Xây ẩu do phải "chi" nhiều

Thứ Tư, 29/04/2009, 15:09
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, do phải "chi" nhiều khoản ngoài chế độ cho đối tác hoặc bản thân dính tiêu cực, tư túi cá nhân… nên đã tìm cách "hạ chất lượng" công trình xây dựng để bù đắp.

Ngày 28/4, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo khoa học về thực trạng và giải pháp tăng cường quản lý chất lượng các công trình xây dựng với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân và nhiều nhà khoa học đầu ngành về xây dựng, địa chất, giao thông...

Thông qua việc xem xét các sự cố xây dựng cụ thể, các nhà khoa học đã phân tích nguyên nhân gây ra sự cố dưới nhiều khía cạnh như địa chất, thiết kế, khảo sát, kỹ thuật thi công, cơ chế chính sách về quản lý xây dựng, nhiều giải pháp cụ thể về từng lĩnh vực trong quản lý chất lượng công trình đã được đưa ra bàn thảo sôi nổi.

Công tác bảo trì các công trình cũ chưa được quan tâm nhiều

Theo đánh giá của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, trong vòng 5 năm trở lại đây, công tác đầu tư xây dựng cơ bản được triển khai ngày một nhiều.

Số lượng các công trình ở mọi quy mô ngày một tăng, bình quân mỗi năm cả nước có trên 6.000 dự án đầu tư công trình được xây dựng triển khai, trong đó tỷ lệ các dự án nhóm A khoảng 5% công trình, nhóm B hơn 20% công trình, nhóm C hơn 75% công trình. Trong số đó có tới 90% công trình đạt chất lượng từ khá trở lên.

Tuy nhiên, qua thống kê nhiều năm cho thấy sự cố công trình xảy ra nhiều ở các công trình quy mô nhỏ, nhà ở riêng lẻ và thường xảy ra trong giai đoạn thi công xây dựng.

Cùng đó là một số sự cố lớn về chất lượng công trình như sự cố sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ, sự cố sạt lở mỏ đá ĐIII Thủy điện Bản Vẽ, sự cố đập chính sau mùa lũ năm 2007 công trình hồ chứa nước Cửa Đạt, sự cố nứt bê tông các đốt hầm dìm Thủ Thiêm…

Cần siết chặt quản lý để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng.

Nghiêm trọng hơn, một số công trình mới đưa vào sử dụng cũng bộc lộ khiếm khuyết về chất lượng gây bức xúc trong dư luận xã hội như chất lượng các công trình nhà ở tái định cư, sụt trượt trên một số quốc lộ, sự xuống cấp ở một số công trình văn hóa, hạ tầng kỹ thuật đô thị… Nguyên nhân một phần là do vấn đề bảo trì các công trình chưa được quan tâm nhiều.

Chất lượng xấu là do phải "chi" nhiều khoản ngoài chế độ

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thì cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các công trình thi công không đảm bảo chất lượng là do khá nhiều nhà thầu không thực hiện nghiêm những quy định hiện hành của Nhà nước là phải có hệ thống quản lý chất lượng theo yêu cầu, tính chất quy mô công trình xây dựng trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đồng thời mọi công việc phải được nghiệm thu nội bộ trước khi mời giám sát nghiệm thu ký biên bản, trong thực tế nhiều đơn vị không thực hiện các quy định này; không bố trí đủ cán bộ giám sát nội bộ, thậm chí còn khoán trắng cho các đội thi công và phó mặc cho giám sát của chủ đầu tư.

Vị Chủ tịch Hiệp hội này còn nhấn mạnh, một điều rất quan trọng đối với các nhà thầu là việc lập biện pháp tổ chức thi công công trình đặc biệt đối với công trình lớn, chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến các sai phạm, sự cố công trình ví như biện pháp thi công cầu Cần Thơ, thi công đầm lăn Thủy điện Sơn La, hầm Thủ Thiêm… Ngoài ra, do phải "chi" nhiều khoản ngoài chế độ cho đối tác hoặc bản thân dính tiêu cực, tư túi cá nhân… nên đã tìm cách "hạ chất lượng sản phẩm" để bù đắp.

Cũng bức xúc về vấn quản lý chất lượng công trình xây dựng, đại diện của Sở Xây dựng TP HCM cũng đưa ra nhận định, hầu hết các dự án vốn không cao, được chỉ định thầu cả tư vấn, rồi xây lắp và chỉ một số nhà thầu "quen biết" nhận được - không loại trừ đó là những công ty "sân sau" của chủ đầu tư.

Điều này dẫn đến tiến độ trễ cũng không dám phạt; chất lượng có kém, cũng phải bảo vệ cho nhau. Cùng đó bản thân tư vấn quy hoạch được chỉ định thầu - đang bị lợi dụng để giao việc tập trung cho một vài tổ chức, cá nhân "khuất" nên chất lượng không cao, tiến độ quá chậm, là điều không quá khó hiểu.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cảnh báo, nếu không làm tốt công tác quản lý chất lượng, một vài năm tới khi các công trình hoàn thành nhưng hoạt động không hiệu quả lại ảnh hưởng lớn đến kinh tế đất nước.

Phó Thủ tướng lưu ý, khi triển khai một dự án xây dựng công tác nghiên cứu chuẩn bị phải làm kỹ, khi thi công phải nhanh gọn. Thực tế các nước chuẩn bị lâu nhưng khi thi công nhanh gọn còn thực tế ở nước ta thì ngược lại

Thanh Huyền - Thu Uyên
.
.
.