Tương lai châu Á: Củng cố niềm tin, phát triển bền vững
Trong hai ngày ở trên đất nước Mặt trời mọc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Taro Aso, hội kiến với Chủ tịch Hạ viện Kono Yohei, Chủ tịch Thượng viện Eda Satsuki, gặp gỡ tiếp xúc với lãnh đạo các tổ chức kinh tế, chính khách, nghị sĩ, tập đoàn kinh tế hàng đầu Nhật Bản...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có bài phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị "Tương lai châu Á" lần thứ 15 do báo Nikkei tổ chức tại Tokyo với chủ đề "Những thách thức châu Á đang phải đối phó, cùng theo đuổi những mục tiêu mới".
Hội nghị “Tương lai châu Á” là một dịp để thảo luận một cách sâu sắc và toàn diện các biện pháp và hình thức hợp tác ứng phó với khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới của châu Á và thế giới sau khủng hoảng.
Không để nước đến chân mới nhảy, hơn bao giờ hết trong thời điểm hiện nay, khi đã xuất hiện dấu hiệu về việc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu có thể đã xuống đáy và triển vọng phục hồi đang là cao đối với nhiều nền kinh tế, châu Á cần phải chuẩn bị cho mình cả tâm thế lẫn vật lực để có thể mau chóng tạo đà cho những bước thay đổi khả quan trong giai đoạn "hậu khủng hoảng".
Tại Hội nghị “Tương lai châu Á”, bài phát biểu trong phiên khai mạc của của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được các đại biểu hoan nghênh nhiệt liệt bởi những ý tưởng thiết thực và tâm huyết. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu ra 6 nhóm giải pháp ưu tiên phối hợp hành động để châu Á vượt qua những khó khăn và thách thức to lớn đang phải đối mặt, có thể sớm thoát khỏi khủng hoảng và bảo đảm cho một tương lai tốt đẹp sau khủng hoảng, tiếp tục là khu vực năng động nhất trong thế kỷ XXI, thế kỷ được kỳ vọng là "thế kỷ của châu Á".
Nhiều đại biểu đã tỏ ý tán đồng với 6 phương thức và biện pháp cần ưu tiên phối hợp hành động mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu ra, như củng cố niềm tin và xây dựng cho được những nền tảng cơ bản cho sự phát triển bền vững; phối hợp hành động và tăng cường mở rộng, làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế, thương mại, tăng tỷ trọng giao thương và đầu tư giữa các nền kinh tế châu Á; đẩy mạnh hợp tác phát triển các tiểu vùng và khu vực chậm phát triển, rút ngắn khoảng cách phát triển nội châu lục; nâng cao vai trò của châu Á trong việc xây dựng khuôn khổ thương mại toàn cầu, cải cách hệ thống tài chính - tiền tệ quốc tế và phối hợp hành động khắc phục khủng hoảng.
Mỗi quốc gia phải tự phát huy nội lực, có các biện pháp quyết liệt, phù hợp để khắc phục các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng hiện nay, ngày càng vững mạnh để cộng đồng vững mạnh hơn. Đồng thời các nước châu Á cần phải tăng cường hơn nữa năng lực sáng tạo, tiếp tục xây dựng môi trường quốc tế hoà bình, ổn định và tạo lập lại vị thế là một trong những cái nôi văn minh của loài người.
Thủ tướng cũng nêu rõ: Một cộng đồng chỉ có thể vững mạnh khi từng thành viên vững mạnh. Vì thế, sự hỗ trợ của các nền kinh tế đầu tàu dành cho các nước đang gặp khó khăn hơn trong khu vực là hết sức cần thiết và quý báu. Các nước châu Á cần tăng cường hơn nữa năng lực sáng tạo, tiếp tục xây dựng các mối quan hệ quốc tế hòa bình, ổn định và tạo lập lại vị thế là một trong những cái nôi văn minh của loài người. Trước hết cần có những đột phá trong tư duy sáng tạo và đổi mới, tập trung phát huy thế mạnh về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, đầu tư thỏa đáng cả cho nghiên cứu khoa học cơ bản và phát triển công nghệ; tập trung nghiên cứu và tăng cường hợp tác nhằm tìm ra mô hình phát triển mới cho châu Á, vừa phát huy được giá trị hiện có của châu Á, vừa ứng phó hữu hiệu với những thách thức mới của thế giới đang toàn cầu hóa sâu rộng hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định: Việt Nam sẽ làm hết sức mình, hợp tác chặt chẽ với các nước, thực hiện đầy đủ các cam kết để cùng các nước vượt qua khó khăn hiện nay, nhất là ứng phó với khủng hoảng kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh... góp phần vào sự phồn vinh của khu vực...
Theo trang tin điện tử của Chính phủ, trong các cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã cùng tập trung trao đổi ý kiến về phương hướng và các biện pháp lớn nhằm triển khai cụ thể các nội dung nêu trong Tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á được công bố trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 4/2009. Theo đó, Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hoá, giáo dục…, đặc biệt là triển khai các dự án hạ tầng cơ sở có qui mô lớn hiện nay như Đường cao tốc Bắc - Nam, Đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng như trong thời gian tới là Dự án xây dựng nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài; Cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng); đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Thủ tướng Taro Aso khẳng định Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét tích cực đề nghị của Việt Nam về việc để Việt Nam sử dụng một phần gói tài chính hỗ trợ khẩn cấp mà Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dành cho các nước châu Á nhằm giảm thiểu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Hai bên nhất trí thiết lập Diễn đàn đối thoại, trao đổi thông tin giữa hai nước về qui chế kinh tế thị trường của Việt Nam để Chính phủ Nhật Bản có cơ sở xem xét công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Chủ tịch Thượng viện Eda Satsuki và Hạ viện Kono Yohei khẳng định sẽ phát huy vai trò của mình thúc đẩy Quốc hội Nhật Bản sớm hoàn tất các thủ tục phê chuẩn Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản để hiệp định sớm có hiệu lực và đi vào cuộc sống nhằm tạo môi trường thuận lợi, công bằng và bình đẳng trong quan hệ kinh tế giữa hai nước. Hai bên cũng nhất trí hợp tác tổ chức tốt các hoạt động của "Năm giao lưu Mê Công - Nhật Bản 2009" như Lễ hội Nhật Bản 2009 tại thành phố Hội An và "Những ngày giao lưu văn hóa-du lịch Mê Công - Nhật Bản" tại thành phố Cần Thơ; tăng cường hợp tác giữa hai nước trong các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực mà hai nước đều là thành viên... Trong các buổi gặp gỡ, tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo các tổ chức: Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Xúc tiến Thương mại Hải ngoại Nhật Bản (JETRO), Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Nippon Keidanren), Diễn đàn Năng lượng hạt nhân và Chủ tịch các Tập đoàn hàng đầu Nhật Bản như Sumitomo, Nomura, Marubenni, Soitz, Taiheiyo… đều bày tỏ mong muốn sẽ tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng, thương mại, giáo dục - đào tạo... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ chủ trương nhất quán của Việt Nam, coi đầu tư nước ngoài là bộ phận cấu thành hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam, coi sự thành công của các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, Nhật Bản nói riêng là thành công của chính mình. Các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản tin tưởng vào các chính sách của Chính phủ Việt Nam ngày càng tạo điều kiện, môi trường thông thoáng, thuận tiện để các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác đầu tư có hiệu quả hơn. |