Xây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh, tăng cường khả năng bảo vệ đất nước

Thứ Hai, 18/11/2013, 10:45
Sáng nay 18/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về chỉnh lý dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi. Đây là phiên họp lấy ý kiến lần cuối, dự kiến đến 28/11/2013, Quốc hội chính thức biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, tăng cường khả năng bảo vệ đất nước là nội dung định rõ tại dự thảo Hiến pháp.

Giải trình về việc tiếp thu ý kiến đại biểu, Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (DTSĐHP) Phan Trung Lý cho biết, các vị đại biểu Quốc hội đều cơ bản tán thành với dự thảo và cho rằng, dự thảo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Các vị đại biểu Quốc hội tán thành với lời nói đầu.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị thể hiện rõ hơn, thuyết phục hơn và mang tính hiệu triệu, kêu gọi, có sức mạnh lan tỏa hơn. Có ý kiến đề nghị thể hiện đoạn 2 và đoạn 3 như dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, đồng thời, đề nghị chỉnh sửa lại một số từ ngữ để bảo đảm chính xác và phù hợp hơn. Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho tiếp thu, chỉnh lý Lời nói đầu, bảo đảm súc tích và chính xác hơn như dự thảo.

Về quyền con người, như trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội tại phiên họp trước, Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, quyền con người, quyền công dân tuy là những khái niệm khác nhau nhưng lại có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó mật thiết với nhau. Vì vậy, không thể tách bạch quyền con người và quyền công dân thành các mục riêng biệt mà sắp xếp các nội dung của Chương II theo trình tự: các nguyên tắc chung, các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, các nghĩa vụ.

Cách thể hiện như vậy được tham khảo từ các Công ước quốc tế về quyền con người và Hiến pháp một số nước. Đồng thời, để làm rõ sự khác biệt giữa quyền con người, quyền công dân, Dự thảo đã sử dụng từ “mọi người”, “không ai” khi thể hiện quyền con người và dùng từ “công dân” khi quy định về quyền công dân.

Trưởng Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 Phan Trung Lý báo cáo việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.

Về việc hạn chế quyền con người, quyền công dân (Điều 14), có ý kiến đề nghị bỏ quy định về lý do và trường hợp hạn chế quyền con người, quyền công dân; thay cụm từ “trật tự, an toàn xã hội” bằng cụm từ “trật tự công cộng”.  Ủy ban DTSĐHP cho rằng, để bảo đảm chặt chẽ, tránh tùy tiện trong việc hạn chế quyền con người, quyền công dân, cần quy định rõ lý do và những trường hợp có thể hạn chế quyền theo tinh thần các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, đồng thời, phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta. Do vậy, xin Quốc hội cho giữ quy định về nội dung này như trong dự thảo.

Về quyền sử dụng trợ giúp pháp lý (khoản 4 Điều 31), có ý kiến cho rằng việc dùng cụm từ “trợ giúp pháp lý” tại khoản 4 là không phù hợp mà cần nhấn mạnh quyền “có luật sư bào chữa” của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử. Ủy ban DTSĐHP nhận định, theo quy định của pháp luật hiện hành, việc bào chữa có thể được thực hiện bởi chính người bị bắt, bị tạm giữ, bị khởi tố, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử, bởi luật sư hoặc người khác.

Do vậy, quy định quyền “có luật sư bào chữa” sẽ không đầy đủ mà cần khẳng định quyền được bào chữa của những người này. Do đó, tiếp thu một phần ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại khoản 4 Điều 31 cho chính xác hơn như sau: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền bào chữa và sử dụng trợ giúp pháp lý”.

Về quyền, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc (Điều 45), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về nghĩa vụ công an và nghĩa vụ tham gia xây dựng nền an ninh nhân dân. Theo Ủy ban DTSĐHP, Điều 45 của dự thảo là kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992, trong đó quy định nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là quyền và nghĩa vụ cơ bản của mỗi công dân. Ngoài các quyền, nghĩa vụ cơ bản này, công dân còn có các quyền và nghĩa vụ khác được quy định trong các văn bản khác nhau của hệ thống pháp luật.

Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi quy định nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh.

Tại Điều 64 của Dự thảo cũng đã có quy định chung về trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, Ủy ban DTSĐHP xin Quốc hội cho thể hiện nội dung này như trong dự thảo. Điều 68 (sửa đổi, bổ sung Điều 48) quy định:Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; xây dựng công nghiệp quốc phòng - an ninh; bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh; thực hiện chính sách hậu phương quân đội; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ và chiến sỹ, công nhân, nhân viên phù hợp với tính chất hoạt động của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước”.

Về thu hồi đất (khoản 3 Điều 54), đa số ý kiến tán thành với quy định về thu hồi đất như Dự thảo. Một số ý kiến băn khoăn về quy định thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội vì cho rằng, thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đã bao hàm các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Về vấn đề này, ngoài những căn cứ đã thể hiện trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội tại phiên họp trước, Ủy ban DTSĐHP giải thích,  để phục vụ cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, bên cạnh việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia thì Nhà nước vẫn cần thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề ở chỗ là Luật đất đai phải quy định thật cụ thể các trường hợp thu hồi đất và việc thu hồi đất phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và phải được bồi thường.

Điều 65 (sửa đổi, bổ sung Điều 45)

Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Điều 66 (sửa đổi, bổ sung Điều 46)

Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp.  

Điều 67 (sửa đổi, bổ sung Điều 47)

Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Điều 68 (sửa đổi, bổ sung Điều 48)

Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; xây dựng công nghiệp quốc phòng - an ninh; bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh; thực hiện chính sách hậu phương quân đội; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ và chiến sỹ, công nhân, nhân viên phù hợp với tính chất hoạt động của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước.

(trích dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992)

Đ.Minh
.
.
.