Tuần này, Quốc hội thông qua nhiều dự án luật, nghị quyết

Thứ Hai, 24/11/2014, 07:30
Tuần cuối cùng của kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều dự án luật, như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (sửa đổi)…

Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Biểu quyết thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Hai dự án luật liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản là Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở đã được thảo luận, lấy ý kiến nhiều lần. Tại Quốc hội, đa số các đại biểu đồng tình với báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng, dự án luật cần bảo đảm tính thống nhất với các luật liên quan; tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản cả về chính sách, thủ tục hành chính; khắc phục tình trạng lợi dụng kẽ hở của chính sách pháp luật để chiếm đoạt, chiếm dụng, tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Đáng chú ý, theo dự luật, đến thời điểm 1-7-2015, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực sẽ bổ sung vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lên tới 20 tỷ đồng. Nhiều ý kiến tán thành với việc dự án luật quy định mức tối thiểu vốn pháp định này nhằm bảo đảm năng lực tài chính của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Việc sửa đổi luật tính đến mối tương quan giữa vốn pháp định của doanh nghiệp với quy mô các dự án và số lượng các dự án mà doanh nghiệp được phép đầu tư kinh doanh để thị trường bất động sản bảo đảm an toàn, phát triển lành mạnh.

Cùng với Luật Kinh doanh bất động sản thì Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua. Về sở hữu nhà ở của người nước ngoài, báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, hầu hết ý kiến đại biểu thống nhất với quy định của dự thảo luật về việc mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần quy định chặt chẽ hơn về thời gian cư trú, điều kiện hạn chế khác để tránh đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường. Theo cơ quan soạn thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), việc xây dựng dựa trên cơ sở tổng kết và đánh giá Nghị quyết 19 của Chính phủ về thí điểm cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Việc quy định như dự thảo  nhằm thu hút vốn của người nước ngoài, còn thúc đẩy thị trường bất động sản. Quy định chặt chẽ về điều kiện được mua như nhiều đại biểu có ý kiến, cơ quan soạn thảo đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể về số lượng được mua bán căn hộ chung cư trong trường hợp một khu vực dân cư có nhiều tòa nhà chung cư, quy định chặt chẽ phương thức thanh toán để phòng, chống việc đầu cơ, rửa tiền (việc thanh toán tiền mua nhà ở phải được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam).

Về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), tổng hợp ý kiến đại biểu cho thấy, đa số tán thành với sự cần thiết tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng như bia, rượu, thuốc lá… Ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị tăng mạnh thuế với các mặt hàng trên để hạn chế tiêu thụ, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Năm 2013, Nhà nước thu thuế thuốc lá được gần 16.000 tỉ đồng nhưng chi phí để chữa 5 loại bệnh liên quan đến thuốc lá lên đến 23.000 tỉ đồng.

Hai dự luật về lực lượng vũ trang cũng sẽ được Quốc hội thông qua tuần này: Luật Sĩ quan QĐND sửa đổi và Luật CAND sửa đổi. Sau nhiều lần chỉnh lý, sửa đổi theo ý kiến đại biểu Quốc hội, dự luật đã có những điều chỉnh so với các dự thảo trước đây. Trong đó, luật quy định rõ căn cứ, tiêu chuẩn, thời hạn thăng cấp bậc hàm sĩ quan cấp tướng; quy định cấp bậc hàm cao nhất tương ứng với các chức danh trong CAND, QĐND; quy định về hạn tuổi công tác, chế độ bảo hiểm… Luật mới bỏ tiêu chí “địa bàn trọng yếu, đơn vị quan trọng đặc biệt” khi xét thăng cấp bậc hàm.

Cũng trong tuần tới, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Nội dung này sẽ được biểu quyết thông qua tại phiên họp ngày 28-11. Việc phê chuẩn Công ước là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần hiệu quả trong công tác đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về việc tra tấn, ngược đãi phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam của các thế lực thù địch nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó, việc này cũng giúp Việt Nam có điều kiện rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, cụ thể là quyền không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục con người cho phù hợp hơn với Công ước và các quy chuẩn chung của pháp luật quốc tế về quyền con người

Đ.Minh
.
.
.