Xử lý các vụ khiếu nại tố cáo phức tạp: “Phải đối thoại với dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân”

Thứ Tư, 23/04/2014, 09:42
Sáng 22/4, tại phòng họp Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp trực tuyến với 34 địa phương trên cả nước về việc giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng kéo dài, có diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Có mặt tại cuộc họp còn có đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, các Bộ Công an, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Bộ NN&PTNT…

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh: Mặc dù thời gian qua, số vụ việc khiếu nại, tố cáo đã giảm (riêng năm 2013 giảm 2% về số lượng và 1,2% về số đoàn đông người), nhưng lại tăng 28,7% số người khiếu kiện vượt cấp đến cơ quan Trung ương. Quý I năm nay, mặc dù số vụ việc tố cáo giảm 29,07% so với cùng năm 2012, nhưng lượt người lại tăng đến 76,13%. Một số vụ việc tồn đọng kéo dài, gây bức xúc và phức tạp, một số người khiếu kiện có hành vi quá khích… Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, trong 528 vụ việc tồn đọng kéo dài, tính đến ngày 15/4, đã giải quyết được 481 vụ, còn 47 vụ đang tiếp tục giải quyết.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu: Qua khiếu nại tập trung lớn ở TP Hồ Chí Minh cho thấy, phổ biến là xung quanh chính sách đất đai và bồi thường thu hồi đất (chiếm đến 80%). Trong thực tiễn, nhiều nơi trên danh nghĩa là đất Nhà nước nhưng Nhà nước không trực tiếp quản lý và cũng không sử dụng, một số người dân đã sử dụng lâu đời, ổn định, không tranh chấp, nhưng cấp giấy chứng nhận là vướng pháp lý. Vì vậy khi thu hồi không đủ điều kiện để bồi thường, dẫn đến bức xúc.

Trả lời về kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho hay, sắp tới Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai sẽ giải quyết khúc mắc này theo hướng cấp giấy chứng nhận cho người dân. Nghị định cũng sẽ quy định cụ thể hơn về đất nông lâm trường. Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho rằng: Qua tổng kết 10 năm thi hành Luật Đất đai cho thấy pháp luật có vướng mắc, nhưng vấn đề chính là quá trình tổ chức thực hiện. “Người dân nói rằng, quyền lợi của họ không đảm bảo, chưa cân bằng giữa lợi ích của người dân và DN. Đất của người ta bồi thường thấp, 160, 170 nghìn đồng/m2; nhà đầu tư đến đổ vài xe cát bán 1, 2 triệu đồng”.

Nhận định trên khía cạnh an ninh, trật tự, Trung tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Chúng ta đã làm tốt công tác kiềm chế khiếu kiện đông người, không để nảy sinh các vụ mới, hầu hết là các vụ việc tồn đọng từ những năm trước. Tuy nhiên, về tính chất lại phức tạp hơn lên. Từ năm 2013 đến nay, khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương tăng cả về số người, vụ việc và số đoàn. Một số không còn trong phạm vi bất bình mà thể hiện tính phản kháng, có ý thức chống đối quyết liệt, phức tạp, có dấu hiệu móc nối liên quan đến các tổ chức chống đối, hình thành lên các hội dân oan, cung cấp tài chính, phương tiện, phương thức khiếu kiện cho người dân. Phải tập trung giải quyết dứt điểm để tăng niềm tin của nhân dân, tạo ra không khí xã hội tốt, làm tiền đề cho phát triển.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu về phía cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước phải lưu ý tồn tại trong giải quyết khiếu nại tố cáo của mình, lưu ý về thái độ với nhân dân, sự nghiêm minh, kỷ cương trong xử lý các vụ việc. “Một số lãnh đạo địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, chưa lắng nghe nguyện vọng của dân, thậm chí giải quyết sai pháp luật, định kiến với dân”.

Phó Thủ tướng cho rằng, cũng có những kẻ xấu kích động nhưng cơ bản dân chúng ta tốt, điều quan trọng là phải xử lý thấu tình, đạt lý, không đẩy Công an vào làm thay chính quyền để tránh đối thoại với dân, gây bức xúc căng thẳng. Phó Thủ tướng yêu cầu, thời gian tới phải thực hiện nghiêm nguyên tắc: đúng pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân

Vũ Hân
.
.
.