Vỉa hè Hà Nội vẫn bị “lấn”
Dán tem nhắc nhở lên quang gánh hàng rong
Chiều 11/7, UBND TP Hà Nội đã họp giao ban với các quận, huyện về kết quả sau 10 ngày thực hiện Quyết định 20 và 02/2008/QĐ-UB của UBND TP về quản lý, sử dụng hè phố, lòng đường và hoạt động bán hàng rong.
Theo ông Phạm Chí Công, Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội, trong 10 ngày qua (từ 1 đến 10/7), TP đã liên tục duy trì 5 tổ liên ngành phối hợp với các quận để kiểm tra, xử lý vi phạm các Quyết định trên. Các lực lượng chức năng của TP đã xử lý 8.328 trường hợp vi phạm các quy định về sử dụng hè phố, lòng đường, phạt tiền trên 551 triệu đồng; tạm giữ 34 ôtô, 242 xe máy, 191 xe thô sơ, trên 23.000 băng rôn, quảng cáo…
Hầu hết các tuyến hè phố trong danh mục quy định cấm để xe đạp, xe máy, ôtô và cấm kinh doanh trên vỉa hè đã thông thoáng, tạo được bộ mặt mới cho đô thị. Đặc biệt, tại quận Hoàn Kiếm đã có hơn 1.000 người bán hàng rong về quê nghỉ bán hàng. Theo đại diện quận Hoàn Kiếm, quận này đã cử cán bộ các phường xuống tận nhà trọ tại hai phường Phúc Xá và Chương Dương thuyết phục người bán hàng rong thực hiện đúng quy định. Vào buổi sáng, mỗi khi có người bán hàng rong gánh hàng qua các cửa khẩu vào trong phố là có lực lượng túc trực dán tem về quy định lên quang gánh.
Hàng rong vẫn còn trong phố nhưng lâm vào cảnh ế hàng. Ảnh minh họa của VNE. |
Trong buổi giao ban này, đại diện các quận Đống Đa và Hai Bà Trưng cũng nêu những khó khăn trong việc xử phạt tại các điểm giáp ranh giữa các quận. Trên những đoạn phố tại các phường giáp ranh giữa các quận vẫn xảy ra tình trạng lợi dụng để vi phạm như đầu phố Khâm Thiên giao với đường Lê Duẩn bán bia hơi, đoạn đường Đê La Thành giáp Thành Công của quận Ba Đình hay bán giày dép, đồ cũ trên vỉa hè…
Khó tìm địa điểm gửi xe
Khi thực hiện Quyết định 02 và 20, hầu như tất cả các quận, các phường đều kêu "bí" chỗ để xe, nhất là xung quanh các bệnh viện. Một loạt các tuyến phố đang không tìm được điểm đặt chỗ gửi xe là tuyến Hàng Cân, Chả Cá, Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm) do các phố xương cá xung quanh quá chật chội.
Hiện nay, các điểm "nóng" nhất về vi phạm sử dụng vỉa hè là 222 quán bia hơi trên toàn TP, chưa kể hàng nghìn quán ăn. Tại những nơi này, lòng đường bị chiếm dụng làm chỗ để xe máy, ôtô, vỉa hè cũng bị chiếm để bàn ghế. Hiện nay, vẫn phổ biến tình trạng hôm trước được báo kiểm tra thì làm tốt, hôm sau đi qua lại thấy tái diễn.
Sau khi nghe ý kiến của các quận, huyện, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi chỉ đạo, trong thời gian tới sẽ thực hiện đồng bộ 66 tuyến phố (vừa cấm bán hàng rong, vừa cấm lấn chiếm vỉa hè).
Ông Khôi cũng nhấn mạnh sẽ tập trung xử lí các tuyến Phùng Hưng, Hai Bà Trưng, Giảng Võ, Khâm Thiên… nơi có nhiều quán ăn, quán bia hơi. TP sẽ giao Công an TP, Sở Nội vụ cùng các quận xây dựng đề án xây dựng lực lượng trật tự đô thị và trình UBND TP trong tháng 7. Ông Khôi cũng khẳng định sẽ không ngại việc xử lí cán bộ để làm cho nghiêm.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo kiểm tra tại quận Hai Bà Trưng và Đống Đa Cần hợp tác chặt chẽ để quản lý tốt hè phố, lòng đường trên địa bàn Thủ đô, đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đối với lãnh đạo các cấp, các ngành chức năng của Hà Nội khi đi kiểm tra việc thực hiện quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên một số tuyến phố tại quận Hai Bà Trưng và Đống Đa, sáng 13/7. Cùng đi với Chủ tịch UBND có lãnh đạo các Sở: Công an, Giao thông - Vận tải, Thương mại... Kiểm tra thực tế trên địa bàn quận Hai Bà Trưng cho thấy, ngoài 5 tuyến phố được quy định cấm để xe máy, xe đạp, ôtô, cấm bán hàng rong là: Phố Huế, Bạch Mai, Trương Định, Bùi Thị Xuân, Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng đã kẻ vạch sơn trên vỉa hè để phân định rõ phạm vi sử dụng để xe đạp, xe máy, phạm vi dành cho người đi bộ trên 91 tuyến phố khác. Đồng thời quận đã sắp xếp được 37 điểm trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô trên địa bàn. Tại quận Đống Đa, đã tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức và nội dung phong phú, thiết thực, tổ chức 835 lượt họp tổ dân phố, phát 10.000 tờ rơi, ký 10.255 bản cam kết với các cơ quan, xí nghiệp, các hộ có nhà mặt phố. Kết quả, 95% số hộ có nhà mặt phố trên các tuyến không được để xe, kinh doanh buôn bán trên vỉa hè, đã chấp hành đúng quy định, không bày bán hàng hóa lấn chiếm hè phố như trước đây, tạo được sự khang trang, thông thoáng, sạch đẹp, dành lối đi cho người đi bộ. Ông Nguyễn Thế Thảo cũng đề nghị các phường có tuyến phố cấm để xe trên hè, cần chủ động tìm địa điểm, tổ chức trông giữ xe đạp, xe máy theo quy định; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đóng trên những tuyến phố này tìm cách tháo gỡ khó khăn để thực thi đúng quy định của thành phố. Đối với các tuyến phố không nằm trong danh sách tuyến phố cấm, các phường phải tổ chức sắp xếp xe đạp, xe máy theo quy định, không để các hộ mặt phố lấn chiếm, gây ảnh hưởng đến trật tự giao thông đô thị. Đặc biệt, với những tuyến phố làm đẹp bộ mặt của thành phố như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng... cần phải quyết liệt trong việc tổ chức sắp xếp xe đạp, xe máy đúng quy định TTX |