Văn phòng Chủ tịch nước: Công bố 13 luật và 2 nghị quyết

Thứ Ba, 17/07/2012, 11:26
Ngày 16/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 13 luật và luật sửa đổi, 2 Nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 3 thông qua.

Đó là: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng chống, tác hại thuốc lá; Bộ luật lao động (sửa đổi); Luật công đoàn (sửa đổi); Luật Giá; Luật Giám định tư pháp; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Quảng cáo; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Biển Việt Nam và Nghị quyết về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.

Luật Giáo dục đại học sau khi ban hành sẽ có hành lang pháp lý mới, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động giáo dục, đổi mới quản lý giáo dục đại học. Luật có 4 điểm mới cơ bản, đó là: phân tầng đại học; xã hội hóa giáo dục; quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và kiểm soát chất lượng đào tạo.

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm như: sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao gói hoặc điếu thuốc lá; buôn bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu; quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng. Luật cũng nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua hoặc bán thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua hoặc bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi…

So với luật cũ, Luật Lao động (sửa đổi) có một số nội dung mới như quy định cụ thể về tiền lương và kết cấu tiền lương của người lao động; đưa ra các tiêu chí xác định mức lương tối thiểu vùng nhằm đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình. Luật cũng quy định tăng số ngày nghỉ Tết âm lịch lên 5 ngày nhưng chưa áp dụng vào dịp Tết tới do Luật có hiệu lực thi hành vào 1-5-2013. Người lao động cũng được nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương trong các trường hợp: kết hôn (3 ngày), con kết hôn (1 ngày), bố mẹ đôi bên, vợ chồng, con chết (3 ngày).

Luật giám định tư pháp có mở rộng hơn về phạm vi so với quy định của Pháp lệnh. Luật quy định, đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền tự yêu cầu giám định tư pháp sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Quy định này đã mở ra cơ hội, tạo điều kiện chủ động cho các bên đương sự thu thập chứng cứ để chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Luật cũng cho phép tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập hoạt động, đây là việc mang tính cải cách đột phá trong hoạt động giám định tư pháp.

Tại buổi họp báo công bố các luật, pháp lệnh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tóm tắt một số nội dung của Luật Biển Việt Nam. Với 7 Chương và 55 điều, Luật Biển Việt Nam quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo. Quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam tham gia.

Thứ trưởng cho biết, mọi cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Nhà nước phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền biển, đảo; khuyến khích việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển; khuyến khích và bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân trên các vùng biển. Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, Luật Biển Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Nhà nước ta là giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước láng giềng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế. Nhà nước ta đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có nhiều lĩnh vực hợp tác cụ thể về biển và đại dương.

Nghị quyết ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân phải nộp năm 2012 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến…

Trần Hằng
.
.
.