở đâu, vốn từ đâu, đất ở đâu và thị trường ở đâu; chứ không phải dừng lại ở 2 câu hỏi: vốn từ đâu và đất ở đâu. Thay đổi mô hình tư duy và mô hình phát triển kinh tế là giải pháp gốc cho tăng NSLĐ, tăng thu nhập cho mỗi người lao động và đất nước Việt Nam của chúng ta" – Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chốt.

M.Đăng

Kim Quý- Vũ Hân
.
.
.