Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế

Thứ Hai, 03/02/2014, 14:41
Năm 2014, Việt Nam chính thức tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ). Đây là sự tiếp nối chính sách nhất quán của Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng tham gia đóng góp một cách có trách nhiệm vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế, ủng hộ các mục tiêu cao cả của LHQ.

“Một người vì tất cả”

Tháng 9/2013, tại Đại hội đồng LHQ Thủ tướng nước ta Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu: Hãy cùng nhau đối mặt và vượt qua những thách thức, hiểm họa toàn cầu với tinh thần “Một người vì tất cả, tất cả vì một người” như những người lính ngự lâm của đại văn hào Alexander Dumas; phải  bằng trách nhiệm và lòng nhân ái, nỗ lực hơn nữa vì nền hòa bình chung và chương trình nghị sự vì phát triển sau năm 2015. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, Việt Nam luôn nỗ lực tham gia kiến tạo hòa bình, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh; sẵn lòng đóng góp nguồn lực, dù còn nhỏ bé, như sự tri ân đối với bạn bè quốc tế đã giúp Việt Nam giành và giữ độc lập, thống nhất đất nước, thoát khỏi đói nghèo. Việt Nam đã và sẽ mãi mãi là một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Diễn tập trực thăng của Quân chủng PK-KQ thả lực lượng đặc nhiệm xuống tàu giải cứu con tin trên chiếc tàu bị bọn khủng bố cướp. Ảnh: TTXVN.

Như vậy, từ chỗ chủ động bảo vệ nền hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ, Việt Nam đã sẵn sàng tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Những trạm xá cấp 2, hay thực hiện rà phá bom mìn sẽ là 2 trong số 4 hoạt động chính mà Quân đội Việt Nam sẽ thực hiện khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, bởi theo lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, đây là thế mạnh và kinh nghiệm của Việt Nam.

Chia sẻ kinh nghiệm bằng thực tiễn

Mấy mươi năm trước, hai tiếng Việt Nam gắn liền với chiến tranh và phân ly, với máu lửa và nước mắt. Việt Nam đã phải hứng chịu hơn 15 triệu tấn bom đạn, nghĩa là gấp 4 lần tổng số bom đạn đã sử dụng trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, làm ô nhiễm hơn 20% diện tích Việt Nam. Tính trung bình, mỗi người Việt Nam phải hứng chịu một lượng bom đạn gấp gần 10 lần trọng lượng cơ thể mình. Đó là chưa kể đến hàng trăm triệu lít hóa chất có chứa chất da cam/dioxin – một sát thủ thầm lặng ghê gớm đối với sức khỏe và nòi giống con người.

Vì thế, như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Trưởng Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ đã nói, Việt Nam sẽ không đưa các cán bộ, chiến sĩ Quân đội vào những nơi có chiến tranh mà chỉ thực hiện những công việc mang tính chất củng cố hòa bình, tái thiết ở những đất nước còn đang nghèo. Hiện tại, các quân nhân Việt Nam tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình đang được đào tạo và huấn luyện để có thể cùng với lực lượng cảnh sát và quân đội của 116 quốc gia trên thế giới thực hiện mục tiêu tối cao và xuyên suốt đã được ghi trong Hiến chương của LHQ là gìn giữ hòa bình và ổn định trên Trái đất. 

Nỗ lực kiến tạo hòa bình

Dự kiến, Quân đội Việt Nam sẽ cùng với quân đội các quốc gia khác thực thi sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan và Mali trong thời gian sớm nhất, có thể là trong năm 2014 với ít nhất 4 hoạt động ít nhạy cảm là quan sát viên, tham mưu, công binh và quân y. Nam Sudan là một nước mới tách ra khỏi Sudan từ năm 2011 sau thời gian nội chiến đẫm máu hơn 50 năm với dân số trên dưới 8 triệu người, triền miên trong tranh chấp lãnh thổ với Sudan và những trại tị nạn thiếu từ thực phẩm đến nước uống. Còn Mali ở khu vực Tây Phi, có dân số khoảng hơn 14 triệu người. Tuy giành được độc lập từ năm 1960 nhưng khủng hoảng chính trị thường xuyên trong sự đe dọa của các nhóm Hồi giáo cực đoan…

Để thực hiện tốt sứ mệnh quốc tế này, Việt Nam đã có công tác chuẩn bị trong 8 năm qua. Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Việt Nam đóng góp quân ở lĩnh vực công binh, quân y là những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh. Hơn nữa, đây là những lĩnh vực không liên quan đến những xung đột, tranh chấp, thể hiện tính chất nhân đạo, xây dựng. Hồi tháng 6 năm 2013, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam thăm Cơ quan gìn giữ hòa bình và một số cơ quan chức năng của LHQ tại trụ sở chính của tổ chức này ở New York (Mỹ).

Tại đây, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có cuộc làm việc với trợ lý Tổng Thư ký LHQ, phụ trách công tác gìn giữ hòa bình Edmon Mulet. Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đã có chuyến thị sát thực tế ở Nam Sudan. Ngoài ra, các hoạt động trao đổi kinh nghiệm với những nước đã có lực lượng gìn giữ hòa bình cũng được tiến hành trong nhiều năm qua. Mới đây nhất, vào cuối tháng 11, Trung tướng Phan Văn Giang, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đã tiếp Đại tá Barz Reinhard, Giám đốc Trung tâm huấn luyện Gìn giữ hòa bình của Bộ Quốc phòng Đức, nơi mỗi năm đào tạo khoảng 20.000 học viên cho quân đội, cảnh sát và các ngành khác ở Đức…

Riêng về nhân sự cho đội quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, Bộ Quốc phòng cũng đưa ra nhiều tiêu chuẩn lựa chọn khá khắt khe, từ hình thức, chiều cao cho đến trình độ chuyên môn và cả tiếng Anh. Đối với những binh sĩ đã được lựa chọn, sau khi tham gia chương trình luyện tập quân sự và vũ trang, Bộ Quốc phòng còn phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam đào tạo ít nhất 2 khóa tiếng Anh giao tiếp cấp tốc với thời hạn ít nhất là 5 tháng. Đến nay, hơn 100 cán bộ chiến sĩ Quân đội Việt Nam đã tốt nghiệp khóa đào tạo Anh ngữ này và sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ mới

Huyền Chi (CAND Tết 2014)
.
.
.