Xử nghiêm hành vi trục lợi gói 30 nghìn tỷ

Thứ Sáu, 31/07/2015, 20:31
Mục đích của gói 30.000 tỷ đồng là để hỗ trợ cho vay đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở, ai vi phạm, trục lợi sẽ bị xử lý nghiêm… Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nói trước báo giới, chiều tối 31/7.

Theo Bộ trưởng, sau hơn 2 năm thực hiện (đến 31/5/2015), tổng số tiền cam kết cho vay đối với khách hàng khoảng 14.161 tỷ đồng (đạt gần 50% tổng số tiền của gói hỗ trợ), trong đó có hơn 18.000 hộ gia đình, cá nhân với số tiền là gần 9.000 tỷ đồng.

Ông Nên cho hay, vừa qua, báo chí phản ánh về tình hình một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ này để trục lợi, Bộ Xây dựng đã giao Thanh tra Bộ và Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản kiểm tra làm rõ; đồng thời tiến hành rà soát, tiếp tục hoàn thiện các quy định về đối tượng và điều kiện cho vay để tránh việc lợi dụng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 7/2015.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo rà soát kỹ quy trình cho vay, việc giải ngân vốn vay đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định và sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, trước hết là ở những địa phương mà báo chí phản ánh, xử lý nghiêm các vi phạm.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, trên cơ sở ý kiến phát biểu thảo luận tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, chúng ta không quá lạc quan nhưng từ thực tế con số đạt được, nhìn lại tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2015 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt kết quả tốt trên hầu hết các lĩnh vực. “Từ kết quả này cho chúng ta thấy triển vọng là nếu chúng ta tiếp tục phấn đấu quyết liệt và không có gì đột biến thì khả năng đạt và vượt các chỉ tiêu được đề ra từ đầu năm là khả thi” – Thủ tướng khẳng định.

Đề cập tới nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tinh thần chung là tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã được đề ra từ đầu năm; mỗi ngành, mỗi lĩnh vực phải lựa chọn khâu trọng tâm, khâu đột phá để tập trung chỉ đạo và thực hiện với mục tiêu là phấn đấu cao nhất để đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đã được đề ra trong đó có chỉ tiêu tổng hợp là chỉ tiêu tăng trưởng.

Thủ tướng lưu ý những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như: Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tiếp tục điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá theo hướng linh hoạt; theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, điều chỉnh giảm lãi suất theo tín hiệu lạm phát và yêu cầu ổn định; thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa; thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát tốt nhập siêu; tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường; chú trọng thực hiện tốt các chính sách về việc làm, các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội…

Về xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, qua thảo luận, các thành viên Chính phủ khẳng định sự nhất trí và quyết tâm cao trong việc đẩy mạnh thực hiện; đề nghị các thành viên Chính phủ nhất trí thông qua nội dung này để có Nghị quyết về Chính phủ điện tử, đi liền với đó là có chương trình, có Chỉ thị để giao nhiệm vụ cụ thể, qua đó quyết tâm thực hiện. “Việc thực hiện chủ chương xây dựng Chính phủ điện tử phải quyết tâm cao, kỳ này ra Nghị quyết, có Chương trình, có Chỉ thị rồi thì chúng ta cố gắng chỉ đạo, triển khai thực hiện để thực sự có chuyển biến mạnh mẽ trong việc này, đây là một cải cách hết sức quyết định” - Thủ tướng phát biểu.

Bên cạnh việc khẳng định các điều kiện thuận lợi, tiềm năng, cơ hội, lợi thế cho thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước còn rất lớn, song các thành viên Chính phủ cũng chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh, cũng như các khó khăn nội tại của nền kinh tế cần phải hết sức quan tâm ứng phó, khắc phục. Trong đó có khó khăn của khu vực nông nghiệp và thủy sản do thiên tai, hạn hán, mưa lũ; sự sụt giảm về giá và về thị trường nông sản; xuất khẩu tăng nhưng thấp hơn cùng kỳ; sự khó khăn của một bộ phận doanh nghiệp, của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, hạn hán.

Thừa nhận một số khó khăn đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, vấn đề ở đây vẫn là thị trường, vẫn là khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp hết sức chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương nhằm tìm các giải pháp hiệu quả trong tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường cho nông lâm thủy sản.

Đồng thời, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, Bộ cũng đang rất quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp với những giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững của ngành nông nghiệp. Cho biết một số nét chính trong hoạt động của ngành giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đề xuất tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý thu chi ngân sách nhà nước cũng như đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư đối với các dự án trọng điểm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên tại phiên họp báo.

Tại buổi họp báo chiều cùng ngày, liên quan việc thu phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện giao thông cơ giới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, trong thời gian qua, việc thực hiện thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Nhiều địa phương chưa triển khai thực hiện được, việc tổ chức thu gặp nhiều khó khăn, một số địa phương đã triển khai thu nhưng hiệu quả thấp.

Trước tình hình trên, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị không thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô trên phạm vi toàn quốc bắt đầu từ ngày 1/1/2016. Về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9/2015.

Đăng Hân
.
.
.