Quy hoạch Báo chí đến năm 2025: ‘Việc dễ làm trước, việc khó làm sau’

Thứ Bảy, 26/09/2015, 19:30
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa chính thức công bố những nội dung cơ bản của Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 hay còn gọi là Đề án quy hoạch báo chí, một vấn đề nóng được dư luận xã hội “trông ngóng” trong suốt thời gian qua.

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn về lộ trình thực hiện cũng như những vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình triển khai Đề án "tái cơ cấu" hệ thống báo chí toàn quốc có tính chất "lịch sử" này.

PV: Nếu chiếu theo những quy định cụ thể của đề án Quy hoạch báo chí như cấp Sở, ngành không có báo in, các Hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp và tổng công ty nhà nước không có báo điện tử thì có thể sẽ nảy sinh một số mâu thuẫn trong quá trình triển khai. Chẳng hạn, có những cơ quan báo chí vào diện đối tượng điều chỉnh nhưng lại đang có lượng phát hành lớn, tầm ảnh hưởng xã hội rộng, trong khi đó, lại có những báo không bị điều chỉnh, được tồn tại, lại có lượng phát hành nhỏ. Bộ TT&TT có tính đến những điều này và sẽ có giải pháp điều chỉnh như thế nào?

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Trong quá trình triển khai Quy hoạch báo chí toàn quốc, chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, vướng mắc. Chẳng hạn, Báo Tuổi Trẻ của Thành Đoàn TP.Hồ Chí Minh, không chỉ có ảnh hưởng trong tuổi trẻ, thành đoàn TP.Hồ Chí Minh mà còn là tờ báo về kinh tế chính trị của toàn thành phố, của cả nước, song đây lại là báo của cấp sở, trong khi theo Đề án Quy hoạch báo chí thì cấp sở không có báo in. Hoặc Báo điện tử Dân Trí cũng là một trong những tờ báo có lượng độc giả lớn, thuộc top 5 trong làng báo điện tử, nhưng lại là báo của Hội Khuyến học Việt Nam, trong khi theo Đề án Quy hoạch báo chí thì Hội nghề nghiệp không có báo điện tử, chỉ có tạp chí. Hay như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là 2 địa phương có nhiều cơ quan báo chí khác nhau, trong đó Hà Nội có 16 cơ quan, TP.Hồ Chí Minh có tới 18 cơ quan báo chí. Nếu triển khai đúng theo Quy hoạch báo chí toàn quốc thì cả Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh sẽ chỉ còn một cơ quan báo chí trực thuộc Thành ủy, cơ quan chủ quản cấp thành phố. Đây thực sự là một bài toán khó đòi hỏi tất cả các cấp phải cùng chung sức giải quyết. Bộ TT&TT đã có kế hoạch ngày 1-10 tới sẽ làm việc với TP.HCM và một số tổ chức xã hội, nghề nghiệp khác để bàn bạc, xem xét sắp xếp hợp tình hợp lý, tránh gây xáo trộn lớn, nhất là cho đội ngũ phóng viên.

PV: Điều khiến dư luận xã hội hết sức quan tâm là quy trình triển khai thực hiện Quy hoạch báo chí sẽ được tiến hành cụ thể như thế nào, tất cả cùng đồng loạt triển khai hay tiến hành từng bước một theo mô hình thí điểm, sau đó mới triển khai nhân rộng, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn:  Chúng tôi đánh giá cao và nêu cao vai trò chủ động của cơ quan chủ quản báo chí, phải có bước đi, lộ trình kế hoạch để sắp xếp quy hoạch báo chí của địa phương và ngành mình. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ cùng cơ quan chủ quản tháo gỡ ở những nơi có nhiều cơ quan báo chí, gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện. Đối với việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí thuộc một cơ quan chủ quản theo mô hình mỗi cơ quan có thể có nhiều ấn phẩm, trong đó có thể có một ấn phẩm chính và nhiều ấn phẩm phụ sẽ lựa chọn một số Bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, tổ chức chính trị xã hội Trung ương có đủ điều kiện để thí điểm xây dựng mô hình này trước năm 2017. Trên cơ sở kết quả thí điểm, các cơ quan chủ quản cần rà soát, đánh giá, sắp xếp lại các cơ quan báo chí thuộc quyền để triển khai nhân rộng mô hình, trong đó chú ý tính đặc thù của một số cơ quan báo chí có lượng phát hành lớn, có ảnh hưởng xã hội rộng, có lộ trình và bước đi cụ thể, chắc chắn theo tinh thần “việc dễ làm trước, việc khó làm sau”. Đảm bảo đến năm 2020, về cơ bản, hoàn thành việc sắp xếp cơ quan báo chí theo mô hình này.

PV: Hiện nay có rất nhiều cơ quan chủ quản có rất nhiều tờ báo. Dẫn đầu trong số này là Liên hiệp các Hội Khoa học Kĩ thuật Việt Nam với 25 báo, tạp chí và trang tin điện tử, tiếp đến là hệ thống báo chí của Trung ương Đoàn. Theo Đề án Quy hoạch báo chí, cơ quan báo chí của những đơn vị này sẽ sắp xếp thế nào, thưa ông? 

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn:  Đối với Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, việc sắp xếp sẽ được tiến hành theo hướng chỉ có 1-2 cơ quan báo chí trực thuộc Liên hiệp, còn các tạp chí chuyên ngành là của các hội thành viên của Liên hiệp. Còn đối với hệ thống báo chí của Trung ương Đoàn, tới đây cơ quan chủ quản cũng phải tính toán xem tờ nào là chính, tờ nào là phụ để tiến hành sắp xếp theo lộ trình phù hợp trên tinh thần chủ động. Chỗ nào còn vướng mắc, khó khăn chúng tôi sẽ cùng bàn bạc, tháo gỡ. Trong quá trình quy hoạch, chúng tôi xác định ưu tiên các tạp chí khoa học chuyên ngành ở các viện nghiên cứu, trường đại học, hội chuyên ngành, những ấn phẩm chuyên thể hiện các tác phẩm, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ... Những tạp chí đó về cơ bản vẫn giữ nguyên. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Đề án Quy hoạch báo chí, chúng tôi vẫn cấp giấy phép để các trường đại học ra tạp chí để đăng những công trình nghiên cứu khoa học, bài viết của nghiên cứu sinh.

PV: Theo Đề án quy hoạch báo chí, sẽ có 6 cơ quan báo chí là Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Thông tấn Xã Việt Nam (TTXVN), Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân chuyển đổi theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện. Theo ông, lộ trình chuyển đổi này sẽ được thực hiện thế nào?

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn:  Báo chí đa phương tiện là xu hướng tất yếu của thế giới. Tại Việt Nam, việc chuyển đổi thành mô hình báo chí truyền thông đa phương tiện cũng là xu hướng tất yếu, đòi hỏi năng lực quản lý của lãnh đạo cơ quan báo chí cần phải phát triển theo kịp xu thế của thời đại, nếu không theo kịp thì sẽ bị tụt hậu. Các cơ quan báo chí phải nâng cấp trang thiết bị, hệ thống hạ tầng của mình; phải đào tạo vào bồi dưỡng phóng viên trở thành phóng viên truyền thông đa phương tiện bởi xu thế hiện tại không có một tờ báo nào là báo in đơn thuần, ít nhất phải có thêm báo điện tử. Chúng tôi đã rà soát lại từ Dự thảo luật cho đến Đề án này đều phải thống nhất với nhau. Điều gì chưa thống nhất phải xin các cấp có thẩm quyền xem xét lại.Theo lộ trình của Đề án Quy hoạch, trước năm 2017, VTV, VOV, TTXVN, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân sẽ phải có đề án xây dựng thành cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện trình cơ quan chủ quản xem xét.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.