Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 4 dự luật
Về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, theo ý kiến của Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Kim Khoa, việc bổ sung nội dung quá cảnh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật là không cần thiết. Về vấn đề người không quốc tịch, trên thực tế người không quốc tịch không được phép cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu mà chỉ được cấp giấy phép xuất, nhập cảnh khi có nhu cầu ra nước ngoài. Vấn đề đơn phương miễn thị thực, trên thực tế, việc miễn thị thực đơn phương được Chính phủ đánh giá bước đầu là có hiệu quả. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, việc quy định thẩm quyền của UBTVQH như dự thảo Luật là phù hợp. Để đảm bảo chặt chẽ và chủ động, khẳng định chủ quyền của nước ta khi quyết định đối với vấn đề này, đề nghị UBTV cho bổ sung cụm từ có thời hạn vào sau cụm từ “đơn phương miễn thị thực”.
Về Luật Giao thông đường thủy nội địa, theo báo cáo của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, quy định áp dụng pháp luật đối với hoạt động giao thông trên vùng nước không phải đường thủy nội địa (ĐTNĐ) là phù hợp hơn với đặc điểm của hệ thống sông ngòi, hồ đầm, phá… ở nước ta. Việc đăng ký, đăng kiểm và hoạt động của phương tiện giao ĐTNĐ kết quả còn thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chưa làm cho người dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc đăng ký, đăng kiểm là không chỉ để quản lý phương tiện mà còn để xác lập quyền sở hữu tài sản cũng như bảo đảm an toàn cho chính chủ phương tiện khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, việc tổ chức đăng ký hiện nay ở địa phương cũng chưa tạo thuận lợi cho chủ phương tiện. Do đó, phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động chủ phương tiện đăng ký, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi trong việc dăng ký phương tiện. Về thuyền viên và người lái phương tiện, theo hướng bỏ giới hạn độ tuổi như trong dự thảo luật “không quá 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam”.
Cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, UBTV Quốc hội cho rằng, nên bảo hiểm y tế bắt buộc tiến tới toàn dân bảo hiểm y tế. Đó là một chính sách an sinh xã hội, phải thấu hiểu nguyên tắc BHYT là chính sách nhân đạo. Người khỏe, khi khỏe đóng tiền để khi ốm chữa bệnh, và người khỏe chi cho người ốm, không thể thấy ốm đau mà không chữa. Đã là nguyên tắc thì phải đóng, ai cũng phải đóng. Ai không có khả năng thì Nhà nước hỗ trợ (vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn). Dù bệnh viện tư hay công, nếu đóng bảo hiểm khi có bệnh sẽ chi phí ít đi rất nhiều với người không đóng bảo hiểm, số còn lại là bệnh viện chịu. Có thẻ BHYT, đi đến cơ sở y tế hay bệnh viện lớn đều được chữa bệnh, còn tình trạng bệnh viện trái tuyến, học trái tuyến… là vi phạm, không thể cát cứ địa phương.
Cho ý kiến về dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), theo bà Trương Thị Mai (Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội), việc tiếp tục áp dụng tập quán tốt đẹp về hôn nhân và gia đình trong dự thảo Luật là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của một bộ phận người dân, góp phần bảo tồn và phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Về độ tuổi kết hôn, cả nam và nữ là đủ mười tám tuổi trở lên. Trên thực tế, tuổi kết hôn trung bình của nam, nữ đều cao hơn khá nhiều so với tuổi kết hôn được quy định trong luật và có xu hướng ngày càng tăng. Việc quy định độ tuổi kết hôn của cả nam và nữ đủ 18 tuổi chỉ là độ tuổi tối thiểu, thể hiện sự bình đẳng về quyền của cả hai giới. Quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn…