Trình Quốc hội dự án Luật Căn cước Công dân và Luật CAND (sửa đổi)

Thứ Tư, 04/06/2014, 15:20
Chiều nay, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình Quốc hội dự án Luật Căn cước công dân và dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi.

Theo tờ trình, hiện các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cấp, quản lý chứng minh nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ Công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội. Trên cơ sở các văn bản này, hệ thống cơ quan quản lý căn cước công dân đã hình thành trên cả nước với đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất ngày càng được hoàn thiện; cơ sở dữ liệu chứng minh nhân dân với hệ thống tàng thư căn cước công dân đồ sộ đã và đang đáp ứng yêu cầu cấp, đổi, cấp lại chứng minh nhân dân và yêu cầu nghiệp vụ Công an.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về căn cước công dân phù hợp với tình hình thực tiễn của từng giai đoạn, nhưng cho đến nay, các quy định này còn tản mạn, chủ yếu được ban hành dưới hình thức nghị định của Chính phủ nên hiệu lực thi hành thấp. Trong khi đó, quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân là quyền và nghĩa vụ cơ bản nên cần phải được quy định trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao là luật. Mặt khác, yêu cầu đặt ra hiện nay cũng như những năm tiếp theo là phải đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu căn cước công dân hiện nay chủ yếu được lưu trữ thủ công, không được kết nối, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc cấp, quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân chưa đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và thực hiện Chính phủ điện tử. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng Luật căn cước công dân để tạo cơ sở pháp lý thực hiện các đòi hỏi này.

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình Quốc hội 2 dự án luật.

Bộ trưởng cho biết, việc xây dựng dự án Luật căn cước công dân phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, bảo đảm phù hợp với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân của Đảng, Nhà nước hiện nay và những năm tiếp theo. Việc xây dựng dự án Luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong đi lại, giao dịch, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu quản lý dân cư, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật.  Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn cho công tác quản lý căn cước công dân; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về các giấy tờ tùy thân của công dân. Qúa trình xây dựng cũng đã tham khảo có chọn lọc pháp luật về quản lý cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý và sử dụng giấy tờ về căn cước công dân của một số nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức việc soạn thảo Luật căn cước công dân bảo đảm đầy đủ các bước theo trình tự, thủ tục luật định. Ngày 31/5/2012, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật với sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ban soạn thảo đã hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật trong nước có liên quan đến căn cước công dân để đánh giá những quy định còn bất cập, không phù hợp; đồng thời, tham khảo pháp luật của một số nước trên thế giới (Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Singapo…). Tổng kết 14 năm (1999 - 2013) thực hiện Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/2/1999 về Chứng minh nhân dân đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007; tổ chức khảo sát tình hình quản lý căn cước công dân tại một số địa phương trọng điểm… Sau khi Chính phủ cho ý kiến, dự án luật đã trình phiên họp UBTV Quốc hội. 

Dự án Luật căn cước công dân bao gồm 5 chương, 34 điều. Theo dự luật, chứng minh nhân dân là một giấy tờ tùy thân chứng nhận căn cước của công dân phục vụ giao dịch, đi lại. Tuy nhiên, kỹ thuật, công nghệ cấp, quản lý chứng minh nhân dân hiện tại còn lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của nhân dân, chưa bảo đảm phục vụ tốt yêu cầu quản lý dân cư và hội nhập quốc tế; đã xuất hiện nhiều trường hợp làm giả chứng minh nhân dân để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp hoặc thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất chứng minh nhân dân bảo đảm bền, đẹp, chống làm giả. Các thông tin trên chứng minh nhân dân cũng cần được nghiên cứu quy định để có thể tiến tới bỏ sổ hộ khẩu, đơn giản hóa giấy tờ cho công dân.

Để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính thì trình tự, thủ tục cấp, đổi, cấp lại chứng minh nhân dân cần phải được hoàn chỉnh theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nơi làm thủ tục tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân cũng cần phải được quy định linh hoạt hơn để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của công dân…

Cũng trong chiều nay, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Trần Đại Quang trình dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi. Theo tờ trình, việc xây dựng dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) là rất cần thiết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn mới, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta.

Quốc hội cũng nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật căn cước công dân và dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi. Các dự án này sẽ được Quốc hội thảo luận trong tuần tới

Đ.Trường
.
.
.