Xây dựng và phát triển kinh tế Việt Nam trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 03/09/2014, 21:52
Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân nhiều tác phẩm lý luận lớn, có giá trị, trong đó có tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Bản Di chúc chứa đựng một phức hợp các giá trị phổ quát, bao trùm mọi mặt đời sống xã hội: Kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, đạo đức, quan hệ và nguyên tắc ứng xử giữa các quốc gia dân tộc, làm thành hệ giá trị phát triển bền vững.

Toàn bộ tinh thần của Di chúc xâu chuỗi nhận thức và hành động đổi mới trong việc xử lý các mối quan hệ, giải quyết tất cả những vấn đề phức tạp, khó khăn, nhất là trong xây dựng, phát triển kinh tế. Chính vì vậy, Di chúc cùng với Đời sống mới (1947), Sửa đổi lối làm việc (1947), Dân vận (1949) là những tác phẩm của Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho tư duy đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, trước hết là đổi mới tư duy về kinh tế vào năm 1986.

Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã xác lập một hệ quan điểm về xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập tự chủ, có khả năng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu luôn luôn vận động, phát triển.

Hồ Chí Minh nhất quán một quan điểm: Xây dựng và phát triển kinh tế Việt Nam đều tập trung vào một mục tiêu duy nhất: Từng bước cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Đây là công việc lâu dài, làm từng bước một, từ thấp đến cao, trước hết là thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu, đảm bảo sự sinh tồn và phát triển: Ăn, mặc, ở, học hành, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân.

Vấn đề đặt ra là Đảng Cộng sản cầm quyền phải chủ động xây dựng kế hoạch rõ ràng, khoa học, chi tiết, cụ thể, làm sao đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nhất là nông nghiệp, gắn với thực hành tiết kiệm theo phương châm: Nghèo thiếu trở nên đủ ăn; đủ ăn trở nên khá, giàu; giàu rồi thì giàu thêm để dân giàu, nước mạnh...

Hồ Chí Minh chủ trương khoan thư sức dân bằng cách khuyến cáo Chính phủ miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân.

Ở đây, Hồ Chí Minh đã nâng truyền thống trị nước của cha ông lên một tầm cao mới, đạt đến chủ nghĩa nhân văn cách mạng hiện đại.

Hồ Chí Minh đã trù liệu, với tầm nhìn dài hạn, một kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Người chủ trương khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế với nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế khác nhau vận hành trong một nền kinh tế quốc dân thống nhất. Mong muốn của Hồ Chí Minh là tạo mọi cơ hội tốt nhất để mọi giai tầng xã hội đóng góp nguồn lực của mình trong sự nghiệp chấn hưng dân tộc; làm cho mọi vùng, miền tự lực vươn lên bình đẳng và cùng phát triển.

Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ rằng: Xây dựng, phát triển kinh tế nước nhà, công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới tốt đẹp là công việc “rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Vì thế, xây dựng kinh tế nhằm cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân phải trở thành sự nghiệp của toàn dân, của mọi người Việt Nam yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong xây dựng, phát triển kinh tế Việt Nam, Hồ Chí Minh có quan niệm đặc sắc: Phát triển toàn diện, đồng đều mọi mặt đời sống xã hội. Đó là sự gắn kết kinh tế với chính trị, xã hội, đạo đức, văn hoá trong tiến trình phát triển của đất nước. Trong Di chúc, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, phát triển kinh tế Việt Nam đạt đến chiều sâu văn hóa. Thực hiện Di chúc của Hồ Chí Minh, 45 năm qua, nhân dân Việt Nam anh hùng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đoàn kết một lòng, đem hết tinh thần và nghị lực, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế theo những di huấn của Hồ Chí Minh. 

 Thực hiện di nguyện của Hồ Chí Minh, Đảng ta vạch ra đường lối đổi mới, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, trước hết là ổn định, nâng cao đời sống của nhân dân lao động. Từ một nước nhập khẩu lương thực, thực phẩm, nước ta trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, cao su và các sản phẩm thủy, hải sản đứng hàng đầu trên thế giới. Từ một nước có tốc độ phát triển rất thấp sau những năm chiến tranh, nước ta trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển cao và ổn định ở khu vực và châu Á. Nông dân được miễn giảm thuế và miễn thuế nông nghiệp theo đúng lời dạy trong Di chúc của Bác Hồ. Nhà nước có chính sách hỗ trợ thủy lợi phí và khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện cho làm giàu chính đáng. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được những thành tựu quan trọng được thế giới công nhận... Trên đà phát triển của kinh tế - văn hóa, đời sống mọi mặt của nhân dân ngày càng được cải thiện. Song, khoảng cách phát triển giữa nước ta và các nước trong khu vực và trên thế giới còn lớn. Nguy cơ tụt hậu về kinh tế đang đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân ta những trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi nhân dân ta phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa sức mạnh nội lực của toàn dân tộc, tận dụng các cơ hội để vượt qua thách thức, xây dựng ý chí tự cường dân tộc, động viên mọi người vươn lên làm giàu chính đáng cho mình, cho cộng đồng và toàn xã hội, thực hiện bằng được mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh". Trong quá trình cách mạng không ngừng đó, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tỏa sáng trong tâm hồn, trí tuệ dân tộc Việt Nam và sự trân trọng, kính phục của nhân dân thế giới

P.V.A
.
.
.