Xung quanh quy định xử phạt người đi đò không mặc áo phao

Thứ Ba, 10/09/2013, 11:14
Từ 15/10 tới đây, người đi đò ngang không mặc áo phao sẽ bị xử phạt giống như những người tham gia giao thông không đội MBH. Tuy nhiên, với tình trạng cả người dân, người lái đò còn "bơ" luật như hiện nay thì quy định mới này, e rằng cũng khó thực hiện, nếu cơ quan chức năng,chính quyền địa phương không cùng vào cuộc một cách quyết liệt.

"Thót tim" là tâm trạng chung của những vị khách khi đi bến đò ngang sông Hồng. Mùa nước cạn còn yên lòng, mùa nước lớn thì lúc nào xuống đò là khi ấy phải "sống trong sợ hãi". Ấy vậy mà nhiều "thượng đế" vẫn "đặt cược" mạng sống của mình, hằng ngày đi lại trên những con đò chòng chành, không bảo đảm an toàn và đặc biệt là "bơ" áo phao.

Có mặt tại bến phà Hồng Vân - Mễ Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội vào một ngày đầu tháng 9, hình ảnh chúng tôi ghi nhận được là mỗi chuyến phà rời bến hoặc cập bến, vài chiếc áo phao cũ được treo nguyên vẹn trên thành. Từ chủ phà đến người dân, không ai màng đến chuyện mặc chúng. Trò chuyện với một vài người dân đi đò, phóng viên nhận thấy lý do để họ không mặn mà với chuyện này là "đi có một đoạn sông thôi mà, mặc áo phao nóng lắm".

Thừa nhận thực tế, Đại tá Khuất Văn Kiều, Trưởng phòng CSGT đường thủy, Công an TP Hà Nội cho hay: "Từ trước đến nay CSGT đường thủy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân lợi ích của việc mặc áo phao khi lên đò, đã có những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, chính người dân chứng kiến tận mắt, song đâu vẫn vào đấy. Họ hiểu, họ cũng thấy sợ, nhưng họ vẫn cố tình không mặc. Tới đây, quy định xử phạt của Chính phủ đã được ban hành, tôi hy vọng người dân sẽ thực hiện nghiêm túc". Song, Đại tá Kiều không giấu nổi sự băn khoăn: Cả Hà Nội có 36 bến đò dọc và 1 bến đò ngang trải dài trên 200km đường sông. Trong khi đó, lực lượng CSGT đường thủy quân số còn ít, nếu không có sự phối hợp của chính quyền xã, thanh tra giao thông thì cũng khó mà xử lý hết vi phạm.

Cả một chuyến phà tại bếán Hồng Vân, chỉ có vài ba chiếc áo phao được treo trên thành. Ảnh: H.H.

Nhắc đến sự thờ ơ của người dân, ông Trần Sỹ Duy - Trưởng phòng Pháp chế Vận tải và An toàn Giao thông (Cục Đường thủy Nội địa) cũng từng chia sẻ: Từ năm 2005, Bộ GTVT triển khai cuộc vận động người đi đò mặc áo phao, nhưng không tránh khỏi hiện tượng "xôi đỗ". Sau các vụ chìm đò, đặc biệt tai nạn thương tâm khiến 42 người dân ở xã Quảng Hải (Quảng Trạch, Quảng Bình) thiệt mạng (vào đúng chiều 30 Tết năm 2009), năm 2012, Bộ GTVT ban hành Thông tư quy định bắt buộc hành khách đi trên đò ngang phải mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi. Tuy nhiên, thông tư này chưa quy định xử phạt với hành khách.

Tại điều 55 của Nghị định 93/2013/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 93) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa, có hiệu lực từ 15/10 tới đây, quy đinh cụ thể: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông.

Toàn quốc hiện có khoảng 2.000 bến đò ngang, trải dài suốt 42.000km đường sông (chỉ tính tại các đoạn đường sông có khả năng khai thác vận tải thủy; nếu tính đầy đủ, cả nước có đến 220.000km sông kênh). Tuy nhiên, lực lượng kiểm soát chuyên nghiệp (gồm 2 lực lượng thanh tra đường thủy nội địa và CSGT đường thủy) chỉ mới triển khai tại 20.000km, đó là chưa kể các bến đò tại các khu vực sông, kênh rạch nhỏ chưa được thống kê. Tại những vùng "thả nồi" này, trách nhiệm thuộc về địa phương, chủ yếu là chính quyền xã. Tuy một số địa phương quản lý tốt, nhưng vẫn còn tình trạng xã thu tiền rồi khoán trắng cho chủ đò. Ông Trần Văn Cừu - Cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam cho rằng, việc kiểm soát an toàn giao thông đường thủy, trong đó có việc thực hiện quy định bắt buộc phải mặc áo phao muốn thành công phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền cơ sở.

Nghị định 93 cũng quy định rất rõ đối với thẩm quyền của lực lượng Công an nhân dân. Lực lượng Công an nhân dân có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này. Thẩm quyền cụ thể như sau: Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500.000 đồng.

Đội trưởng, Trạm trưởng, Thủy đội trưởng Cảnh sát đường thủy có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 1.500.000 đồng. Trưởng Công an cấp xã có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 2.500.000 đồng. Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.500.000 đồng.

Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự thuộc Công an cấp tỉnh, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát đường thủy, Thủy đoàn trưởng Cảnh sát đường thủy có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 15.000.000 đồng. Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc chứng chỉ hành nghề khác thuộc thẩm quyền hoặc đình chỉ hoạt động. Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 15.000.000 đồng…

Huyền Hương
.
.
.