Xin ý kiến Bộ Chính trị về đầu mối quản lý nợ công

Thứ Ba, 12/09/2017, 17:57
Sau nhiều phiên thảo luận vẫn chưa thống nhất quan điểm về đầu mối quản lý nợ công, tại buổi làm việc ngày 12-9 cho ý kiến về Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định xin ý kiến Bộ Chính trị về vấn đề này.

Dù Quốc hội đã chính thức thảo luận về dự án luật vào kỳ họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến tại nhiều phiên họp, việc giao 1 hay 3 đầu mối quản lý nợ công vẫn chưa được thống nhất. Nếu để nguyên 3 đầu mối (cả Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước) như hiện nay sẽ không gây xáo trộn về bộ máy, kế thừa được những kinh nghiệm trước kia, nhưng cũng kế thừa luôn cả nhược điểm. 

Một trong những nhược điểm quan trọng được nhiều đại biểu nhắc đến là việc người vay, người trả, khiến nợ công khó theo dõi, không gắn trách nhiệm đi vay, sử dụng vốn với trách nhiệm trả nợ; đẩy bội chi, nợ công lên cao ngoài dự kiến. Tuy nhiên, nếu thu gọn về một đầu mối, nhiều người lo lắng về việc xáo trộn bộ máy, khi chức năng nhiệm vụ của các Bộ đã được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và các nhiều Nghị định khác nhau.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến tại buổi họp

Mặc dù thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo Luật đề xuất giữ nguyên 3 đầu mối quản lý nợ công, nhưng bản thân Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lại bảo lưu quan điểm ban đầu của Bộ này cho rằng chỉ nên quy về một đầu mối, vì “để 3 bộ cùng làm thực sự quá không tốt”, và “thấy bất cập mà không sửa là quá dở”.

Đến buổi làm việc này, báo cáo giải trình của Chính phủ vẫn đề nghị quy định theo hướng: Chính phủ thống nhất quản lý về nợ công, các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nợ công theo phân công của Chính phủ. Ở góc độ cơ quan thẩm tra, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách lại đề nghị luật cần quy định rõ: Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công, giao một cơ quan làm đầu mối giúp Chính phủ quản lý theo hướng giao Bộ Tài chính. Chính phủ phân công nhiệm vụ đối với các bộ, ngành có liên quan trong việc phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý nợ công.

Luôn tỏ rõ thái độ phải đưa về một đầu mối quản lý, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Báo cáo giải trình của Chính phủ dài 4 trang, rất quán triệt Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, và cuối cùng giữ nguyên như cũ, không thay đổi gì cả. Tôi cho rằng cái này không thể chấp nhận được. Trước đây, người ta phê bình luật của chúng ta là luật khung, luật ống, không giao cụ thể, thực hiện rất khó. Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước là đương nhiên, nhưng phải có 1 đầu mối giúp Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc ấy. Tôi thấy Bộ trưởng Bộ Tài chính chẳng tiếp thu gì cả. Có nghĩa là (dự thảo luật) vẫn như cũ, thậm chí còn tụt lùi so với luật cũ”. Với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội thống nhất với đa số ý kiến của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách và “không đồng ý với bản giải trình của Chính phủ”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, phải có Bộ trưởng chịu trách nhiệm thì mới giám sát và chất vấn được, chứ "cứ tùm lum thì không thể giám sát được". “Vừa qua, do quản lý cắt khúc, nên đến hạn trả nợ thì không trả nợ được mà lại đi vay để đáo hạn, giờ nợ công gần chạm trần và cứ đến hạn là phải vay tiếp để đáo hạn”.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình thì cho rằng “cần hiểu sâu hơn cách viết của luật quản lý nợ công hiện hành”, bởi trong luật này cũng đã ghi Bộ Tài chính “giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công” và Chính phủ “thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, phân công trách nhiệm của từng cơ quan và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan” trong quản lý nợ công. 

Tuy nhiên, quá trình này lại có 3 giai đoạn: huy động, đàm phán, ký kết, và ông Bình cho rằng: “Nếu ta viết như điều luật hiện nay thì vẫn không làm rõ được trách nhiệm huy động, đàm phán, ký kết hiệp định vay vốn thế nào. Rõ ràng, ý kiến của Thường vụ là muốn thống nhất toàn bộ quá trình này, từ lúc thương thảo đến ký kết, sử dụng, trả, là 1 đơn vị, chứ không phải chỉ quản lý nợ công”. 

Do đó, ông Phan Thanh Bình đề nghị Chính phủ giải trình, việc tách 3 giai đoạn đàm phán, ký kết, trả nợ hiện nay thuận lợi hay không thuận lợi. “Đây là yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Như trình bày của anh Hải (Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải) thì rõ ràng Chính phủ cũng nhận thức được 3 giai đoạn này hiện nay đang có vấn đề”. Theo ông Bình, phương án chính thức sẽ được quyết định trên cơ sở báo cáo chính thức của Chính phủ, kết quả Hội nghị Trung ương 6 và xin ý kiến Bộ Chính trị,

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Luật này ra đời là để khắc phục các hạn chế hiện hành mà Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị cũng đã chỉ ra. Hiện nay, quản lý nợ công có sự chồng chéo, nhất là các khoản vay nước ngoài. Đơn cử, Chính phủ rất nhiều lần phải báo cáo Quốc hội cho điều chỉnh vì giải ngân ODA vượt dự toán, do quản lý không tốt. Tôi đã giao cho Uỷ ban Tài chính – Ngân sách phải có văn bản báo cáo Chính phủ là sắp vượt 300.000 tỷ đồng vay ODA rồi, nếu Chính phủ tiếp tục vay vượt trần là không thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thống nhất quan điểm: Bộ Tài chính sẽ là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ và phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề nợ công. Sự phối hợp của các bộ, từ đàm phán, ký kết, thì giao cho Chính phủ phân công cụ thể, nhưng phải đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết 07. Đảng Đoàn Quốc hội sẽ có báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về vấn đề này. 


Vũ Hân
.
.
.