Vốn về Tây Nguyên, cơ hội thoát nghèo bền vững

Thứ Ba, 19/05/2015, 18:48
Là 1 trong 6 vùng kinh tế lớn của Việt Nam, với nhiều lợi thế phát triển, nhưng Tây Nguyên hiện vẫn là 1 vùng kinh tế khó khăn so với cả nước. Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên là cơ hội để thu hút dòng vốn đến với miền đất cao nguyên nhiều tiềm năng.

Tái canh cây cà phê được rót vốn ưu đãi, dài hơi

Việt Nam là nước đứng thứ 2 trên thế giới về sản xuất cà phê và là nước xuất khẩu cà phê Robusta (cà phê vối) lớn nhất thế giới, trong đó Tây Nguyên là “thủ phủ“ của cây cà phê với sản lượng chiếm khoảng 92% sản lượng cà phê của cả nước, là cây trồng chủ lực, cây xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu đối với đồng bào các dân tộc Tây nguyên.

Tuy nhiên cây cà phê Tây nguyên đang đối mặt với thách thức là tỷ lệ diện tích cà phê già cỗi cho năng suất, chất lượng thấp chiếm tỷ lệ khá cao và ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Hiện, diện tích cà phê già cỗi cần phải tái canh ở khu vực Tây Nguyên từ nay đến năm 2020 là khoảng 120 nghìn ha. Mặc dù vậy, việc tái canh các vườn cà phê già cỗi thời gian qua gặp khó khăn, trong đó chi phí cho việc tái canh cà phê khá lớn so với thu nhập của hộ nông dân.

Nắm bắt được khó khăn này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động phối hợp với các Bộ Ngành có liên quan xây dựng phương án tái canh cây cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, ngành NH sẽ cho vay tái canh cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên là Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai và Kon Tum dành.

LienVietPostBank, Công ty Cổ phần Him Lam và UBND tỉnh Lâm Đồng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc phát triển cây mắc ca thành cây chiến lược.

Mức cho vay do khách hàng và ngân hàng thỏa thuận nhưng đối với phương pháp trồng tái canh cà phê mức vay tối đa là 150 triệu đồng/ha, thời hạn cho vay tối đa 8 năm, trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 4 năm tính từ thời điểm khách hàng và ngân hàng ký hợp đồng vay vốn. Đối với phương pháp ghép cải tạo cà phê mức vay tối đa là 80 triệu đồng/ha, thời hạn cho vay tối đa là 4 năm, trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 2 năm tính từ thời điểm khách hàng và ngân hàng ký hợp đồng vay vốn.

Đáng chú ý, lãi suất cho vay trong thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi do NHNN công bố nhưng không vượt quá 7%/năm (trong năm 2015 mức lãi suất này là 7%/năm). Lãi suất cho vay sau thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi do NHNN công bố hằng năm trên cơ sở lãi suất lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng cho vay cộng biên độ 2,5%/năm.

Mắc ca - Cơ hội làm giàu bền vững

Dù cà phê và một số loại cây công nghiệp như chè, cao su… là những loại cây thoát nghèo và làm giàu cho rất nhiều người dân Tây Nguyên, nhưng với hiện trạng khoảng 20% số cây cà phê già cỗi, nhiều loại sản phẩm đầu ra không ổn định, không có khả năng phục hồi hay ghép cải tạo.

Dự tính đến năm 2020, hơn 70% diện tích cà phê ở khu vực này cũng sẽ lâm vào tình trạng tương tự. Cây Mắc-ca được đánh giá không chỉ hướng đến mục tiêu về xã hội, phát triển kinh tế cho khu vực Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung mà còn giải quyết nguồn vốn dư thừa của các NHTM trong những năm gần đây.

Được nhập về trồng ở Việt Nam từ đầu những năm 2000, cây Macadamia (Mắc-ca) đang dần chứng tỏ lợi thế vượt trội và được nhận định sẽ được trồng bổ sung, tiến tới trồng thay thế cây cà phê truyền thống ở Tây Nguyên.

“Hoàng hậu các loại hạt khô” Mắc-ca là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao, nhu cầu trên thế giới cho cây Mắc-ca cao gấp 4 lần tổng sản lượng, nguồn cung hạt Mắc-ca còn được dự báo phải mất hàng chục năm nữa mới đuổi kịp cầu. Giá cả Mắc-ca trên thị trường thế giới vẫn không ngừng tăng và là một trong những hàng nông sản đắt giá nhất hiện nay.

Nói về triển vọng làm giàu từ cây mắc ca, TS Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT -  LienVietPostBank khẳng định: “Thứ nhất, xét về tiềm năng của việc trồng cây Mắc-ca tại Việt Nam có thể nhận thấy điều kiện khí hậu của một số vùng tại Việt Nam như Tây Nguyên và Tây Bắc rất thuận lợi để phát triển giống cây này, nhiều chuyên gia Úc cũng nhận định Mắc-ca ở Tây Nguyên còn tốt hơn ở Úc và nhiều nơi khác trên thế giới.

Thứ hai, sau 20 năm trồng thử nghiệm và 10 năm trồng ở quy mô nhỏ, đến nay bước đầu Việt Nam đã có những tích lũy nhất định về kinh nghiệm trồng cây Mắc-ca.

Thứ ba, xét về cung cầu thị trường thì hiện tại trong phạm vi thế giới, cung vẫn chưa đủ cầu, vì vậy nếu Việt Nam gia nhập được vào thị trường còn khá đặc thù này thì thị trường đầu ra rất tiềm năng.

Thứ tư, về chi phí sản xuất - nhân công, Việt Nam có thị trường lao động có mức giá khá thấp so với các khu vực khác đang phát triển cây Mắc-ca và có nguồn nhân công dồi dào.

Thứ năm, giá thành của các sản phẩm từ cây Mắc-ca tại Việt Nam cũng như trên thế giới đang ở mức cao; do đó thời gian hoàn vốn, tạo lợi nhuận cho các chủ trang trại và/hoặc các nhà sản xuất sẽ nhanh hơn so với việc đầu tư phát triển các giống cây khác. Trung bình vào năm thứ 5, người trồng bắt đầu có doanh thu từ việc bán hạt Mắc-ca. Bắt đầu từ năm thứ 6, hộ gia đình sẽ bắt đầu thu được lợi nhuận, còn doanh nghiệp thì bắt đầu từ năm thứ 7 sẽ thu được lợi nhuận.

Thứ sáu, để phát triển công nghệ sản xuất chế biến, nâng cao năng suất cho cây Mắc-ca cần đầu tư lớn về mặt kinh phí. Phân tích về chuỗi giá trị của cây Mắc-ca cho thấy tại Việt Nam để có thể đạt đến những chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao sẽ cần có kinh phí đầu tư lớn”

Với mục tiêu cùng phát triển Mắc-ca Việt Nam, trong thời gian qua, LienVietPostBank đã đồng hành với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ NN&PTNT, chính quyền tỉnh Lâm Đồng và Công ty Cổ phần Him Lam trong việc thúc đẩy chương trình phát triển cây Mắc- ca trở thành cây trồng lâm – nông – công nghiệp chiến lược mới tại Việt Nam.

Dự kiến trong 5 đến 10 năm tới, LienVietPostBank sẽ dành khoảng 20.000 tỷ đồng đầu tư phát triển Mắc-ca tại Tây Nguyên, trong đó riêng Lâm Đồng, LienVietPostBank sẽ đầu tư từ 5.000 – 10.000 tỷ đồng cho Mắc-ca và phát triển các đối tượng kinh doanh khác.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên, đã có 13 dự án được UBND các tỉnh Tây Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn hơn 16.600 tỷ đồng, chủ yêu các dự án đầu tư vào những lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ và năng lượng; 15 dự án được ngân hàng ký kết cho vay với số tiền lên đến 13 nghìn tỷ đồng; 3 biên bản thỏa thuận được ký kết giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Đặc biệt, tại Hội nghị, các ngân hàng thương mại cổ phần, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp đã ủng hộ 120 tỷ đồng phục vụ công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ở Tây Nguyên.

Lệ Thúy
.
.
.