Xe bị tạm giữ mất mát, hư hỏng: Chưa ai chịu trách nhiệm

Thứ Ba, 09/10/2007, 17:13
Căn cứ vào "Hợp đồng" thì Công ty Khai thác điểm đỗ xe HN, đơn vị tổ chức trông giữ phương tiện vi phạm trật tự ATGT bị tạm giữ, có trách nhiệm với việc mất mát phụ tùng hay bị rút xăng nếu có thắc mắc. Tuy nhiên, đại diện Cty này thì "đổ" cho biên bản bàn giao giữa CSGT và Cty không rõ ràng.

Báo CAND đã có loạt bài phản ánh tình trạng quá tải, nhếch nhác ở các điểm trông giữ xe vi phạm Luật Giao thông trên địa bàn Hà Nội.

Gần đây, dư luận lại rất bức xúc trước tình trạng các phương tiện vi phạm Luật Giao thông sau thời gian bị giữ, hầu hết các xe khi được trả đều đã bị hư hỏng, xuống cấp, thậm chí một số bộ phận trong xe đã bị mất mát.

Các xe còn bị rút hết xăng với lý do để phòng chống cháy nổ, nhưng khi được trả xe đã không được trả lại xăng như cũ nên các khổ chủ đều phải dắt xe đi mua xăng ngay khi được nhận xe.

Chưa kể các bộ phận có giá trị khác trong xe, thì mỗi bãi xe có hàng ngàn chiếc, nghĩa là cũng có cả ngàn lít xăng bị rút ra mà không ai biết được hành trình của nó đi về đâu?

Phải chịu phí trông xe khá cao: 3-5.000đ/ngày đêm với xe máy và 84.000đ/ngày đêm với xe ôtô, mà vẫn phải chịu sự thiệt thòi về tài sản như vậy đã khiến người dân hết sức bức xúc. Nhưng trách nhiệm trước vấn đề này có phải hoàn toàn thuộc về lực lượng CSGT như quy kết của người dân?

Để tìm hiểu, chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội và cơ quan liên quan để có câu trả lời xác đáng.

Theo đại diện Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, hiện nay toàn bộ phương tiện vi phạm sau khi lập biên bản đã được bàn giao ngay về các điểm trông giữ xe của Công ty Khai thác điểm đỗ xe, thuộc Sở Giao thông công chính Hà Nội.

Đây là đơn vị được UBND TP Hà Nội cho phép khai thác và cũng là đơn vị duy nhất Phòng CSGT Công an TP Hà Nội ký hợp đồng trông giữ xe vi phạm chờ xử lý.

Căn cứ vào "Hợp đồng trông giữ xe vi phạm chờ xử lý" ngày 5/5/2006 giữa Phòng CSGT và Công ty Khai thác điểm đỗ xe, Phòng CSGT (bên A) có trách nhiệm bàn giao mặt bằng, cung cấp nguồn điện và nước sinh hoạt tại điểm trông xe, còn có trách nhiệm phối hợp tổ chức quản lý trông giữ xe vi phạm.

Bên B, tức Công ty Khai thác điểm đỗ xe phải "tổ chức lực lượng trông giữ xe 24/24 giờ đảm bảo an toàn cho phương tiện và tài sản nhận trông giữ. Nếu để xảy ra hỏa hoạn, mất xe, mất phụ tùng hoặc chủ phương tiện có thắc mắc khi thấy tình trạng xe sai lệch với tình trạng xe ghi trong biên bản tạm giữ môtô, xe máy của Công an thành phố thì bên B có trách nhiệm bồi thường cho người có phương tiện theo qui định".

Với hợp đồng này, có thể hiểu ngay rằng, Công ty Khai thác điểm đỗ xe chính là người phải chịu trách nhiệm với việc mất mát phụ tùng hay bị rút xăng nếu có thắc mắc.

Nhất là khi, theo một cán bộ CSGT của Đội 1, thì khi đưa xe vào điểm đỗ, ngoài CSGT, còn có chủ phương tiện đi cùng, nên việc mất mát từ phía CSGT là không thể xảy ra.

Nhưng điều mấu chốt nhất là cho đến nay, cả Phòng CSGT Công an TP Hà Nội lẫn Công ty Khai thác điểm đỗ xe đều chưa từng nhận được một sự khiếu nại nào về tình trạng mất mát như dư luận phản ánh.

Hơn nữa, nếu có khiếu nại, cũng sẽ khó nhận được sự bồi hoàn, bởi "Biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính" của CSGT đều không chi tiết, nhất là đều có câu "máy bên trong không kiểm tra" (với xe máy) và "bên trong xe không kiểm tra" (với ôtô), chứ không ghi có xăng hay không, lượng xăng còn bao nhiêu, thì việc mất mát phụ tùng hay bị rút xăng là điều hoàn toàn có thể xảy ra như phản ánh.

Thực tế, CSGT chính là người lập biên bản và giữ phương tiện giao thông để chờ xử lý thì về mặt pháp lý vẫn phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra mất mát hay hư hỏng phương tiện của người vi phạm Luật Giao thông.

Thượng tá Tạ Văn Ký.

Thượng tá Tạ Văn Ký, Phó trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội: "Quy định trách nhiệm đã rõ ràng, sai đâu xử lý đấy"

PV: Vậy ai chịu trách nhiệm về sự an toàn đối với xe của người dân sau khi tạm giữ, thưa đồng chí?

Thượng tá Tạ Văn Ký (TTTVK): Điều này quy định rõ trong hợp đồng trông giữ xe vi phạm chờ xử lý như vừa nói. Chúng tôi không từ chối trách nhiệm. Nhưng hợp đồng trông giữ xe đã quy định rõ. Bên nào sai bên đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải đền bù cho người dân.

Phía Phòng CSGT, tất cả các đội CSGT, các đơn vị khi bàn giao xe vi phạm đều kèm theo hồ sơ bao gồm: Biên bản vi phạm, biên bản tình trạng xe cho bên nhận. Vì thế, việc truy nguyên trách nhiệm không khó.

PV: Xe sau thời gian tạm giữ bị xuống cấp đã đành. Nhiều trường hợp còn phát hiện xe bị mất ắc quy, đổi đèn, giảm sóc…, nhưng người dân không biết kêu ai, đồng chí nghĩ sao về điều này?

TTTVK: Người dân phát hiện xe bị mất đồ, thay tháo phụ tùng thì phản ánh ngay với người có trách nhiệm tại điểm trông giữ. Cá nhân tôi được biết, có tình trạng xe vi phạm vào nhập kho, người trông giữ phương tiện có tháo hết xăng với lý do phòng cháy.

Sau đó, khi người dân nhận xe quả đúng là không được bên trông giữ xe hoàn trả xăng cho họ. Còn các trường hợp mất phụ tùng xe khác, cho đến nay tôi chưa nhận được đơn phản ánh của người dân nào.

PV: Vi phạm TTATGT bị tạm giữ phương tiện theo quy định pháp luật là đúng. Nhưng nhiều khi mắc lỗi nhỏ về TTATGT, mà tạm giữ để phương tiện đó xuống cấp, thậm chí hư hỏng nặng, theo đồng chí liệu có cách nào khác xử lý tốt hơn để bảo vệ tài sản người dân?

TTTVK: Trước mắt, Phòng CSGT Hà Nội phải thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ (Nghị định 146/CP) và quyết định của thành phố về các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông nói chung, tạm giữ, quản lý phương tiện vi phạm nói riêng. Nếu có cách làm khác tối ưu hơn, thuận lợi hơn thì theo tôi nghĩ, cần phải thí điểm, tổng kết đánh giá rồi mới có thể nhân rộng.

PV: Có ý kiến khác, rằng cần nâng mức phạt nặng hơn đối với người vi phạm để giải phóng phương tiện vừa nhẹ cho nhà quản lý, lại có sức răn đe hiệu quả hơn?

TTTVK: Hiện nay chưa có quy định nào cho phép CSGT và các cơ quan chức năng phạt nặng người vi phạm rồi cho giải phóng phương tiện. Ý kiến này có điểm đáng xem xét. Nếu thực hiện theo cách này, thành phố không phải tăng thêm nhân viên trông giữ phương tiện, các phương tiện không bị phơi sương, nắng, hư hỏng mất mát, phòng tránh được tiêu cực.

Nhưng trên thực tế, nhiều xe vi phạm không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc xuất xứ thì vẫn phải trông giữ để xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, muốn làm như trên, cần phải tính toán kỹ, làm thử, để kiến nghị lên trên.

Con số 2.896 xe vi phạm các loại đang nằm trong các điểm trông giữ từ 2003 đến nay là vấn đề rất đáng quan ngại cần sớm có giải pháp.

Thanh Phong (thực hiện)

Ông Nguyễn Duy Hùng.

Ông Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội: "Phải chi tiết biên bản giữ xe vi phạm mới làm rõ trách nhiệm mỗi bên"

PV: Thưa ông, Hợp đồng trông giữ xe vi phạm giữa Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội và Công ty Khai thác điểm đỗ xe được thực hiện từ khi nào?

Ông Nguyễn Duy Hùng (NDH): Thực hiện Nghị định 13 của Chính phủ, năm 2003, chúng tôi bắt đầu trông giữ phương tiện vi phạm hành chính do Phòng CSGT Công an TP Hà Nội xử lý vi phạm.

Ban đầu chỉ ở bãi Tứ Kỳ, Thanh Trì, Hà Nội, nhưng rồi số lượng xe vi phạm bị giữ tăng rất nhanh, khiến chúng tôi phải mở thêm các điểm trông giữ ở Dịch Vọng, Gia Thụy, Mỹ Đình, Kim Ngưu, Hải Bối v.v…

Năm 2004, TP Hà Nội có Quy định 71, giao cho Công ty Khai thác điểm đỗ xe là đơn vị duy nhất trông giữ phương tiện vi phạm hành chính.

PV: Là đơn vị duy nhất được TP cho phép trông giữ phương tiện vi phạm, Công ty sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước các thắc mắc hay khiếu nại của chủ phương tiện, nếu có?

Ông NDH: Về lý thuyết thì đúng là chỉ có Công ty Khai thác điểm đỗ xe được phép trông giữ phương tiện vi phạm. Nhưng trên thực tế thì không phải vậy. Vẫn có nhiều doanh nghiệp, HTX tổ chức trông giữ xe vi phạm, thu phí cao hơn quy định của Nhà nước, thậm chí  không có vé, mà báo chí đã phản ánh.

PV: Dư luận rất bức xúc trước việc sau thời gian bị giữ, các chủ phương tiện đều phải nhận lại xe trong tình trạng không còn nguyên như lúc bị tạm giữ, như mất gương, vỡ yếm, mất IC, ắc qui và đều bị rút hết xăng. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông NDH: Thực tế thì Công ty chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thắc mắc hay khiếu nại nào của các chủ phương tiện. Những người trông giữ xe đều được lựa chọn từ những cán bộ cốt cán, có sự kiểm tra thường xuyên với các chứng từ, ấn chỉ đầy đủ.

Chúng tôi cũng không cho phép rút xăng vì chính việc đó có thể gây cháy nổ. Còn việc gãy gương, vỡ yếm hay trầy xước là khó tránh khỏi trong quá trình vận chuyển. Còn việc mất IC hay ắc quy thì khó xảy ra vì chúng tôi thường xuyên ngăn chặn bằng các qui trình, qui chế.

Hơn nữa, biên bản bàn giao của CSGT cho chúng tôi không chi tiết, nên không thể biết được còn xăng, IC hay ắc qui trong xe hay không.

Tôi cho rằng, phương án trông giữ xe vi phạm có quá nhiều rắc rối. Đó là còn chưa xảy ra hỏa hoạn. Tốt nhất là tăng mức phạt như với việc đội mũ bảo hiểm sẽ có hiệu quả.

PV: Xin cám ơn ông!

Thanh Hằng (thực hiện)

PV
.
.
.