Washington gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng

Thứ Tư, 11/04/2012, 09:00

Càng gần đến thời điểm CHDCND Triều Tiên dự định phóng vệ tinh, bầu không khí chính trị ở khu vực Đông Bắc Á càng "nóng". Trong khi Bình Nhưỡng kiên quyết bảo vệ quyền phóng vệ tinh cùng những tuyên bố xoa dịu nỗi lo của phương Tây thì Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang thực hiện dồn dập các hoạt động ngoại giao nhằm tạo sức ép mạnh lên CHDCND Triều Tiên để nước này từ bỏ kế hoạch gây nhiều tranh cãi.
>> Duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên

Vệ tinh đã lắp vào tên lửa

Trong một cuộc họp báo hiếm hoi tại thủ đô Bình Nhưỡng trưa 10/4, giới chức ngành vũ trụ của CHDCND Triều Tiên thông báo rằng, vệ tinh Kwangmyongsong-3 nặng 100kg đã được lắp vào tên lửa Unha-3. Đây là bước chuẩn bị cuối cùng cho việc phóng vệ tinh.

Trước đó một ngày, CHDCND Triều Tiên đã bắt đầu nạp nhiên liệu cho tên lửa Unha-3 sau khi nó được đặt vào bệ phóng Tongchang-ri. Phát biểu trước hàng chục phóng viên quốc tế được mời tới thị sát việc phóng tên lửa mang vệ tinh, Phó Giám đốc Ban phát triển vũ trụ tại Ủy ban công nghệ vũ trụ CHDCND Triều Tiên Ryu Kum-chol nói: "Chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành việc lắp đặt vào hôm nay (10/4). Thời gian tiến hành phóng dự kiến từ ngày 12 đến 16/4 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành". Đồng thời, ông Ryu Kum-chol còn tiết lộ rằng, tên lửa mang vệ tinh Unha-3 được thiết kế với khả năng tự phá hủy thông qua trung tâm kiểm soát dưới mặt đất nếu xảy ra trục trặc.

Tên lửa Unha-3 mang vệ tinh Kwangmyongsong-3 dự kiến sẽ được phóng từ bệ phóng Tongchang-ri trong khoảng thời gian từ 12 đến 16 tháng 4. Ảnh: AP.

Ông Ryu Kum-chol cũng đã bác bỏ các tin đồn nói rằng vụ phóng vệ tinh chỉ là bình phong cho việc phát triển công nghệ tên lửa. Theo nhiều nhà phân tích, đây cũng là cách mà CHDCND Triều Tiên thể hiện phản ứng trước việc Hàn Quốc thông tin rằng, Bình Nhưỡng đang bí mật xây dựng cơ sở hạt nhân ngầm tại Punggye-ri, chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 sau hoạt động phóng tên lửa mang vệ tinh.

Thậm chí, để lấy lòng tin của dư luận, Hàn Quốc còn cho công bố một số ảnh chụp từ vệ tinh, coi là bằng chứng cho những thông tin nói trên. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa một thông tin tình báo nước nào khẳng định điều này. Trở lại với vụ phóng vệ tinh, ông Paek Chung-ho, một quan chức cấp cao khác cũng thuộc Ủy ban công nghệ vũ trụ CHDCND Triều Tiên khẳng định rằng, vụ phóng vệ tinh sẽ không gây tác hại đến các quốc gia láng giềng cũng như toàn khu vực.

Cho đến chiều 10/4, Bình Nhưỡng vẫn chưa ấn định thời điểm cụ thể cho kế hoạch phóng vệ tinh nhưng hé lộ sẽ mời các nhà báo nước ngoài tham quan trung tâm kiểm soát vũ trụ toàn diện tại Bình Nhưỡng trong ngày 11/4.

Sức ép lên Hội đồng Bảo an LHQ

Bất chấp những thông tin công khai từ phía CHDCND Triều Tiên, Mỹ vẫn liên tục gây sức ép, yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ kế hoạch thử tên lửa mang vệ tinh. Đồng thời, Mỹ cũng hối thúc Trung Quốc ngăn cản CHDCND Triều Tiên. Với quan điểm vụ phóng tên lửa mang vệ tinh là một hành động khiêu khích, đe dọa an ninh khu vực và trái với những cam kết gần đây của CHDCND Triều Tiên về việc không thực hiện bất cứ vụ phóng tên lửa tầm xa nào, Mỹ đã tạm ngừng việc thực hiện thỏa thuận cung cấp lương thực cho Bình Nhưỡng.

Chưa hết, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Susan Rice còn đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ nhóm họp để thảo luận về vấn đề này và "có phản ứng một cách thích đáng đối với cả vụ phóng tên lửa lẫn bất cứ hành động tiềm tàng nào tiếp sau". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thì có cuộc điện đàm kéo dài 30 phút với người đồng cấp Hàn Quốc Kim Kwan-jin để thảo luận về những nỗ lực bảo vệ Seoul trong bối cảnh gia tăng căng thẳng do kế hoạch phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên.

Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba ngày 10/4 đã lên đường đi Washington để thảo luận vấn đề liên quan tới CHDCND Triều Tiên và Iran với Ngoại trưởng các nước G8. Đó là chưa kể những hoạt động quân sự khác của Nhật Bản nhằm chuẩn bị cho hành động đối phó với vụ phóng tên lửa mang vệ tinh của CHDCND Triều Tiên.

Trong một diễn biến khác, 3 hãng hàng không châu Á gồm hãng Philippine Airlines của Philippines, các hãng Japan Airlines (JAL) và All Nippon Airways (ANA) của Nhật Bản đã tuyên bố thay đổi đường bay để tránh vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên...

Gia Nam
.
.
.